-Báo VietNamNet không những có lượng bạn đọc truy cập lớn mà còn được bạn đọc tin cậy gửi nhiều đơn thư phản ánh những bức xúc của mình gặp phải trong cuộc sống. Báo VietNamNet luôn đồng hành, sẵn sàng chia sẻ cùng bạn đọc.

TIN BÀI KHÁC:

Năm 2013 dần khép lại cũng là lúc những người làm công tác bạn đọc của Báo VietNamNet nhìn lại công việc trong năm. Năm 2013, Báo VietNamNet nhận được hơn 200 lượt đơn, thư của bạn đọc, trong đó một số vụ việc bạn đọc hoặc nhiều bạn đọc đến Tòa soạn trình bày và gửi đơn. Tất cả đơn thư của bạn đọc đều được Ban Bạn đọc của Báo xem xét, xử lý, tổng hợp xuất bản trên trang Bạn đọc nửa tháng một lần. Đọc trang tổng hợp đó, bạn đọc có thể thấy rõ đơn thư của mình được Báo VietNamNet xử lý như thế nào.
{keywords}
Một nhà dân ở xã Cự Khê (ảnh Báo Nông nghiệp)

Đơn thư của bạn đọc hầu hết là khiếu nại, kêu cứu, tố cáo, kiến nghị…những vướng mắc gặp phải trong cuộc sống, đa phần liên quan đến vấn đề đất đai; có những vụ kéo dài năm bảy năm, hàng chục thậm chí nhiều chục năm, nhưng chưa được các cơ quan chức năng giải quyết thấu đáo, hợp tình, hợp lý.

Nhiều nội dung  bạn đọc phản ánh có căn cứ pháp lý tin cậy, đã được biên tập và xuất bản để đông đảo bạn đọc biết và cũng là một kênh thông tin để các cơ quan chức năng xem xét. Nhiều vụ việc nổi cộm khác cần phải làm rõ, Báo đều có Công văn kèm đơn thư bạn đọc gửi các cơ quan có thẩm quyền, đề nghị xem xét. Khi có phản hồi, Báo lại thông tin trên trang Bạn đọc cũng nửa tháng một lần để bạn đọc biết đơn thư của mình được xem xét, giải quyết ra sao?

Năm 2013, Báo VietNamNet đã gửi  khoảng 120 Công văn đến các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương , các Bộ ngành đề nghị xem xét, giải quyết những vấn đề mà bạn đọc nêu.

Năm 2013, có một số vụ việc Báo VietNamNet đã vào cuộc và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn bước đầu có hiệu quả. Xin đơn cử:

Vụ bạn đọc Nguyễn Thị Bông cùng chồng là Nguyễn Trung Tâm ở Nha Trang, Khánh Hòa tới Báo VietNamNet khiếu nại, kêu cứu về việc tranh chấp chia di sản thừa kế là đất đai của cha mẹ để lại. Hai cấp Tòa (TAND tỉnh Khánh Hòa và TAND Tối cao tại Đà Nẵng) đều xử thắng cho người anh trai là Nguyễn Quý Báu, Việt kiều Mỹ về lập công ty “ma” và kiện tranh giành đất với em trai. Thắng kiện, người anh trai đập phá nhà từ đường và bán đất cho người khác xây dựng tòa nhà đồ sộ, lấy tiền về Mỹ. 2 năm trời ra Hà Nội kêu cứu với các cơ quan trung ương, cũng là 2 năm bạn đọc Nguyễn Thị Bông được Báo VietNamNet đồng hành: Một mặt đăng tải nhiều bài về toàn bộ sự việc; một mặt gửi nhiều Công văn tới TAND Tối cao, các cơ quan thẩm quyền ở trung ương và tỉnh Khánh Hòa đề nghị xem xét giải quyết. Cuối cùng TANDTC đã ra Quyết định Kháng nghị và Quyết định Giám đốc thẩm hủy toàn bộ 2 Bản án của 2 cấp Tòa xử oan sai, giao TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại.

{keywords}
Nhà vẫn xây dù đã có Kháng nghị (ảnh gia đình bạn đọc cung cấp)

Báo VietNamNet hết sức đồng cảm với 18 bạn đọc ở thôn Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội khốn khổ về nơi ăn chốn ở, đã suốt 5 năm chờ đợi, kêu cứu, khiếu nại về việc xin cấp đất giãn dân. Trang Bạn đọc của Báo đã có nhiều bài viết, Báo đã gửi không ít Công văn đề nghị UBND TP Hà Nội, huyện Thanh Oai và xã Cự Khê xem xét, giải quyết. Văn phòng UBND TP Hà Nội phúc đáp Báo VietNamNet bằng Văn bản chỉ đạo huyện Thanh Oai, xã Cự Khê giải quyết sự việc. Nhờ thế mà mới đây nhất, 10/18 bạn đọc đã được xem xét giao đất giãn dân ở mức tối thiểu 60m2/hộ. Dù 18 bạn đọc này vẫn tiếp tục khiếu nại vì sao chỉ có 10 hộ được giao đất giãn dân và chỉ được ở mức tối thiểu? Dù sao, đó cũng là hiệu quả bước đầu!

Nan giải hơn cả có lẽ là vụ bạn đọc Nguyễn Thị Diệu Hồng ở Thanh Hóa, cả chục năm nay đệ đơn khắp nơi từ tỉnh Thanh Hóa tới các cơ quan thẩm quyền ở Trung ương, và mấy năm gần đây gõ cửa Báo VietNamNet về việc xin lại đất và nhà ở TP Thanh Hóa bị tiêu thổ kháng chiến từ năm 1947 theo Lệnh của UB Kháng chiến Thanh Hóa, sau đấy đất của gia đình (còn đầy đủ giấy tờ) bị giao cho các tổ chức và cá nhân khác sử dụng, nhưng không được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp nhận tại Văn bản số 6101/UBND-TD ngày 13/9/2011. Báo chia sẻ và đồng hành với bạn đọc Diệu Hồng bằng những bài viết trên trang Bạn đọc và những Công văn gửi TANDTC, các cơ quan thẩm quyền ở trung ương, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét, giải quyết. Theo thông tin từ bạn đọc Diệu Hồng, ngày 6/9/2013, TAND Tối cao đã có Bản án số 158/HC-PT hủy toàn bộ Văn bản số 6101/UBND-TD ngày 13/9/2011 của UBND tỉnh Thanh Hóa, trao hồ sơ lại đề nghị UBND tỉnh giải quyết lại vấn đề này. UBND tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo tinh thần của Bản án.

Vụ Bà Đoàn Thị Hồng ở Đà Lạt đi kêu cứu gần 20 năm, mặc dù chưa thỏa mãn như mong muốn nhưng bước đầu chính quyền cũng đã cấp đất đền bù việc giải tỏa đất.

Nhiều vụ việc khác chính quyền ở các địa phương đều im lặng, song thông qua công văn của báo gửi tới, chính quyền phải tiến hành xem xét...

Đó là đơn cử một số vụ mà Báo VietNamNet đồng hành, đã được xem xét, bước đầu được giải quyết. Nhưng đáng tiếc (và cũng là đáng trách) nhiều cơ quan chức năng vẫn chưa thực hiện quy định của Luật Báo chí, vẫn “im lặng…đáng sợ” ngay cả đối với đề nghị của báo chí, chứ nói gì đến đề nghị của công dân. Hy vọng trong năm mới 2014, tình hình sẽ được cải thiện hơn.

Ban Bạn đọc