Vào đầu năm 2023, cuộc phản công của Kiev được dự báo sẽ tạo ra những thay đổi trong cục diện xung đột Nga – Ukraine. Tuy nhiên, sau khi lùi phản công từ mùa xuân sang mùa hè, Ukraine vẫn không giành được bất cứ ưu thế lớn nào trước Nga.
Chia sẻ với hãng tin CNBC, các chuyên gia quân sự và nhà phân tích quốc phòng dự báo giao tranh dữ dội vẫn có thể tiếp tục diễn ra trong năm 2024, song các lực lượng Ukraine khó có thể tiến hành thêm bất kỳ cuộc phản công nào. Trong khi đó, Nga có thể sẽ tập trung vào việc củng cố những vùng lãnh thổ mà đặc biệt ở miền đông Ukraine, nơi Moscow đã giành được quyền kiểm soát.
Ngoài ra, quỹ đạo xung đột Nga - Ukraine trong năm nay có thể sẽ chủ yếu được quyết định ở Mỹ, quốc gia ủng hộ quân sự lớn nhất cho Ukraine, và sẽ tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11.
Tướng nghỉ hưu Stephen Twitty, cựu phó chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, nhận định “chúng ta đang ở trong tình thế, nếu không có bên nào giành chiến thắng rõ ràng sẽ có sự bế tắc, và cuộc xung đột có thể bị đóng băng trong tương lai. Theo tôi, cán cân sức mạnh sẽ thay đổi nếu Ukraine không được tiếp tế, không có được thiết bị và nhân lực mà họ cần. Khi đó, xung đột có thể nghiêng về phía Nga”.
Trong quá trình phản công vào mùa hè năm 2023 và giải phóng được một số ngôi làng, Ukraine đã bị cuốn vào cuộc chiến tiêu hao quy mô lớn với Nga, mà không bên nào đạt được lợi ích đáng kể.
Tuy nhiên, Kiev đã đạt được những bước tiến quan trọng ở Biển Đen, nơi Ukraine thực hiện nhiều cuộc tấn công táo bạo vào căn cứ và tài sản của Nga trên bán đảo Crưm. Hậu quả, Hải quân Nga đã phải rút bớt tàu chiến hoạt động ở thành phố cảng Sevastopol.
Còn hiện tại, Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ nhận định: “Ukraine đang thiết lập và củng cố các vị trí phòng thủ để bảo toàn nhân lực, cùng thiết bị cho những nỗ lực tấn công trong tương lai”. Bởi thực tế, các binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến đang phải đối mặt với tình trạng thiếu pháo binh, và thu hẹp một số hoạt động quân sự vì thiếu sự hỗ trợ vũ khí từ nước ngoài.
Viện trợ và chính trị
Xung đột kéo dài thêm một năm đồng nghĩa với việc phương Tây dần cạn kiệt nguồn lực để duy trì khoản viện trợ quân sự khổng lồ cho Ukraine.
Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể báo trước một sự thay đổi địa chấn trong thái độ và sự ủng hộ đối với Kiev. Nguyên nhân là do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa, vốn có mối quan hệ chặt chẽ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin khi còn nắm quyền ở Nhà Trắng.
Mối quan hệ tốt đẹp trước đây của ông Trump với ông Putin và chính sách “Nước Mỹ trên hết” có thể khiến khoản viện trợ cho Ukraine nhanh chóng bị gác lại. Các nhà phân tích quốc phòng cũng cho rằng, phần lớn triển vọng của Ukraine phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ. Bởi thực tế, Ukraine phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn so với Liên minh châu Âu (EU).
Ông Kurt Volker, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, lại cho rằng nếu ông Trump tái đắc cử, chuyện này có thể không phải là thảm họa đối với Ukraine như nhiều người lo ngại, song nguồn tài trợ trong tương lai cho Kiev sẽ trở nên bấp bênh.
“Tôi cho rằng ngay cả khi ông Trump đắc cử, ông ấy cũng sẽ không từ bỏ sự ủng hộ dành cho Ukraine nói chung, bởi đó sẽ là một thảm họa đối với lợi ích của Mỹ, và nó có thể bị xem là một thất bại. Nhưng không rõ chính xác ông Trump sẽ làm gì để cố gắng chấm dứt xung đột”, ông Volker cho hay.
Về phần mình, ông Trump nói ông có thể giải quyết xung đột Ukraine “trong 24 giờ” nếu tái đắc cử bằng cách thuyết phục các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán hòa bình.
Bế tắc hơn hay đàm phán?
Trên thực tế, Nga đã chuẩn bị cho kịch bản xung đột kéo dài ở Ukraine. Vào cuối năm 2023, Tổng thống Putin cho biết 617.000 binh sĩ Nga đang hoạt động ở Ukraine, và phủ nhận làn sóng huy động thứ hai. Nhưng vào đầu tháng 12/2023, ông đã ký sắc lệnh tăng số lượng binh sĩ cho các lực lượng vũ trang Nga thêm 170.000 người, nâng tổng số quân lên 1,32 triệu.
Nga cũng đang tăng cường chi tiêu quân sự ồ ạt vào năm 2024, với gần 30% chi tiêu tài chính sẽ dành cho các lực lượng vũ trang. Tổ hợp công nghiệp - quân sự của Nga cũng đã tăng cường sản xuất phần cứng từ máy bay không người lái (UAV) cho đến chiến đấu cơ.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết mục tiêu chính của nước này vào năm 2024 là thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng nội địa do nguồn cung từ các đồng minh phương Tây không chắc chắn trong tương lai. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, quân đội nước này đã yêu cầu bổ sung 500.000 lính nghĩa vụ, nhưng quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
Với việc cả Ukraine và Nga đều đầu tư mạnh vào xung đột, khó có khả năng sẽ có bất kỳ cuộc đàm phán nào để chấm dứt giao tranh, hoặc đồng ý ngừng bắn. Các nhà phân tích quốc phòng lập luận rằng không bên nào muốn tham gia đàm phán trừ khi họ ở thế mạnh, và có thể đưa ra các điều khoản.
“Trong trường hợp đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mà cụ thể là ông Donald Trump, nguồn tài trợ cho Ukraine sẽ giảm đáng kể, áp lực đàm phán đối với Kiev sẽ gia tăng”, ông Mario Bikarski, nhà phân tích Đơn vị tình báo kinh tế (EIU) nói với CNBC.
“Tất nhiên, Ukraine hiện không muốn đàm phán, nhưng trong hoàn cảnh đó, họ sẽ không còn lựa chọn nào khác. Câu hỏi là liệu Nga có sẵn sàng đàm phán hay không, vì nếu có dấu hiệu cho thấy phương Tây sẽ ngừng ủng hộ Ukraine và Kiev bị ép đàm phán, Nga có thể coi đây là cơ hội để củng cố thêm nhiều lợi ích”, ông Bikarski nhấn mạnh.