- Tôi bị 3 người (say rượu) đi trên 1 xe tông vào. Tôi nằm viện điều trị 2 tháng, người gây tai nạn cho tôi không đến hỏi thăm 1 tiếng. Lúc tôi ra viện có đến CSGT CA huyện hỏi về vụ tai nạn của tôi và CSGT hẹn tôi tuần sau để CSGT mời người gây tai nạn đến giải quyết.
TIN BÀI KHÁC
Đúng ngày hẹn, tôi lên thì CSGT nói người gây tai nạn không đến kêu tôi về khi nào mời được người gây tai nạn ra thì liên hệ với tôi. Tôi đợi mãi mấy tháng sau gọi điện thoại cho CSGT chỉ nhận được câu trả lời người ta không chịu đến.
Cho đến nay cũng đã gần 2 năm, tiền điều trị và sửa xe hết gần 50 triệu nhà tôi thì lại khó khăn. Cho hỏi trường hợp như vậy tôi phải làm sao để giải quyết?
(Ảnh minh họa) |
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 17 Quyết định số 18/2007/QĐ – BCA quy định về quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ. Điều 17. Xử lý hành chính vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông:
1. Mời các bên liên quan hoặc đại diện hợp pháp của họ đến trụ sở đơn vị để thông báo kết quả điều tra, kết luận nguyên nhân của vụ tai nạn và xác định lỗi của những người có liên quan trong vụ tai nạn, hình thức giải quyết. Cho các bên liên quan phát biểu ý kiến của họ. Mọi ý kiến đều được ghi vào biên bản giải quyết vụ tai nạn giao thông và có chữ ký của các bên liên quan đến tai nạn giao thông.
2. Lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định hoặc đề xuất lãnh đạo có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Sau khi cá nhân bị xử phạt thực hiện xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cán bộ thụ lý lập biên bản trả lại phương tiện giao thông (nếu phương tiện còn đang bị tạm giữ), đồ vật và các giấy tờ đã tạm giữ cho người bị xử phạt; thu biên lai tiền phạt ghim vào góc bên trái quyết định xử phạt, lưu trong hồ sơ vụ tai nạn giao thông.
4. Giải quyết việc khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại giữa các bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông khi các bên có yêu cầu đòi bồi thường:
- Trường hợp các bên liên quan tự thương lượng thỏa thuận khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại thì phải có bản cam kết thống nhất thỏa thuận về mức và hình thức bồi thường thiệt hại giữa các bên; ký và ghi rõ họ, tên những người liên quan. Thỏa thuận bồi thường thiệt hại là tình tiết giảm nhẹ khi xem xét ra quyết định xử lý hành chính;
- Trường hợp các bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông không tự thỏa thuận thương lượng được với nhau thì Cảnh sát giao thông có trách nhiệm hướng dẫn các bên liên hệ với Tòa án để giải quyết theo thủ tục dân sự.
Theo thông tin bạn nêu thì CSGT đã gọi bên vi phạm lên nhưng bên vi phạm không lên thì bạn có thể nộp đơn khởi kiện lên tòa án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe và tài sản bị xâm phạm. Theo điều 33, 35 - BLTTDS 2004 sửa đổi bổ sung 2011 quy định: TAND huyện quận nơi bị đơn cư trú, làm việc.
Ðiều 607 BLDS 2005 quy định: “ Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.”
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).