- “Tôi cũng hiểu là người dân bức xúc trong việc đưa đón con đi học, nhưng người dân cũng cần thông cảm với ngành giao thông vận tải. Hiện nay cả Hà Nội và TP.HCM đều là những thành phố đứng đầu thế giới về ùn tắc… Các vụ ùn tắc gây thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế, xã hội, mỗi năm lãng phí hàng chục ngàn tỷ đồng”.


TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị hơn 30 năm cho biết như vậy sau một ngày thực hiện phương pháp đổi giờ học giờ làm.

– Sau một ngày thực hiện đổi giờ học, giờ làm và kinh doanh, ông có đánh giá bước đầu như thế nào?

Tôi ủng hộ phương án này, trên thế giới phương pháp này họ đã làm rồi và cũng không tốn bao nhiêu tiền.

Theo ông Thuỷ, hiện nay cả Hà Nội và TP. HCM đều là những thành phố đứng đầu thế giới về ùn tắc…

Chỉ cần giảm sự trùng lặp trong giờ đi lại thì ùn tắc rõ ràng sẽ giảm, người dân thực hiện tốt sẽ có hiệu quả.

Tất cả đều đi lúc 8h thì đểu gặp nhau giờ cao điểm, nhưng nếu chia ra anh đi 7h tôi đi 8h thì chắc chắn sẽ giảm ùn tắc.

Tuy nhiên, giải pháp đang thực hiện nếu thành công cũng chỉ giảm được 3 đến 5% ùn tắc, còn về lâu về dài vẫn phải phát triển giao thông công cộng và phát triển hạ tầng cho giao thông.

-  Vậy theo ông, phương án này có thể điều chỉnh như thế nào để đem lại hiệu quả cao hơn?

Theo tôi nếu theo phương án của Bộ GTVT kết quả sẽ tốt hơn, theo phương án của Bộ GTVT sẽ có từ 4 đến 4,5 triệu người có thể đi lệch gìơ nhau, nhưng theo phương án của Hà Nội chỉ 1 đến 1,2 triệu người đi lệch giờ nhau nên việc giảm sẽ không đáng kể. 

Tuy nhiên, nếu làm theo phương án của Bộ GTVT thì mọi người đều phải chịu khó thay đổi.

- Phương án đổi giờ thế giới đã làm cho kết quả tốt, liệu khi Việt Nam thực hiện có đem lại hiệu quả như các nước?

Chúng ta phải chấp nhận điều kiện thực tế, trong phương án lệch giờ Việt Nam làm được đến đâu thì làm đến đó, chứ không thể như Philippin hay Nga được. Sở dĩ các nước làm khá triệt để là vì phương tiện công cộng của họ tốt, trong khi giao thông công cộng Việt Nam lại đang kém nhất thế giới.

So về mật độ dân số đối với các nước phát triển trên thế giới, cứ 1 triệu người trở lên là có tàu điện ngầm, trong khi Hà Nội 6 triệu dân chỉ có 1.000 ô tô buýt thì quá mỏng. Nhưng do hạ tầng chưa đáp ứng được nên nếu tăng ô tô buýt thì lại không có đường đi.

- Nhưng phương án đổi giờ đang gây bực xúc cho người dân trong việc đưa đón con?

Tôi cũng hiểu là người dân bức xúc trong việc đưa đón con, cháu đi học, nhưng người dân cũng cần thông cảm với ngành giao thông vận tải. Hiện nay cả Hà Nội và TP.HCM đều là những thành phố đứng đầu thế giới về ùn tắc, một năm hai thành phố này có gần 1.000 vụ ùn tắc, trong đó có ít nhất là 150 vụ ùn tắc từ 30 phút tới 4 tiếng.

Các vụ ùn tắc gây thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế, xã hội, lãng phí hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.

