Một góc Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn, nơi anh Dương Rạch Sanh lưu giữ 2.500 kỷ vật của người Hoa. 

Câu chuyện kỷ vật

10h sáng, đúng theo lịch hẹn, kỷ lục gia Dương Rạch Sanh (SN 1978, TP.HCM) vặn chìa khóa, mở cửa Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn.

Đây là nơi anh lưu giữ bộ sưu tập hơn 2.500 hiện vật vốn là kỷ vật của những gia đình người Hoa sinh sống tại TP.HCM. Năm 2021, bộ sưu tập giúp anh Sanh xác lập kỷ lục Việt Nam: "Người sở hữu bộ sưu tập kỷ vật của người Hoa ở Việt Nam trước năm 1975 có số lượng nhiều nhất”.

Tuy vậy trước đó, anh chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ sưu tầm, lưu giữ những kỷ vật nói trên. Trước đây, anh chỉ cảm thấy tiếc nuối mỗi khi chứng kiến cảnh những ngôi nhà cũ, nhà cổ của người Hoa ở TP.HCM bị tháo dỡ để xây mới.

Đặc biệt, khi biết gia chủ sẽ bỏ đi những vật dụng cũ, mang đậm dấu ấn văn hóa đặc trưng của người Hoa anh càng thêm xót xa.

Hầu hết kỷ vật đều được các gia đình người Hoa sống tại TP.HCM quyên tặng cho anh Sanh.

Dẫu vậy, anh vẫn chưa nghĩ đến việc lưu giữ chúng. Khoảng 10 năm trước, anh vô tình được những cụ bà đang sinh sống trong ngôi nhà gỗ vốn là chỗ ở của các tự sơ nữ (những phụ nữ không bao giờ lấy chồng) liên hệ.

Anh kể: “Họ nhờ tôi đến dọn nhà vì căn nhà bị giải tỏa một phần. Khi thấy họ bỏ đi nhiều vật dụng là đồ xưa, mang nét đặc trưng của người Hoa tôi thấy tiếc nên mang một số món về nhà. Dẫu vậy, tôi cũng chỉ để đó, không biết làm gì với chúng.

Sau này, khi dọn nhà, tôi lại thấy chúng và nghĩ đến việc tiếp tục đi xin, vận động các gia đình khác quyên tặng cho mình những món đồ tương tự. Nếu được nhiều, tôi sẽ làm phòng trưng bày những kỷ vật này với mục đích lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của người Hoa”.

Những ngày đầu đi xin kỷ vật trong các gia đình người Hoa, anh Sanh gặp nhiều khó khăn. Không ai tin vào mục đích tốt đẹp của anh. Họ nghi ngờ, ném về anh những cái nhìn tiêu cực. 

Anh Sanh cho biết, mỗi kỷ vật trong bộ sưu tập đều có một câu chuyện phía sau. 

Rất may, anh được người thân, bạn bè tin tưởng. Họ quyên tặng những món kỷ vật của bản thân, gia đình. Từ các món đồ được quyên tặng, anh tìm hiểu rồi viết ra những câu chuyện kỷ vật thú vị, xúc động.

Những thông tin giá trị, ẩn sâu bên trong các kỷ vật được anh khám phá khiến người đọc bất ngờ. Nhiều câu chuyện chạm đến trái tim của cộng đồng người Hoa tại TP.HCM. Từ đó, họ hiểu hơn tâm tư, nguyện vọng của anh và bắt đầu quyên tặng đồ cũ.

Lưu giữ nét văn hóa đặc trưng

Tiêu chí sưu tầm kỷ vật của anh Dương Rạch Sanh cũng rất khác biệt. Anh chỉ chú trọng sưu tầm các kỷ vật của người Hoa trước năm 1975. Bởi các vật dụng ở thời điểm này mang đậm những nét đặc trưng của người Hoa nhất.

Anh cũng chỉ nhận các kỷ vật khi biết rõ gốc tích, có những câu chuyện thú vị xung quanh. Anh kể: “Tôi từng đến chợ đồ cổ để sưu tầm các món đồ xưa cho bộ sưu tập thêm phong phú.

Tuy nhiên, khi cầm trên tay những món đồ có thể sở hữu bằng tiền ấy, tôi lại không có cảm xúc. Nó không mang đến cho tôi một câu chuyện, thông điệp cụ thể nào. Với tôi, nếu món đồ ấy không chứa đựng câu chuyện, không đem đến cho tôi cảm xúc, tôi sẽ không sưu tầm”.

