- Em tôi quen 1 người đàn ông được gần 1 năm. Trước khi quen, người đó che giấu rằng mình đã có vợ, nhưng sau 1 thời gian thì em tôi phát hiện ra thì người đó thú nhận, hứa ly dị vợ và cưới em của tôi.
TIN BÀI KHÁC
Không lâu thì người đó đưa giấy ly hôn và nói cưới em tôi. Người đó dụ dỗ làm em tôi có thai, khi gia đình tôi biết chuyện qua gặp thì người đó trốn tránh, phủ nhận tất cả và không chịu trách nhiệm về cái thai đó. Tôi muốn hỏi liệu em tôi có phạm luật gì không? Người đàn ông đó có bị xử phạt không? Cái thai sẽ được xử lý như thế nào và tôi cần làm gì để giúp em của mình.
(ảnh minh họa) |
Pháp luật về hôn nhân và gia đình luôn bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Vì vậy, mọi hành vi chung sống như vợ chồng với người khác trong khi một trong hai người đang có vợ, có chồng đều bị pháp luật nghiêm cấm.
Căn cứ theo Luật Hôn nhân và gia đình, Khoản 1 Điều 147 Bộ luật Hình sự và Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì những người sau đây vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự:
- Người đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác; người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
- Người đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
- Người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
Theo đó, nếu em bạn chung sống như vợ chồng với người đàn ông đó lúc chưa ly dị vợ nhưng không biết người đó đang có vợ thì không phải chịu trách nhiệm pháp lý nào; còn người đàn ông thì phải chịu trách nhiệm hành chính (bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng – Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP), hoặc chịu trách nhiệm hình sự (phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm – Khoản 1 Điều 147 Bộ luật Hình sự) nếu đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc hành vi vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v...
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, để có căn cứ xử lý theo quy định trên, em bạn và người đàn ông đó phải có hành vi sống chung một nhà (ăn ở sinh hoạt chung) trong một thời gian nhất định, mà gọi theo ngôn ngữ pháp lý là sống chung như vợ chồng. Còn hai người này không có hành vi sống chung, mà chỉ đi lại một cách không thường xuyên hay vụng trộm thì không có cơ sở để xử lý.
Về con chung, khi làm khai sinh cho cháu, nếu cha của cháu chịu nhận con thì có thể làm văn bản nhận con để ghi tên cha vào giấy khai sinh. Nếu người cha vẫn không chịu nhận con thì người mẹ có thể yêu cầu Tòa án xác định cha cho con ngoài giá thú theo Điều 65, Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình; đồng thời yêu cầu người cha thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên sau khi đã xác nhận cha cho con, căn cứ theo Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình.
Tư vấn bởi Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng Luật Giải Phóng
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).