- Lời Tòa soạn: Theo đơn từ và nhiều giấy tờ liên quan, bạn đọc Bùi Thị Tám, Giám đốc Xí nghiệp Thương mại Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh gửi Báo VietNamNet, từ năm 2008 đến nay, bạn đọc này đã có một “hành trình gian truân” xin đầu tư trên đất đang sử dụng. Chúng tôi có loạt 3 bài đề cập vấn đề này.

TIN BÀI KHÁC


Bài 1: Bà Tám bị thu hồi đất, ông Hiền, ông Quảng được bồi thường!

Đó là chuyện UBND TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đối với 4,3 ha đất tại khu vực tổ 3, khu 10, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long do bạn đọc Bùi Thị Tám quản lý, sử dụng từ năm 2008 đến nay, không xảy ra tranh chấp với ai.

{keywords}
Khu đất rừng bạn đọc Tám đang sử dụng (ảnh PV)

Trước năm 1993, phần đất này do Lâm trường Hồng Gai quản lý. Cuối năm1993, UBND TP Hạ Long có Quyết định giao cho ông Nguyễn Đình Bá. Năm 2005, ông Bá chuyển nhượng cho 2 ông Nguyễn Ngọc Hiền, Ngô Đình Quảng. Năm 2008 ông Hiền và ông Quảng chuyển nhượng 4,3 ha đất và tài sản trên đất cho bà Bùi Thị Tám, được ông Ngô Xuân Thi, Khu trưởng Khu 10 làm chứng. 

Mặc dù Quyết định số1067/QĐ-UB ngày15/10/1993 của UBND TP Hạ Long giao đất cho ông Bá có thời hạn 50 năm sử dụng để trồng rừng, nhưng chưa được 20 năm, ngày 24/5/2011, UBND TP Hạ Long đã có Thông báo 269/TB-UBND về việc thu hồi chính thửa đất trên để xây dựng Khu xử lý nước thải của Khu Công nghiệp Cái Lân. Đơn vị được giao thực hiện dự án là Công ty TNHH Hoài Nam. Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho đơn vị này vào tháng 11 năm đó, dù chưa thực hiện các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng và dĩ nhiên chưa hề có mặt bằng. Bạn đọc Tám cho rằng những động thái đó thể hiện sự ưu ái của tỉnh Quảng Ninh đối với CT TNHH Hoài Nam.

Để thực hiện dự án trên, UBND TP Hạ Long giao cho UBND phường Bãi Cháy làm việc với ông Hiền và ông Quảng. Hai ông này cho biết đã chuyển nhượng khu đất này cho bà Tám từ 2008, không còn quyền lợi gì tại đây và cam kết bằng văn bản không có tranh chấp với bà Tám gửi Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và Trung tâm phát triển quỹ đất TP Hạ Long.

Thế nhưng, Quyết định thu hồi đất, QĐ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và cả việc nhiều lần mời nhận tiền, UBND TP Hạ Long vẫn cứ ghi tên ông Hiền, ông Quảng!

Bạn đọc Bùi Thị Tám khiếu nại đến nhiều cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan báo chí và lên tới Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh “kiểm tra, làm rõ để có biện pháp giải quyết vụ việc” và báo cáo Thủ tướng kết quả giải quyết.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra thực tế và viện dẫn Khoản 4, Điều 8, Nghị định 197/2004/ NĐ-CP, khẳng định bằng văn bản rằng bà Tám đang sử dụng đất thì bà Tám được bồi thường về đất chứ không phải ông Hiền, ông Quảng. UBND TP Hạ Long ban hành Quyết định bồi thường và hỗ trợ về đất cho hộ ông Hiền và hộ ông Quảng là không đúng đối tượng! Trong khi đó, không hiểu UBND TP Hạ Long chỉ đạo UBND cấp dưới tuân thủ sự chỉ đạo của cấp trên thế nào, mà ngày 30/10/2013 UBND phường Bãi Cháy vẫn căn cứ các Quyết định của UBND TP Hạ Long, ra Thông báo cưỡng chế thu hồi đất của… ông Hiền, ông Quảng vào ngày 8/11/2013. Bạn đọc Tám vẫn…bị loại ra và tất nhiên lại phải…khiếu nại!

Gần 4 tháng sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh này mới có Văn bản gửi Văn phòng Chính phủ “thống nhất với ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc UBND TP Hạ Long đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường cho 2 hộ đồng sử dụng đất là hộ ông Nguyễn Ngọc Hiền và ông Ngô Đình Quảng là không đúng đối tượng sử dụng đất” và Văn bản này xác nhận “bà Bùi Thị Tám là đối tượng sử dụng đất bị thu hồi và được đền bù”.

{keywords}
Công ty Hoài Nam rào lưới B40 lấn sang đất của bà Tám (ảnh PV)

Bạn đọc Tám khiếu nại rằng khi lập phương án đền bù, Hội đồng đền bù không tính đến việc từ năm 1993 đến nay, các chủ sử dụng đất đã khai hoang phục hóa, tôn tạo, san lấp và lấn biển phù hợp với quy định của pháp luật để bồi thường, hỗ trợ công san lấp đất…như vậy là trái với Điều 5, Luật đất đai năm 1993 và Điều 12, Luật đất đai năm 2003.

Mặt khác, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng vẫn lấy nguyên số liệu kiểm kê tài sản và giá trị tài sản trên đất ngày 14 tháng 9 năm 2012 để áp giá đền bù là không đúng, vì thực tế từ năm 2012 đến năm 2014 bà Tám vẫn phải kinh doanh và chăm sóc cây trồng trên đất cũng như tu sửa công trình trên đất. Theo quy định của pháp luật, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng phải kiểm kê, định giá lại giá đất và tài sản trên đất tại thời điểm năm 2014 mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất.

Về giá bồi thường cũng có chuyện tương tự: Thu hồi đất năm 2014, nhưng áp giá bồi thường năm 2013, trái với Khoản 2, Điều 9, Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về  bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất: “Trường hợp bồi thường chậm do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra mà giá đất tại thời điểm bồi thường do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh công bố, cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm trả tiền”. 

Bạn đọc Tám than phiền rằng: nhận chuyển nhượng thửa đất này của ông Hiền, ông Quảng năm 2008 đã phải trả hơn 1 tỷ 900 triệu đồng, mà phương án bồi thường năm 2014 chỉ được có hơn 1 tỷ 700 triệu đồng.

Ban Bạn đọc