- Để pháp luật về trẻ em được thực thi cần có sự phổ biến và giáo dục đối với giáo viên về quy định pháp luật về trẻ em và quyền trẻ em để việc tôn trọng quyền và bảo vệ trẻ em được thực hiện.

TIN BÀI LIÊN QUAN


Trong năm 2013 đã có nhiều vụ việc thương tiếc xảy ra tại các điểm giữ trẻ như vụ cháu bé Đặng Bảo Long bị gãy cả hai chân tại một điểm giữ trẻ tại thị trấn Đăk Hà huyện Đăk Hà. Hay gần đây là vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ bạo hành gây tử vong rất đáng thương bé Đỗ Nhất Long 18 tháng tuổi tại Cần Thơ. Tình trạng bạo lực đang lấn chiếm trường học đặc biệt là các trường mầm non dân lập hoặc các điểm trông giữ trẻ tự phát.

Hành vi của bảo mẫu Phương và Lý làm xôn xao dư luận mấy ngày qua đã vi phạm Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Theo quy định tại điều 7- khoản 6- Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em quy định: những hành vi cấm đối với trẻ em trong đó cấm hành hạ, ngược đãi, làm nhục, xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự.

Hành vi của bảo mẫu Phương đã mang tính chất hành hạ các em, gây ra những ảnh hưởng về tâm lý đối với trẻ đặc biệt là tâm lý sợ đến trường. Hành vi của giáo viên và nhân viên trong cơ sở tư thục Phương Anh đã vi phạm nghiêm trọng điều 6 của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cụ thể như sau: Các quyền của trẻ em phải được tôn trọng và thực hiện. Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định pháp luật.

{keywords}
Vụ bạo hành trẻ ở cơ sở Phương Anh (Ảnh Tuổi trẻ)

 Hành vi vi phạm đến thân thể, danh dự của trẻ em đã được quy định trong Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại điều 2 ghi rõ gia đình, nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm cho trẻ em. Tuy nhiên để hoàn thiện hơn nữa Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em cần bổ sung, sửa đổi quy định tại điều 26 là Gia đình, Nhà nước, Nhà trường và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em.  

Để chấm dứt tình trạng bạo hành đối với trẻ ở các cơ sở tư thục hoặc các gia đình trông giữ trẻ độc lập là sự phổ biến về Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Mặc dù Luật đã có hiệu lực từ năm 2005 nhưng nhận thức của một số bảo mẫu làm việc tại các cơ sở mầm non dân lập này vẫn phớt lờ hoặc không tuân thủ các quy định của luật. Tại điều 5 Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em quy định: Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường,, xã hội và công dân. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu.

Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tháng 2 năm 1990, Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và thứ 2 trên thế giới ký tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Điều 3 của Công ước ghi nhận: Trong tất cả những hành động liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được đặt lên hàng đầu.

Ở vụ cơ sở mầm non dân lập Phương Anh, lợi ích của trẻ em đã bị vi phạm nghiêm trọng bạo hành với trẻ em. Việc cho trẻ ăn cùng với đánh trẻ, dốc ngược trẻ vào xô nước đã thể hiện hành vi coi thường lợi ích, sức khỏe của trẻ em. Trẻ em cần được bảo vệ và chăm sóc - đó chính là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội.

Hơn lúc nào hết, những người theo nghề giáo viên nuôi dạy trẻ càng phải nhận thức rõ lợi ích của trẻ để quan tâm, chăm sóc và nuôi dưỡng thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Để pháp luật về trẻ em được thực thi cần có sự phổ biến và giáo dục đối với giáo viên về quy định pháp luật về trẻ em và quyền trẻ em để việc tôn trọng quyền và bảo vệ trẻ em được thực hiện.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

(Công ty luật TNHH Đức An, Nguyễn Viết Xuân, Thanh Xuân, Hà Nội)