- Trẻ con bị đá chôn vùi,
người già bị đá văng gây tàn phế… Những câu chuyện đau lòng bên mỏ đá khiến
người nghe uất nghẹn. Sau vụ sập mỏ đá Lèn Cờ ở Nghệ An làm 18 người chết, nhiều
địa phương đang giật mình vì hiểm nguy ở nhiều mỏ đá...
Khởi tố vụ án sập mỏ đá làm 18 người chết
Thoát chết hy hữu vụ sập mỏ đá
Vụ sập mỏ đá: Thấy nạn nhân cuối cùng
Tin mỏ đá Hóa An (xã Hóa An, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) sẽ đóng cửa trong năm 2011 làm người dân sống gần mỏ đá thở phào, nhẹ nhõm vì sắp thoát cảnh bụi đá mù trời sau mấy chục năm “sống chung” ròng rã. Song với nhiều người, nỗi đau do mỏ đá này gây ra vẫn còn nhói tim, uất nghẹn khi mỗi khi nhắc lại.
Đá vùi con trẻ
“Tội nghiệp thằng nhỏ! Nó mới 7 tuổi nào biết mỏ đá là nơi con nít không được phép vào. Hôm đó là ngày 5/5/2005, nó cùng ba bốn đứa nhỏ trong xóm rủ nhau vào chơi ở khu vực chứa đá xay. Trong lúc thằng nhỏ mải chơi thì bị một chiếc xe trút đá xuống đầu, vùi chết …”, ông Lê Văn Út, công nhân mỏ đá Hóa An (nhà ở tổ 21, ấp Cầu Hang, xã Hóa An, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) cay đắng nhớ lại tai nạn cướp đi sinh mạng của đứa con út.
Khu vực con ông Út bị vùi chết, giờ đá chất cao như núi, lại nằm sát nhà dân nên tai họa vẫn rình rập. Ảnh: Trung Thanh |
Cái chết tức tưởi của bé Lê Thành Thương con ông Út làm nhiều người dân ở ấp Cầu Hang cũng bàng hoàng, căm phẫn. Thế nhưng, ông Út cho biết, gia đình ông chỉ được chủ nhà xe gây tai nạn hỗ trợ 30 triệu đồng và Công ty khai thác đá Hóa An hỗ trợ 10 triệu đồng để lo hậu sự.
Sau khi con chết, vì kế mưu sinh, ông Út vẫn tiếp tục làm công nhân mỏ đá. Nhưng mỗi khi nhìn đống đá, nơi con trai thiệt mạng, ông lại bùi ngùi, bủn rủn chân tay: “Thằng nhỏ thông minh, lanh lợi nên tui cưng lắm. Mỗi lần nhớ tới nó lại tức cái thằng lái xe. Phải chi lái xe quan sát trước khi đổ đá thì thằng nhỏ đâu có chết oan uổng như thế”.
Đá văng dập gãy chân, tay
Hiếm khi người ta thấy bà Nguyễn Thị Bảy (SN 1936) ra khỏi nhà. Quanh năm, suốt tháng, nhà bà (70/14 ấp Cầu Hang) hầu như lúc nào cũng đóng cửa để tránh bụi đá. Nghe tin mỏ đá Hóa An đóng cửa, bà Bảy cũng vui, dù bây giờ, suốt ngày bà chỉ biết quanh quẩn trong nhà với những bước chân khó nhọc. Vết thương do đá gây ra mỗi khi trở trời lại đau nhức buốt.
Bà Bảy bị đá rơi văng trúng, trọng thương, phải nằm điều trị dài ngày khiến gia đình khốn đốn |
“Hôm đó, nghe tin mỏ đá cho nổ mìn lớn, tui chạy vào nhà núp nhưng cũng bị nạn. Cũng may cục đá rơi sượt qua đầu, chứ không thì đã mất mạng” - bà Bảy nhớ lại ngày bị khối đá từ mỏ bay ra, xuyên thủng mái nhà.
Theo giám định của Hội đồng giám định y khoa tỉnh Đồng Nai, vụ tai nạn làm bà Nguyễn Thị Bảy bị gãy tay, xương đùi, xương cẳng chân… với tỉ lệ thương tật 52% vĩnh viễn. Thế nhưng, số tiền do Công ty khai đá Hóa An bồi thường chỉ khoảng 50 triệu đồng, không thấm vào đâu so với số tiền điều trị.
Nhà bỏ hoang, dân khốn đốn
Theo xác nhận của Sở Khoa học – công nghệ và môi trường (nay là Sở TN-MT) tỉnh Đồng Nai, trong quá trình hoạt động, Công ty khai thác đá Hóa An (nay là Công ty Cổ phần đá Hóa An) đã cho nổ mìn quá mức cho phép ở khu vực cách khu dân cư khoảng 150-200 m.
Việc nổ mìn sai quy định đã gây chấn động làm nứt
nhà dân, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Việc nổ mìn khai thác đá làm căn nhà ông Sự bị hư hỏng nặng, không ai dám ở. Ảnh: Trung Thanh |
Ông Nguyễn Văn Sự, có căn nhà nhà sát mỏ đá bị nứt nhiều chỗ, phải bỏ hoang, bức xúc: “Từ ngày mỏ đá hoạt động, bà con ở đây khốn khổ vô cùng. Chuyện nổ mìn văng đá gây tai nạn thì vết thương hiển hiện chứ còn chuyện độc hại do hít phải bụi đá độc hại thì bệnh tình âm ỉ rất dài lâu …”.
Theo người dân địa phương, thời gian qua Công ty Cổ phần đá Hóa An có hỗ trợ tiền độc hại do bụi đá gây ra nhưng chỉ khoảng 50 ngàn đồng/người/tháng, nên không đủ để khám bệnh.
- Trung Thanh