Anh Sanh giới thiệu tấm vải được một gia đình người Hoa sử dụng từ trước năm 1975.

Với cách sưu tầm này, kỷ lục gia Dương Rạch Sanh không đi tìm kỷ vật. Ngược lại, các kỷ vật tự tìm đến với anh. Các cá nhân, gia đình người Hoa thường tìm đến anh để quyên tặng các kỷ vật có ý nghĩa, giá trị với mình.

Mỗi khi nhận một món đồ nào đó, anh đều cẩn thận tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, mối liên hệ của chúng với chủ cũ. Từ đó, anh hình thành những câu chuyện kỷ vật với nhiều thông tin độc đáo, đầy xúc động.

Một trong số này là cái địu em bé của ông Huỳnh Đạt Minh (93 tuổi, TP.HCM). Trong những năm Trung Quốc bị Nhật Bản xâm lược, cha mẹ ông Minh đã địu hai em trai của ông bằng 2 cái địu em bé để chạy nạn đến Sài Gòn.

Sau này, khi cưới vợ sinh con, vợ ông Minh cũng sử dụng 2 cái địu ấy để chăm sóc những người con của mình. Suốt thời gian sinh sống tại TP.HCM, ông Minh luôn giữ gìn 2 cái địu ấy như 2 kỷ vật vô giá.

Hình ảnh cái địu đã trải qua 2 đời người của gia đình ông Huỳnh Đạt Minh. 

Khi biết anh Dương Rạch Sanh muốn lưu giữ những kỷ vật gắn liền với văn hóa người Hoa, ông Minh đã quyên tặng 2 cái địu này của mình.

Bộ sưu tập của anh Sanh cũng lưu giữ những kỷ vật liên quan đến văn hóa truyền thống người Hoa. Đó là câu chuyện của cụ bà Văn Ngọc Phương (SN 1922, mất năm 2012) và gánh bào hoa kim chỉ độc nhất Sài Gòn một thời.

Khi còn sống, bà Ngọc Phương được xem là “tự sơ nữ” cuối cùng tại TP.HCM. Bà cũng là người duy nhất bán bào hoa kim chỉ, một trong những món đồ thủ công thường dùng trong các lễ nghi truyền thống của người Hoa. 

Sau khi qua đời, di vật cùng hoạt động buôn bán bào hoa kim chỉ của bà do người chị em bạn thân là bà Lý Liên (SN 1937, mất năm 2020) tiếp quản. Bà Lý Liên sau đó đã quyên tặng những di vật này cho kỷ lục gia Dương Rạch Sanh.

Gánh bào hoa kim chỉ của bà Văn Ngọc Phương được anh Dương Rạch Sanh tái hiện trong bộ sưu tập kỷ vật của mình.

Ngoài ra, bộ sưu tập còn có nhiều hiện vật với nhiều câu chuyện độc đáo, thú vị như: gối Lỗ Ban, tủ hủ tiếu của người phụ nữ tên Xâu Cáy, túi thơm đặc trưng của người Hoa, những bức thư họa, thư pháp, tranh thủy mặc của họa sĩ nổi tiếng Trương Lộ, Lý Tùng Niên, Trương Hán Minh…

Sở hữu hơn 2.500 kỷ vật cùng 2.500 câu chuyện khác nhau về chúng nhưng kỷ lục gia Dương Rạch Sanh không nhận mình là nhà sưu tầm. Anh chỉ xem mình là người giữ hộ các món kỷ vật.

Anh chia sẻ: “Tôi xem mình là người giữ hộ các kỷ vật nên luôn nghĩ phải có trách nhiệm lưu giữ, bảo quản chúng một cách cẩn thận, trân trọng. Đến bây giờ, điều khiến tôi vui nhất là được bà con ủng hộ.

Bởi, nếu không có sự ủng hộ, quyên tặng của bà con, tôi không thể có được bộ sưu tập giá trị như thế. Với bộ sưu tập này, tôi hy vọng thế hệ trẻ người Hoa sẽ biết thêm về nguồn cội, văn hóa đặc trưng của mình”.

“Trong khi đó, những người có tuổi đến với phòng trưng bày, nhìn thấy những món kỷ vật ở đây, họ như được thấy lại quá khứ, tuổi thơ, quê hương của mình”, anh nói thêm.

Chuyện về kỷ vật thời Tây Tiến70 năm trôi qua, những nhân chứng đã ngoài 90 cùng nhau nhớ lại trận đánh Mường Láp thành công vang dội, là một trong những viên gạch đầu tiên xây nhịp cầu tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt-Lào.