- "Do khối lượng công việc rất lớn, trong khi đội ngũ cán bộ ở Sở thì lại mỏng, nên đang tập trung vào vùng nóng, vùng trọng điểm trước. Thực tế mà nói, từ khi cấp phép, gia hạn cho Chín Mến đến khi xảy ra tai nạn thì đang giao cho cấp huyện, cấp xã thanh tra và kiểm tra".

 
Công ty TNHH Chín Mến được cấp giấy phép khai thác mỏ đá Lèn Cờ số: 1399/QĐ.UBND.ĐC ngày 23 tháng 4 năm 2007. Đến khi gia hạn khai thác lần thứ 2 vào ngày 19 tháng 8 năm 2010 và đến ngày xảy ra vụ sập mỏ đá kinh hoàng 1/4/2011, Sở TN - MT chưa một lần thanh tra hay kiểm tra thực tế chủ mỏ đá trên.
 
Chưa một lần kiểm tra 

Ông Hoàng Danh Lai, Phó Giám đốc Sở TN -MT tỉnh Nghệ An đã có cuộc trao đổi với VietNamNet sau vụ sập mỏ đá kinh hoàng tại Yên Thành.

- Thưa ông, việc cấp phép, phê duyệt cho khai thác mỏ đá Lèn Cờ được tiến hành như thế nào, có đúng lộ trình không? Nếu đúng thì lộ trình đó như thế nào?
 

"Thực tế mà nói, từ khi cấp phép, gia hạn cho Chín Mến đến khi xảy ra tai nạn thì đang giao cho cấp huyện, cấp xã thanh tra và kiểm tra".
Đây là mỏ đá của Công ty TNHH Chín Mến trước đây được cấp phép vào năm 2007. Theo giấy phép tại thời điểm đó thì công ty được khai thác trong vòng 3 năm, tức là có giá trị đến năm 2010. Sau khi hết hạn thì Công ty Chín Mến có hồ sơ xin gia hạn. Căn cứ theo hồ sơ mà chúng tôi có được thì công tác cấp phép mỏ này là hoàn toàn theo đúng quy trình mà pháp luật quy định.
 
- Công ty Chín Mến đã tự ý khai thác quá hạn trên 90 ngày, sau đó mới tiếp tục gia hạn khai thác tiếp?
 
Việc quá 90 ngày mà chưa gia hạn là do vào thời điểm hết hạn thì giai đoạn đó có đoàn làm việc của Thanh tra Chính phủ vào thanh tra về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo kết luận của đoàn thanh tra thì phải dừng tất cả các việc tiếp nhận hồ sơ cấp phép để chấn chỉnh lại những sai phạm mà đoàn thanh tra đã phát hiện.
 
Thời điểm Công ty Chín Mến hết phép khai thác trùng với lúc đoàn Thanh tra Chính phủ vào yêu cầu phải ngừng. Đến khi xong thời gian Thanh tra Chính phủ yêu cầu dừng thì tỉnh mới tiếp nhận hồ sơ cấp phép lại vào ngày 19/8/2010 cho Công ty Chín Mến gia hạn 2 năm.
 
- Từ khi cấp mỏ và cho doanh nghiệp khai thác, phía sở có tiến hành kiểm tra hay không?
 
Từ năm 2007 đến lúc gia hạn thì để cho anh em kiểm tra lại rồi tôi báo cáo.
 
Còn từ lúc gia hạn đến nay, như anh đã biết thì Nghệ An là một địa bàn rộng, có rất nhiều điểm mỏ được cấp phép khai thác. Trong thời gian vừa qua cũng có nhiều dư luận về một số vùng khai thác khoáng sản trái phép. Cho nên Sở và cùng một số ngành liên quan như: Sở Công Thương; Sở Xây dựng và chính quyền địa phương thanh tra kiểm tra ở những khu vực điểm nóng. Đặc biệt là sau khi Thanh tra Chính phủ có yêu cầu như địa bàn: Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong.
 
- Nói như thế, có nghĩa là những địa bàn “không nóng” như huyện Yên Thành thì mình bỏ qua?
 
Do khối lượng công việc rất lớn, trong khi đội ngũ cán bộ ở Sở thì lại mỏng, nên đang tập trung vào vùng nóng, vùng trọng điểm trước. Thực tế mà nói, từ khi cấp phép, gia hạn cho Chín Mến đến khi xảy ra tai nạn thì đang giao cho cấp huyện, cấp xã thanh tra và kiểm tra.
 
- Như vậy là Sở chưa một lần đến tại mỏ Lèn Cờ để thanh kiểm tra?
 
Chưa! Chưa bố trí đến được các mỏ cụ thể, trong đó có mỏ của Chín Mến. Đang giao cho cấp huyện kiểm tra và thanh tra trên địa bàn huyện Yên Thành.
 
“Chưa kiểm tra thì không phát hiện sai phạm”!
 
- Dư luận cho rằng, việc khai thác đá khoét hầm như mỏ của Chín Mến này, chỉ cần mắt thường cũng đã phát hiện khai thác sai quy trình. Vậy tại sao Sở vẫn để cho doanh nghiệp tiếp tục khai thác? Tại sao không xử lý?
 
Như tôi đã nói, từ khi gia hạn mỏ đến nay thì Sở cũng chưa lần nào đến kiểm tra được.
 