- Hiện tại nhiều người cho rằng, vì lực lượng sinh viên vẫn đang nghỉ Tết nhiều, chỉ sau 15 tháng Giêng các trường đều bắt đầu học trở lại thì mới có thể đánh giá được kết quả của phương án này, quan điểm của ông về ý kiến này thế nào?

Hiện nay lượng sinh viên vẫn chưa về hết Hà Nội. Theo tôi, đến khi sinh viên về hết có lẽ cũng có thay đổi.

Với sinh viên không nên quá cứng nhắc về giờ, vì hiện nay các trường đều học theo tín chỉ, có ngày em học cả ngày, nhưng cũng có ngày chỉ học 1, 2 tiết. Nên với đối tượng này cần phải linh động, khi nào họ học thì tới, khi nào học xong thì về, không cần theo mốc thời gian tới - về.

- Xin cảm ơn ông!

Bộ trưởng Thăng được nhắn gì trong ngày đầu đổi giờ làm, giờ học?

Ngày 1/2, theo kế hoạch, lộ trình chuyến công tác của Bộ trưởng Thăng nhằm khảo sát kiểm tra hạ tầng cùng tình hình an toàn giao thông của 3 tỉnh biên giới phía Bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang.

Lúc 9 giờ kém 15 phút ngày 1/2, trong máy bộ trưởng Thăng có 35 tin nhắn.

- Nhiều người ngạc nhiên sáng nay giờ cao điểm thấy đường thoáng hẳn đi ông BT ạ.

- Hôm nay Hà Nội thay đổi giờ học giờ làm. Tôi nói thẳng việc đó không thành công đâu ông BT ạ. Đề nghị ông nên dừng phương án của ông lại (Số thuê bao 8491491…).

- Sáng nay giờ cao điểm chưa thấy ùn tắc nào lớn, bước đầu xin chúc mừng ông. Nhưng ông BT nhớ cho, chớ mừng vội nhá. Phải đợi qua thời điểm Rằm tháng Giêng thì lúc ấy Hà Nội mới ăm ắp hơn 9 triệu người…

- Xin chúc mừng ông BT vì sáng nay giờ cao điểm tôi thấy đường Thủ đô hơi bị thoáng. Không biết có phải người dân Hà Nội chia sẻ ủng hộ quyết định của ông không? (Vũ).

Một người có tên là Minh Nguyen gửi liền hai tin nhắn:

Tin thứ nhất: Anh BT Thăng ơi, em đang chồn chân ở đoạn Thái Thịnh vì ùn tắc đây này. Có lẽ phương án đổi giờ làm của anh phá sản?

Tin thứ hai: Hihi. Té ra mỗi khúc đường em vừa qua là còn ùn ứ. Các quãng khác thoáng hơn nhiều so với dạo trước Tết. Sorry vì đã trách anh.

Có cả tin nhắn của nhà báo:

Anh Thăng ơi, Ban Biên tập báo em phân công nhiều phóng viên trong đó có em đi khảo sát tình trạng giao thông ngày đầu thay đổi giờ học giờ làm. Bản thân em ghi nhận có một số đoạn ùn chứ không tắc. Tình hình như vậy là khả quan. Báo để anh mừng.

Một cán bộ đi cùng, sau một hồi a lô quay sang BT Thăng báo cáo vừa nối máy với lãnh đạo VOV giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sơ bộ thế này: Những đoạn thường xảy ra ùn tắc nghiêm trọng trước đây có thưa thoáng hơn. Tuy vậy vẫn xảy ra hiện tượng ùn ứ.

Nhưng có sự can thiệp kịp thời của CSGT nên được giải tỏa nhanh. Một số phụ huynh nêu ý kiến là có vài trường 7 giờ mà vẫn chưa kịp mở cửa đón học sinh. Phụ huynh và các cháu phải đợi.

Có lẽ khó mà có thể chia ở thì tương lai là hanh thông trước một quyết sách lớn vừa mới ban hành đã gây ngay bao sự tranh luận.

(Theo Xuân Ba/báo Tiền Phong)


Vũ Điệp (thực hiện)