Chiều 26/3, hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi.

Tạo điều kiện cho cơ quan báo chí đưa tin chính xác về vụ án

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là quy định về việc tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp.

Cụ thể khoản 3 Điều 141 dự thảo luật quy định: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử (HĐXX), thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa.

tathiyen.jpg
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Phạm Thắng

Thường trực Ủy ban Tư pháp cho hay, có ý kiến đề nghị làm rõ quy định này. Đa số Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, tại phiên tòa, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật.

Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố tại phiên tòa nhưng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh… Các thông tin, chứng cứ này cần được HĐXX xem xét, kết luận trong bản án, quyết định.

Quy định này còn góp phần bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho HĐXX điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.

Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp và TAND tối cao thống nhất đề xuất chỉnh lý dự thảo luật theo hướng bổ sung quy định việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh… trong thời gian tuyên án, công bố quyết định.

Đồng thời quy định: Trường hợp cần thiết phục vụ nhiệm vụ chuyên môn hoặc nhiệm vụ khác thì tòa án ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp. Việc cung cấp, sử dụng kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh phải bảo đảm quyền con người, bí mật Nhà nước.

Có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo luật là hẹp hơn quy định của luật tố tụng hiện hành, chưa thuận lợi cho tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa (việc ghi âm, ghi hình phần xét hỏi, tranh tụng của phiên tòa phải thông qua tòa án). Do đó cần quy định việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa như quy định của luật tố tụng hiện hành.

Cụ thể, khoản 4 Điều 234 Bộ luật TTDS, khoản 4 Điều 153 Luật Tố tụng hành chính quy định: Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp.

Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ.

Góp ý cho dự thảo luật, Bộ TT&TT và Hội Nhà báo Việt Nam đều đề nghị cho phép ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa công khai. Thường trực Ủy ban Văn hóa- Giáo dục cũng đề nghị quy định theo hướng tạo điều kiện cho cơ quan báo chí đưa tin chính xác về vụ án.

vietnga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, quy định chặt chẽ việc đưa tin, thông tin tại các phiên tòa là “vô cùng cần thiết”.

“Thông tin không đầy đủ, không chính xác, chỉ thông tin các nội dung, tình tiết nhằm định hướng dư luận là vô cùng nguy hiểm, có ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xét xử, công tác tuyên truyền pháp luật và làm giảm niềm tin của nhân dân vào chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước”, bà Nga nói.

Tuy nhiên, theo bà Nga, nội dung này cần rà soát và quy định cẩn trọng, không làm trái nguyên tắc xét xử công khai của tòa án đã được quy định trong Hiến pháp.

'Cứ chĩa máy quay vào mặt người ta, người ta bị phân tán'

Làm rõ thêm nội dung này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định: “Chúng tôi không điều chỉnh việc truyền thông của các cơ quan truyền thông về vụ án. Chúng tôi chỉ điều chỉnh trong phiên tòa xét xử. Ra ngoài hành lang phỏng vấn ai, đưa tin như thế nào, đó là việc của truyền thông, chúng tôi không ngăn cản, không điều chỉnh”.

Theo ông Bình, “cả thế giới người ta làm việc như thế này”. Việc tổ chức phiên tòa do tòa thực hiện, phải đảm bảo 3 yêu cầu: Đúng luật; bảo đảm chất lượng; bảo đảm trang nghiêm, nghiêm túc.

Để thực hiện được 3 yêu cầu này, ông Bình cho rằng, tòa phải quy định việc truyền thông. Nếu tổ chức phiên tòa ra vi phạm quyền con người là tòa vi phạm. Còn ra khỏi phòng xét xử, ra ngoài phiên tòa, truyền thông thế nào cũng được, tòa không điều chỉnh.

“Giờ vụ án ly hôn, ra trước tòa, chồng nói thế này, vợ nói thế kia, toàn bộ việc đó ghi âm, ghi hình rồi đưa lên mạng, việc đó rất phức tạp, xâm phạm đến quyền con người. Họ cũng không muốn cho thế giới biết họ có bao nhiêu tài sản, lý do vì sao phải ly hôn, rất nhiều nội dung nhạy cảm, kể cả người phạm tội cũng vậy”, Chánh án TAND tối cao phân tích.

nguyenhoabinh.jpg
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Phạm Thắng

Ông Nguyễn Hòa Bình dẫn thực tế, để bảo đảm chất lượng phiên tòa, thế giới không cho truyền thông ghi âm, ghi hình. Lúc xét xử, HĐXX, VKS, luật sư toàn tâm toàn ý cho vụ án, tập trung suy nghĩ cho vụ án.

“Cứ chĩa máy quay vào mặt người ta, người ta bị phân tán. Vào lúc cần đưa ra quyết định sáng suốt nhất thì người ta lại bị chĩa máy quay vào, phải nở nụ cười. Bản thân HĐXX, KSV, điều tra viên họ cũng không muốn hình ảnh đưa lên truyền thông bị xấu, khi suy nghĩ, khuôn mặt phải đăm chiêu, nhíu mày chứ không phải lúc nào cũng nở nụ cười được”, ông Bình tiếp tục phân tích.

Do đó, ông cho rằng, quy định này nhằm bảo đảm các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung cao nhất cho việc xét xử, chứ không phải để làm hình ảnh trước truyền thông.

Hơn nữa, việc truyền hình, ghi âm, livestream, công nghệ rất nhiều, đi lại chỗ nọ chỗ kia; chụp ảnh, truyền hình muốn lấy góc máy đẹp nhất thì phải xách máy đi chỗ nọ chỗ kia, như vậy ảnh hưởng đến tính nghiêm túc của phiên tòa.

“Không phải chỉ có chúng ta mà cả thế giới người ta làm, thậm chí thế giới chỉ cho vẽ thôi”, ông Bình nêu thực tiễn.

Bên cạnh đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho hay, dự luật quy định tòa án sẽ ghi âm, ghi hình phục vụ công tác nghiệp vụ, việc này được lưu trong hồ sơ vụ án. Việc sử dụng ghi âm, ghi hình phải bảo đảm quyền con người và sau này VKS giám sát thì kiểm tra trên kết quả ghi âm, ghi hình.

Dự thảo luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 6 (tháng 10/2023) và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp 7 vào tháng 5 tới.