"Do khối lượng công việc rất lớn, trong khi đội ngũ cán bộ ở Sở thì lại mỏng, nên đang tập trung vào vùng nóng, vùng trọng điểm trước".
Nhưng qua hồ sơ xin cấp phép gia hạn, trong đó có sự phản ánh của UBND huyện Yên Thành, UBND xã Nam Thành và doanh nghiệp, việc khai thác mỏ của Công ty TNHH Chín Mến trùng với thiết kế cơ sở được thẩm định phê duyệt, không có sai phạm trong quy trình và được UB huyện và xã xác nhận điều đó.
 
Do mình chưa đến kiểm tra nên chưa phát hiện được sai phạm của họ!
 
- Trên địa bàn Nghệ An, hiện có bao nhiêu mỏ khai thác đá. Có bao nhiêu mỏ khai thác sai quy trình như mỏ đá Chín Mến, thưa ông?
 
Toàn tỉnh có gần 120 mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Thực tế qua thanh tra, kiểm tra của các đoàn trước đây phản ánh tình trạng chung các mỏ đều chấp hành đúng quy trình khai thác. Tuy nhiên, để nói đúng 100% theo quy trình khai thác thì không có và một số mỏ còn 'có chỗ này chỗ khác'.
 
- Vài năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra một thực trạng nhức nhối về khai thác khoáng sản. Vừa rồi VietNamNet đã có loạt bài về khai thác đá trắng tại Quỳ Hợp. Và theo như kết luận của Thanh tra Chính phủ, có hàng chục mỏ cấp phép sai quy trình. Vì sao lại để xảy ra tình trạng như vậy?  

Thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An có rất nhiều đoàn kiểm tra và phát hiện được một số chủ mỏ sai phạm. Nói là khai thác sai quy trình và cấp phép sai quy trình là không có. Kết luận của Thanh tra Chính phủ có 53 mỏ đang 'băn khoăn' về sai chủng loại đá.
 
Vừa rồi đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Nghệ An đã kiểm tra lại 53 mỏ mà Thanh tra Chính phủ nói cấp phép sai chủng loại. Thực tế không phải là như vậy, vì có 37 mỏ không phải là đá trắng và 17 mỏ còn lại thì có 7 mỏ có đá trắng, nhưng đã hết hạn. Còn 7 mỏ còn lại thì do Trung ương bàn giao cho tỉnh Nghệ An cấp phép.
 
Qua những sai phạm mà Thanh tra Chính phủ kết luận, các sở ban ngành địa phương liên quan đã có kiểm điểm nghiêm túc, xác định mức độ của từng tập thể, cá nhân.

- Sở thấy trách nhiệm của mình như thế nào trong vụ sập mỏ đá, với 18 người thiệt mạng?
 
Chúng tôi chia sẻ nỗi buồn này đến với gia đình có thân nhân thiệt mạng và sẽ có những hình thức tỏ rõ sự quan tâm về vật chất cũng như tinh thần, đến các cháu nhỏ có bố mẹ chết.
 
- Sắp tới, Sở có dự định gì để siết chặt lại công tác quản lý và cấp phép mỏ?
 
Qua vụ sập mỏ đá Lèn Cờ này, chúng tôi cũng rút ra một bài học sâu sắc trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản nói chung cho các cấp, các ngành. Từ đó, chúng tôi thấy là cần phải tập trung cao độ, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh. Trọng tâm là vào các mỏ vật liệu xây dựng, chủ yếu là các mỏ đá.
  
- Xin cảm ơn ông!

Trao đổi với ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An.
  
- Ông thấy như thế nào về trách nhiệm của Sở trong việc quản lý người lao động khi để xảy ra vụ tai nạn thương tâm làm 18 người bị chết, 6 người bị thương và trên 51 cháu dưới 16 tuổi mô côi cha hoặc mẹ?
  
Thực chất thì đã tuyên truyền quyết liệt và thành lập đoàn kiểm tra rồi. Nhưng do lỗ hổng về mặt cơ chế. Ví dụ như: Cấp phép mỏ lại là Sở TN - MT, thiết kế chỉ huy mỏ lại là Sở Công Thương, điều kiện nổ mìn như thế nào thì chúng tôi lại đứng ngoài cuộc. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm về chế độ chính sách và thời gian làm việc, bảo hộ lao động và đôn đốc.
  
Về cá nhân cũng như ngành thì tự nghiêm túc kiểm điểm lại công tác chỉ đạo, tuyên truyền hướng dẫn, kiểm tra.
  
- Từ năm 2007 đến ngày 1/4/2011, Sở LĐTB&XH Nghệ An mới chỉ đến kiểm tra tại mỏ đá Lèn Cờ một lần, như thế là quá ít?
  
Cái đó có thể nói là tần số thì ít, nhưng văn bản chỉ đạo thì nhiều. Bởi vì có 7.200 doanh nghiệp, mà phân cấp rồi là huyện và xã. Đó là việc ngành Công thương, ngành Tài nguyên môi trường phải làm.
  
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Hồng Vũ, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An cho hay: “Ngày 11/6/2009, Sở kiểm tra 1 lần tại mỏ đá Lèn Cờ, khi đó có 23 người trong đó có 18 lao động làm thợ khoan và 5 lao động làm gián tiếp. Tất cả đều có hợp đồng lao động, còn lao động thời vụ thì không thể biết được bao nhiêu người. Trong khi đó, vụ tai nạn vừa qua, số người chết tại mỏ chắc là thuộc về lao động thời vụ!
  
Từ năm 2007 đến 2009, Sở đi kiểm tra được 1 lần như thế là nhiều rồi đó. Còn từ 2009 đến 2011 thì huyện Yên Thành có kiểm tra 3 lần”.

 
Hoàng Sang – Quốc Huy