- Bà Đoàn Thị Hồng khoảng gần 70 tuổi đến Tòa soạn với một tập dày đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Bà kể rằng mặc dù ở tận Lâm Đồng nhưng đã ra Hà Nội tá túc gặp các cơ quan chức năng từ 1993 đến nay.

Thật ra khi nghe bà trình bày vụ việc những người có trách nhiệm làm công tác tiếp bạn đọc cũng thấy đây không phải là vụ quá phức tạp như nhiều vụ mà chúng tôi đã nghe và đã xử lý.

Có thể tóm tắt vụ việc thế này: Năm 1993 thành phố Đà Lạt ra quyết định số 1567/QĐ-UB giải tỏa nhà bà Hồng ở đường Trần Phú thành phố Đà Lạt để lấy đất làm trụ sở Cục thuế tỉnh Lâm Đồng. Đất của bà là đất mua từ năm 1977 (nghĩa là có trước luật đất đai 2003). Nhưng tỉnh lại cho rằng đất bà Hồng chỉ là đất lưu cư buộc diện phải trả tiền đất cho nhà nước.

Chính vì quan niệm như vậy nên bà đã có nhiều đơn thư khiếu nại. Thay vì thừa nhận tỉnh lại nại lý do bà không nộp tiền sử dụng đất (theo bà Hồng thì gia đình vẫn đóng thuế hàng năm) và vị trí của bà không phù hợp với quy hoạch của Thủ tướng chính phủ.

Qui hoạch của Thủ tướng  là Quyết định 620/TTg ngày 27-10-1994 nghĩa là sau 17 năm bà Hồng có đất thì liệu lý do đó có đúng nên bà không đồng ý. Và sau khi thu hồi có làm trụ sở nhưng số đất còn lại (thừa ra) đã phân lô bán. Bà cho biết “Tài quyết định 689/QĐ-UB ngày 05/8/1997 V/V giao đất cho Cụ thuế LĐ để xây dựng trụ sở cho thấy đất Cục thuế đang sử dụng 1437m2, trong đất được giao thêm 1511m2 không có đất của nhà bà, nhưng Cục thuế vẫn lấy 604m2 đất của bà phục vụ cho việc phân lô bán nền phần đất lấy của các hộ khác để vụ lợi”

 
{keywords}
Những lá đơn kêu cứu (Ảnh minh họa)

Cái cách mà TP đền bù cũng lạ, ở 3 lô khác nhau, một lô đất ở, hai lô thu tiền, trong khi trả tiền đền bù chỉ có 133.135.200 đồng. Mà đó là lần quyết thứ hai mới được chừng ấy chứ lần đầu Cục thuế tỉnh tính toán theo cách nào đó chỉ phải đền bù có hơn 66 triệu. Thế nhưng khi thu tiền bán hai lô đất cho bà thì bà phải nộp là hơn 300 triệu đồng.

Thực chất thu của dân hơn 600 m2 khi trả cho dân còn thiếu những 400 m2 mà chỉ trả có hơn trăm triệu, trong khi người dân mua 2 lô số tiền phải nộp lên đến gấp hơn 2 lần.

Chính vì sự không rõ ràng này nên bà Hồng đã gửi đơn đi khắp nơi. Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (lúc đương chức) có chỉ đạo cho tỉnh báo cáo sự việc. Trong văn bản báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, tỉnh nói đã đền bù cho bà và giải quyết xong.

Báo cáo cũng cho rằng Chủ tịch tỉnh đã đối thoại trực tiếp và đã giao 3 lô đất. Bồi thường vật kiến trúc và xây dựng 139.231.000 đồng; hỗ trợ 100% giá trị tài sản lưu giữ khi giải tỏa. Nhưng bà Hồng cho biết báo cáo như vậy là không trung thực không thiện chí.

Văn phòng chính phủ có ý kiến chấm dứt việc giải quyết vụ việc là do tỉnh báo cáo sai sự thật. Tỉnh chưa trả cho bà đồng tiền nào và khi giải tỏa tất cả tài sản của bà đều mất mát thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng thì không tính.

Qua gần 20 năm, đơn của bà đã lên tới tận cấp cao nhất (Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng) và tất cả sự chỉ đạo của trên lại quay về tỉnh.

Cũng giống như các vụ khác dù có khiếu kiện lên cấp cao nào thì rồi cuối cùng đơn thư cũng vẫn quay về chỗ cũ.

Vụ này cũng vậy lấy đất của dân, (bây giờ có luật đất đai chắc lấy đất của dân không chỉ đơn giản thế) nhưng đền bù thế nào cho công bằng đúng luật, để người dân không có cớ đi khiếu kiện mới là nhiệm vụ của những người có trách nhiệm, những công bộc của dân.

Chỉ bằng những con số trên cũng đủ thấy người dân đã thiệt đủ đường. Những người có trách nhiệm tiếp dân của báo cũng chỉ biết khuyên dân trước mắt là nộp tiền để có quyền sử dụng lô đất mà chính quyền đã phân, nếu quá thời hạn thì sẽ không có cơ hội sử dụng vì chính quyền đã nói là làm.

Báo VietNamNet đã có công văn gửi cho tỉnh Lâm Đồng cho biết về xử lý vụ này như thế nào để trả lời cho bạn đọc theo luật báo chí nhưng những công văn của báo đều không có hồi âm.

Thiết nghĩ với một cơ quan truyền thông đã được luật qui định mà các cơ quan nhận được công văn phớt lờ thì thử hỏi với người dân sẽ thế nào?

Ban Bạn đọc