Theo hãng tin Reuters, hôm nay (7/5), Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, nhân viên quốc phòng Australia đã gặp nguy hiểm trên không phận quốc tế do hành động của quân đội Trung Quốc, trong lúc phía Australia tham gia hoạt động thực thi các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đối với Triều Tiên.
Thủ tướng Albanese cho hay, Trung Quốc vẫn chưa công khai phản hồi những tuyên bố của Australia về vụ việc.
“Về vấn đề này, chúng tôi đã công khai để có thể lên tiếng rất rõ ràng, và dứt khoát rằng hành vi như này là không thể chấp nhận được”, ông Albanese nói.
Các nhân viên quốc phòng của Australia đã "ở trong vùng biển quốc tế, không phận quốc tế, và họ đang làm việc để đảm bảo các biện pháp trừng phạt mà thế giới áp đặt thông qua LHQ đối với Triều Tiên được thực thi. Lẽ ra họ không phải gặp bất kỳ rủi ro nào”, Thủ tướng Australia nhấn mạnh.
Cũng theo ông, phía Australia mong chờ một lời giải thích từ Trung Quốc về vụ việc.
Hiện Trung Quốc chưa lên tiếng bình luận về thông tin trên.
Trước đó, hôm 6/5, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho hay tiêm kích J-10 của Không quân Trung Quốc đã thả pháo sáng phía trên, cách vài trăm mét phía trước trực thăng MH60R Seahawk của Australia. Sự việc xảy ra khi trực thăng Australia đang thực hiện chuyến bay thường lệ trong chiến dịch nhằm thực thi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên ở Hoàng Hải vào ngày 4/5.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Australia cho biết chiếc trực thăng cất cánh từ tàu khu trục HMAS Hobart đã tránh được pháo sáng mà phía tiêm kích Trung Quốc thả. Bộ Quốc phòng Australia nhấn mạnh, cuộc đối đầu khiến trực thăng, và những người có mặt trên trực thăng gặp nguy hiểm, và may mắn không có ai bị thương.
Đây là vụ việc thứ 2 trong vòng 6 tháng qua, giữa lúc Trung Quốc và Australia chọn cách xích lại gần nhau sau nhiều năm quan hệ căng thẳng, và tranh chấp thương mại.
Vào tháng 11/2023, Australia cho biết một tàu hải quân Trung Quốc đã làm bị thương một số thợ lặn của nước này ở vùng biển Nhật Bản khi sử dụng sóng sonar dưới nước. Trung Quốc đã phủ nhận sử dụng sóng sonar, nhưng Australia không chấp nhận lời giải thích.