- Tôi có con với một người đã có gia đình. Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến người đó nên trong giấy khai sinh của con tôi, phần họ tên cha ghi tên một người bạn của tôi. Giờ con tôi 2 tuổi, cháu gọi anh bạn tôi là bác và gọi bố mẹ anh bạn tôi là ông bà nội.

TIN BÀI KHÁC

Nhưng giờ anh bạn tôi chuẩn bị kết hôn. Vậy xin luật sư cho tôi hỏi liệu sau này khi anh bạn tôi có con, vợ anh buộc anh phải từ bỏ danh nghĩa là cha của con tôi (vì lo sợ quyền lợi sau này chẳng hạn vì dù sao trên thực tế thì anh là cha của con tôi) thì tôi phải làm sao? Hoặc giả thiết có một ngày cha ruột của cháu muốn nhận lại con và muốn con mang họ của cha ruột thì thủ tục như thế nào?

{keywords}
(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Việc thay đổi, cải chính những nội dung trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh phải tuân thủ quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục.

- Quy định pháp luật về việc xác định con:

Theo điều 64- LHNGĐ 2000: Người được nhận là cha mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.Theo quy định này, người có yêu cầu xác định cha, mẹ cho con gửi đến tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi cư trú đề nghị giải quyết xác nhận người đó không phải là con mình. Trong trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của đương sự, Tòa án sẽ tiến hành trưng cầu giám định ADN để có căn cứ khoa học khi xét xử.

Như vậy, anh bạn chị phải có đơn đề nghị gửi đến Tòa án cấp quận, huyện để xác định con và sau khi có quyết định của Tòa án thì người cha ruột sẽ làm thủ tục xác định cha mẹ cho con theo quy định pháp luật.

- Thủ tục đăng ký thay đổi thông tin trên giấy khai sinh: Người cha ruột phải làm thủ tục xác định cha con theo quy định của pháp luật. Theo Điều 34 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì thủ tục đăng ký việc nhận cha, mẹ, con được quy định như sau:

1. Người nhận cha, mẹ, con phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Kèm theo Tờ khai phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

a/ Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con;

b/ Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có).

2. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận, cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.

Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 05 ngày.

3. Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con các bên cha, mẹ, con phải có mặt, trừ trường hợp người được nhận hoặc cha hoặc mẹ đã chết. Cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của các bên.

Sau khi có quyết định công nhận quan hệ cha con thì cán bộ hộ tịch sẽ ghi vào sổ hộ tịch về việc xác định cha con vào sổ đăng ký khai sinh trước đây của người con.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Nguyễn Viết Xuân, Hà Nội

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).