LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu mạch bài về vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh và giải pháp phát triển để xứng danh Hòn ngọc Viễn đông trong kỷ nguyên mới nhân kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2024.
Xem lại bài 1: Để thực sự xứng đáng là Thành phố mang tên Bác
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được rực rỡ trong nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) hôm nay cũng đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong quý 1/2024 tăng 6,54% so với cùng kỳ và tất cả các ngành dịch vụ đều có mức tăng trưởng dương. Điều này thể hiện sức chống chịu dẻo dai của người dân và doanh nghiệp ở Thành phố.
Tuy nhiên, chắc chắn là không nên vui quá với thành tích đó bởi tốc độ tăng trưởng như trên là trên nền tảng rất thấp khi GRDP quý 1 năm 2023 chỉ tăng 0,7%.
Là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, Thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các tiềm năng, thế mạnh của Thành phố chưa được khai thác một cách hiệu quả; tính vượt trội, sự năng động, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt của TP.HCM đối với vùng và cả nước đang có chiều hướng suy giảm. Tỷ trọng đóng góp của Thành phố vào GDP của cả nước cũng giảm dần theo các năm; tỷ trọng này trước đây hơn 20% nhưng đến năm 2023 chỉ còn 16,5%.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng nói tại Hội thảo tham vấn Quy hoạch TP.HCM đầu năm nay rằng, sự phát triển của TP.HCM như “lò xo” đang bị nén lại.
Ông hy vọng Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy mới, cách tiếp cận mới, tầm nhìn mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những yếu tố đang kìm nén này để “lò xo” được bung bật, giúp Thành phố phát triển đột phá, quay trở lại vị thế “hòn ngọc Viễn Đông”.
Nhưng ở góc độ là nhà kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, điểm mấu chốt để phát triển TP.HCM là cải cách thể chế bởi nền tảng thể chế cho đầu tàu kinh tế của đất nước đã quá chật.
“TP.HCM cần một thể chế mới, mà bản chất của nó vẫn là thị trường, thị trường và thị trường hơn”, ông Cung nói.
Ông Cung giải thích, cần chú trọng xây dựng thể chế thúc đẩy phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất để các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đúng như yêu cầu của Đại hội XIII của Đảng, thay thế cho cơ chế phân bổ nguồn lực hành chính xin - cho hiện nay.
Chỉ khi thị trường có vai trò quyết định hay chủ yếu trong phân bổ nguồn lực, thị trường theo quy luật của nó sẽ đẩy những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động chi phí thấp… đến các địa phương khác phù hợp hơn. Từ đó, nguồn lực sử dụng có hiệu quả hơn.
Một thể chế với “thị trường nhiều hơn, tự do hơn và tinh vi hơn” sẽ tạo cơ hội, động lực và áp lực thúc đẩy người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước đổi mới sáng tạo, dám nghĩ và dám làm. Chỉ trong môi trường như thế, nhân tài mới có “đất dụng võ” và cống hiến cho phát triển đất nước.
TS Tô Văn Trường chia sẻ, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch Phan Văn Mãi đã nhận ra vấn đề “tắc nghẽn” của nền kinh tế nên đã đốc thúc rất tích cực, đặc biệt đẩy nhanh thủ tục giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các vướng mắc, kể cả các dự án ngoài ngân sách, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.
Lãnh đạo Thành phố cần có hành động thay vì ngồi chờ Trung ương bởi vì mỗi ngày chờ đợi qua đi là cơ hội phát triển mất đi. Cần có góp ý của các chuyên gia nhiều lĩnh vực, giới luật sư giỏi để tư vấn những ý kiến đột phá.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston cho rằng, những ý tưởng đột phá cho TP.HCM lại nằm ở kinh tế số và xã hội trí tuệ nhân tạo.
Thời đại AI, tạo ra những nguồn lực mới, cơ hội mới, những mô hình quản trị, điều hành tối ưu cho chính quyền, cho doanh nghiệp, và cho mỗi người dân có thể trở thành người sáng tạo, tạo dựng cuộc sống của mình tốt hơn, văn minh hơn.
Từ tư duy chiến lược này, TP.HCM có thể tiếp tục sứ mệnh đi đầu tạo ra mô hình quản lý, vận hành xã hội mới cho Việt Nam trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng và sâu sắc - kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.
