-

TIN BÀI KHÁC

Tôi không có hộ khẩu ở Việt Nam nên không thể làm đăng ký kết hôn được. Tuy nhiên tôi vẫn có CMND cũ. Nay tôi có con thì phải làm giấy khai sinh ở đâu? Trong giấy chứng sinh có thể ghi tên cha là tôi được không? Nếu tôi gửi giấy chứng sinh này về quê vợ tôi, nhờ người thân làm khai sinh cho cháu được không? Vợ tôi cũng đi làm xa, sau khi sinh rất yếu, không thể về Bắc để tự làm giấy khai sinh cho cháu được.

Nếu khai sinh cho cháu xong, tôi có thể nhập khẩu cho cháu về địa chỉ của người anh ruột (có nhà, có khẩu và ở thành phố khác) được không? Đinh Ngọc Thắng, 36 Tây Thạnh Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh.

(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Vấn đề đăng kí khai sinh:

Căn cứ theo khoản 1 điều 8 và khoản 1 Điều 13 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì thẩm quyền đăng ký khai sinh thuộc về "Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh".

Căn cứ theo điểm a khoản 1 phần II Thông tư 01/2008/ TT-BTP thì trường hợp người mẹ có nơi đăng ký thường trú, nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Trong trường hợp này, Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh có trách nhiệm thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký thường trú để biết. Cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Đăng ký khai sinh theo nơi tạm trú của người mẹ".

Căn cứ theo Điều 14 Nghị định 158/2005/NĐ-CP thì thời hạn đi khai sinh và trách nhiệm khai sinh được quy định như sau: "Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em".

Như vậy, ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng kí hộ khẩu thường trú của người mẹ hoặc nơi đăng kí tạm trú của người mẹ sẽ thực hiện việc đăng kí khai sinh cho trẻ trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con. Nếu nơi thực hiện đăng kí khai sinh cho trẻ là nơi người mẹ đăng kí tạm trú thì ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng kí khai sinh phải thông báo cho ủy ban nhân dân cấp xã nơi người mẹ đăng kí thường trú.

- Căn cứ Điều 15 Nghị định 158/2005/NĐ-CP và khoản 4 điều 1 Nghị định 06/2012/NĐ-CP thì Thủ tục đăng ký khai sinh thực hiện theo những quy định sau:

1. Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Tờ khai, Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).

Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.

Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.

2. Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.

3. Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.

Như vậy, con của bạn được xem là con ngoài giá thú, bạn vẫn được đứng tên cha.

Về Đăng kí hộ nhập khẩu: 

Trong trường hợp này con bạn sẽ được nhập khẩu nếu bạn và vợ không có khả năng nuôi dưỡng và con bạn về ở với anh ruột của bạn.

- Về mặt thủ tục thì theo quy định tại Điều 21 Luật Cư trú 2006 và Điều 6 Thông tư 52/2010/TT-BCA ngày 30 tháng 11 năm 2010 “quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú, Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 và Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 về cư trú”: 

1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:

a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;

c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.

3. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Tư vấn bởi Văn phòng luật sư Giải Phóng. Địa chỉ: 225 Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh. Tổng đài tư vấn luật: 19006665

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).