- Bên trên là những tảng đá khổng lồ có thể lăn xuống thình lình, bên dưới là vực sâu lởm chởm đá nhọn chỉa lên, công nhân lơ lửng giữa sườn đồi để khoan từng vỉa đá…

Cảnh tượng trên không phải trong trò chơi điện tử, mà là cảnh thật ở công trình khai thác đá lộ thiên (đá núi đồi). Lần nào đi ngang dãy núi Cô Tô ở huyện Tri Tôn, An Giang chúng tôi cũng nổi da gà trước cảnh tượng này.

Như thời tiền sử

“Làm công nhân mỏ đá, nhất là ở khâu khoan đá thì phải chấp nhận rủi ro cao. Trời kêu ai nấy dạ chứ biết tính sao!”, một công nhân mỏ đá ở huyện Tri Tôn, nói như thể ‘đánh cược” đời mình.

Chấp nhận rủi ro để mưu sinh

Ông Nguyễn Đắc Hiền, Phân viện trưởng Phân viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động TP.HCM, cho biết, sau những lần khi đi khảo sát các mỏ đá ở An Giang, Kiên Giang ông cũng bị ám ảnh cảnh công nhân đu dây khoan đá lơ lửng giữa sườn đồi.

“Nhìn họ làm việc cứ như thời… tiền sử”, ông Hiền lắc đầu rồi nói tiếp: “Nếu khai thác đúng kỹ thuật, các mỏ đá phải làm từ trên đỉnh xuống. Thế nhưng nhiều nơi do muốn lấy đá nhanh nên họ cứ “cạp” từ dưới lên, hoặc “cạp” ngang sườn núi. Mỏ đá khai thác không đúng thiết kế thì tai nạn xảy ra là điều tất yếu. Còn công nhân, vì miếng cơm manh áo nên họ chấp nhận nguy hiểm. Nếu xảy ra tai nạn lỗi chính là do chủ mỏ đá chứ không phải công nhân”.

Nhìn bức ảnh công nhân mỏ đá làm việc cheo leo trên sườn núi, ông Đặng Hữu Diệp, chuyên gia về địa chất công trình ở TP.HCM, cũng thốt lên: “Các khối đá bên trên có thể lăn xuống đầu công nhân bất cứ lúc nào. Làm việc như thế thì làm sao tránh khỏi tai nạn”.

“Thật sai lầm khi nhiều người cứ nghĩ rằng các khối đá cứng nên rất khó bị trượt lở. Thực tế, trong khối đá có rất nhiều khe nứt, khi bị tác động bởi việc nổ mìn, gió mưa, các khối đá có thể bị tách ra và xảy ra trượt lở. Thậm chí cả một núi đá cũng có thể bị dịch chuyển. Vì thế ở nước ngoài, phía trên khu vực khai thác họ đều giăng lưới thép để ngăn đá lăn xuống bên dưới”, ông Diệp nói.

Tai nạn chết người triền miên

Còn lại cái chân trái yếu ớt và một con mắt phải mỏi mờ vì tuổi tác, ông Bùi Ngọc Tuyến (SN 1959) cựu công nhân ở mỏ đá Hóa An ( xã Hoá An, TP. Biên Hòa, Đồng Nai), chỉ biết bám vào nghề đan lồng chim kiếm sống.

Tai nạn và số người chết ở các mỏ lộ thiên xảy ra nhiều hơn.

“Giờ con cái lớn rồi nên bớt khổ, chứ lúc trước mình là lao động chính, phải nuôi vợ và hai con nhỏ nên khổ sở trăm bề”, ông Tuyến nhớ lại vụ tai nạn ở mỏ đá cách đây nhiều năm: “Hôm đó, sau khi nổ mìn xong, thấy một đống đá lớn còn sót lại nên mình lấy khoan ra khoan, không ngờ khoan trúng tảng đá còn sót kíp nổ… Lúc tỉnh dậy thì thấy cái chân phải bị bay mất còn một con mắt trái thì tối thui”.

Dù bị thương tật, cuộc sống khó khăn nhưng ông Tuyến được xem là người may mắn vì ở mỏ đá mỗi khi xảy ra tai nạn, rất khó có người sống sót. Theo ông Nguyễn Đình Trường, nguyên Phó Chánh thanh tra Nhà nước về an toàn lao động (Bộ LĐTB&XH), tai nạn lao động xảy ra ở các mỏ đá hầu như thường xuyên, mỗi năm cả nước có đến chục vụ và vụ nào cũng chết người.

“Ở các mỏ lộ thiên thì thường xảy ra tình trạng đá sập đè chết nhiều người. Còn ở các mỏ dưới mặt đất thì thường liên quan đến thuốc nổ. Tôi nhớ có vụ, công nhân chủ quan bỏ kíp nổ trong túi áo nhảy hố, kíp phát nổ thế là mất mạng. Có công nhân cầm kíp nổ thổi chơi, kíp phát nổ cũng mất mạng…”, ông Trường kể.

Ông Trường cho biết, tai nạn ở các mỏ đá thường có hai dạng: tai nạn liên quan đến vấn đề kỹ thuật trong khai thác (thường xảy ra ở mỏ lộ thiên, mỏ khai thác thủ công) và tai nạn liên quan đến việc sử dụng thuốc nổ (thường xảy ra ở mỏ dưới mặt đất). Trong đó, tai nạn và số người chết ở các mỏ lộ thiên xảy ra nhiều hơn.

“Nguyên nhân chính là do các mỏ thực hiện không đúng quy phạm kỹ thuật về an toàn trong khai thác. Nếu khai thác mỏ lộ thiên như ở miền Bắc, miền Trung và miền Tây phì phải phạt “phạt ngọn”, “cắt tầng”, “dọn chân” thì mới an toàn. Thế nhưng trên thực tế hầu như không có đơn vị nào thực hiện đúng. Như vụ sập mỏ Lèn Cờ ở Nghệ An vừa rồi là do họ không “phạt ngọn” nên đá trên đỉnh mới đổ sập xuống. Còn các nơi khác do không không cắt tầng nên công nhân không có chỗ đứng, phải đu dây cheo leo nguy hiểm...”, ông Trường nói.

Trung Thanh