Tạo hạ tầng số cho kinh tế và xây dựng xã hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam để Việt Nam đi đến văn minh, trở thành nước phát triển. Từ công cuộc xây dựng hạ tầng tiên tiến này sẽ thu hút sự hỗ trợ của những trí tuệ lớn, của những tập đoàn kinh tế lớn ở Mỹ cùng xây dựng, cùng đầu tư, tạo ra điểm sáng trên thế giới, tạo sự phát triển thần kỳ mới cho TP.HCM.
Từ đó, ông Tuấn đề xuất cần tạo ra mô hình và hạ tầng số, trí tuệ nhân tạo. Tối ưu, hiệu quả cho toàn xã hội, xoá bỏ những quy định rối rắm, phức tạp trong quản lý nhà nước ở thành phố, và đề xuất với chính phủ bỏ các quy định, thủ tục gây cản trở cho sản xuất kinh doanh, theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, cho các công dân phát triển. Tất cả các dịch vụ công của các bộ ngành, địa phương đều có trên mạng, dễ dàng, đơn giản, đồng bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp, và mọi công dân có thể nhanh, tiện sử dụng.
Khi đó, mọi công dân đều có thể tham gia đóng góp xây dựng và đều có thể tạo dựng cuộc sống của mình qua hạ tầng kinh tế số này nhằm xây dựng một nền kinh tế và xã hội toàn dân sáng tạo.
Đặc biệt, TP.HCM có thể kết nối thẳng đến những trung tâm sáng tạo tiên tiến nhất của thế giới qua Global Enlightenment Mountain (GEM), một mô hình Silicon Valley mới của liên minh kinh tế công nghệ Mỹ, Nhật, Châu Âu, Ấn Độ, từ đó kết nối, phát triển nguồn lực trẻ Việt Nam với GEM. Kết nối với các nước văn minh, cùng xây dựng xã hội mới, kinh tế mới qua GEM và cộng đồng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ Nhân tạo.
Kỷ niệm ngày lịch sử thống nhất đất nước 30/4 bằng việc triển khai xây dựng hạ tầng kinh tế số và xã hội trí tuệ nhân tạo mẫu mực cho TP.HCM và từ đó triển khai cho toàn Việt Nam. Để biến ý tưởng này thành hiện thực, cần thu hút những nguồn lực trí tuệ hàng đầu thế giới tham gia cùng. Do đó, cần có chiến lược thu hút tinh hoa thế giới cộng tác làm việc, thậm chí sáng tạo và đến sống một phần cuộc đời họ ở Việt Nam.
Bước đi cụ thể đầu tiên để TP.HCM đồng hành, gắn kết với cộng đồng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ Nhân tạo là tham gia xây dựng Nền tảng Kiến thức cho Trí tuệ Nhân tạo (the Knowledge Platform for AI) do các nhà lãnh đạo có uy tín như Thống đốc Michael Dukakis, Cựu thủ tướng Ý Enrico Leta, Cựu chủ tịch Liên minh Lãnh đạo thế giới Club de Madrid Vaira Vike-Freiberga… và nhiều Giáo sư của Đại học Harvard, Đại học MIT khởi xướng, cùng tham gia xây dựng Trợ lý Trí tuệ Nhân tạo Nhân ái.
Cũng từ đây, TP.HCM có thể tạo được chỗ đứng trên vai những người khổng lồ để xây dựng công nghiệp sáng tạo văn hoá trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Đây chính là chiến lược đặc sắc để Thành phố này thành công, đột phá trong mục tiêu về công nghiệp văn hoá của mình.
“TP.HCM đã đi đầu trong đổi mới, là thành phố đầu kéo kinh tế của cả nước. Kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại thống nhất đất nước năm nay, hy vọng thành phố vận dụng những thành tựu tiên tiến về trí tuệ nhân tạo, xây dựng mô hình quản trị, vận hành xã hội tối ưu, nhanh, sáng tạo, hiệu quả, tiếp tục tạo ra mô hình phát triển mới cho cả nước”, ông Tuấn nói.
Kì tới: “Công nghiệp Đào tạo” - điều ước cho tương lai TP.HCM
Lan Anh