- Năm nay tôi 34 tuổi hiện sống độc thân, có công việc và thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống. Tôi không muốn lấy chồng, mà muốn sinh một đứa con cho riêng mình để nuôi nấng và chăm sóc.
TIN BÀI KHÁC:
Vì tuổi sinh sản có hạn nên tôi đang muốn sinh một em bé trong năm tới. Tôi đã chọn được người làm cha cho con tôi nhưng tôi vẫn đang băn khoăn vì người đó đã có gia đình. Người đó cũng đồng ý cho mà chấp nhận tất cả điều kiện của tôi đưa ra.
Để tránh phiền phức xảy ra sau này, tôi cũng không muốn phá vỡ hạnh phúc gia đình họ và không muốn người cha phải chu cấp nuôi con. Để tránh trường hợp rắc rối về pháp lý và tình cảm sau này tôi phải làm những thủ tục gì. Vì một lý do nào đó người cha sau này đòi nhận con mà tôi không đồng ý có được không? Cám ơn luật sư.
Ảnh minh họa |
Luật sư tư vấn:
Đây là một quyết định vô cùng khó khăn của bất cứ ai cùng hoàn cảnh. Rất cần thiết phải xem xét ở nhiều góc độ, cả sự điều chỉnh của pháp luật lẫn cuộc sống thực tế để tránh hệ luỵ về sau. Nếu cô xin con trực tiếp theo cách này thì không có biện pháp hay thủ tục pháp lý nào vững chắc hoàn toàn có thể tránh phiền luỵ về sau gồm quyền thừa kế, việc nhận cha cho con và điều tiếng.
Căn cứ Điều 6, Điều 21 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học và Điều 4 Thông tư số 07/2003/TT-BYT hướng dẫn thi hành NĐ 12/2003/NĐ-CP, Điều 147 Bộ Luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) thì: Pháp luật chỉ nghiêm cấm các hành vi: mua bán tinh trùng; người đã có vợ, chồng nhưng vẫn chung sống như vợ chồng với người khác. Không nghiêm cấm hành vi cho nhận tinh trùng bằng phương pháp quan hệ trực tiếp (khi không phát sinh quan hệ mua bán).
Tuy nhiên, việc cho nhận tinh trùng bằng đường quan hệ trực tiếp sẽ có nhiều hệ lụy như: nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục, hay thai nhi có thể gặp vấn đề về di truyền. Đặc biệt, khi "cho nhận trực tiếp" sẽ phải phát sinh quan hệ tình dục với nhau, thậm chí là quan hệ nhiều lần mới có thai có thể dẫn đến việc nảy sinh tình cảm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình của bên cho. Sau này, khi phát sinh tranh chấp về thừa kế, người cho có quyền khởi kiện ra Tòa yêu cầu xác định cha cho con theo Điều 64, 66 Luật Hôn nhân và gia đình.
Đối với quyền thừa kế ở đây được xem xét ở 2 trường hợp. Con được hưởng quyền thừa kế của cha và ngược lại. Căn cứ vào Đ.675, 676 BLDS thì cha và con đều thuộc hàng thừa kế thứ 1 của nhau. Khi con chưa thành niên hoặc đã đã thành niên mà không có khả năng lao động mà cha mất hoặc cha còn sống khi người con qua đời thì đều được quyền hưởng 2/3/suất thừa kế được hưởng dù không để lại di chúc cho hưởng.
Về việc sau này cha đòi nhận cha cho con, nếu con dưới 18 tuổi thì phải có sự đồng ý của cô thì mới được chấp nhận. Trường hợp con trên 18 tuổi thì do con quyết định (Căn cứ theo Điều 32, 34 Nghị định 158/2005/NĐ-CP).
Vì vậy, để đảm bảo cho sức khỏe, không ảnh hưởng đến gia đình bên cho, không phát sinh tranh chấp sau này, đôi bên nên tiến hành cho nhận tinh trùng tại các cơ sở y tế lưu trữ được Bộ Y tế công nhận theo đúng thủ tục quy định. Chúc cô có quyết định đúng đắn, phù hợp.
LS Nguyễn Thành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật - Đoàn Luật sư TP.HCM
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).