Bài 2: Có thật cần thiết xây dựng nhà máy xử lý nước thải số 2?

-Theo đơn từ và nhiều giấy tờ liên quan bạn đọc Bùi Thị Tám, Giám đốc Xí nghiệp Thương mại Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh gửi Báo VietNamNet, từ năm 2008 đến nay, bạn đọc đã có một “hành trình gian truân” xin đầu tư trên đất đang sử dụng.

TIN BÀI KHÁC

Nhà máy xử lý nước thải số 1 mới sử dụng ½ diện tích

“Tại Khu công nghiệp Cái Lân hiện có một nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động (cách khu đất của bà Bùi Thị Tám đang sử dụng khoảng 500m), thực tế mới chỉ sử dụng hết ½ diện tích (khoảng 9.000m2), phần diện tích đất còn lại của Nhà máy xử lý nước thải đang sử dụng làm sân bóng  đá để kinh doanh”.

{keywords}
Sân đá bóng cho thuê trong nhà máy xử lý nước thải số 1 (ảnh PV)

Đó là trích dẫn Văn bản số 4356/BTNMT-TTr  ngày 31/10/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi kiểm tra thực tế.

Về việc đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải cho KCN Cái Lân, ngay từ những năm 2005-2008, một số cơ quan đã có ý kiến gửi UBND tỉnh Quảng Ninh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, tại Văn bản số 1363/KHĐT-KTĐN ngày 27/11/2008, có nêu về vấn đề vốn ODA cho CT TNHH Hoài Nam thực hiện dự án Khu xử lý nước thải công nghiệp của KCN Cái Lân: “…Công ty TNHH Hoài Nam đã thực hiện một số công việc liên quan đến thủ tục giao đất. Tuy nhiên, về dự án ODA vẫn chưa được lập dự án đầu tư, chưa được phê duyệt từ địa phương đến Trung ương thì việc cam kết thực hiện tiến độ dự án như Công văn 169/GT-2008 là chưa có cơ sở thực tế.

Về trình tự thủ tục dự án ODA cần phải căn cứ quy trình tại Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn có liên quan, đòi hỏi có trình tự thời gian nhất định. Vì vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư  đề nghị UBND tỉnh xem xét và quyết định chưa giao đất cho công ty TNHH Hoài Nam khi dự án xử lý nước thải công nghiệp chưa lập và chưa được phê duyệt”.

Văn bản số 752/KCN-ĐTNN ngày 23/11/2005 của Ban QL các KCN-ĐTNN (nay là BQL KCN tỉnh) có viết: “Do đặc thù sản xuất, các dự án lớn nêu trên được thiết kế xây dựng hoàn chỉnh cả công trình hạ tầng, sản xuất và công trình xử lý nước thải trong nội bộ từng dự án để đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi xả vào cống chung, nên không còn nguồn thu để thu hồi vốn đầu tư và vận hành các công trình hạ tầng KCN, trong đó có công trình xử lý nước thải theo mô hình Dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng cơ sở KCN. Mục tiêu của dự án đã phải điều chỉnh thành đầu tư các hạng mục công trình đầu mối ngoài hàng rào về giao thông, cấp điện cấp thoát nước. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4191/QĐ-UB ngày 19/11/2003. 

Theo dự án được phê duyệt, các dự án lớn tại KCN tự đầu tư công trình xử lý nước thải. Nước thải của một số dự án nhỏ còn lại được thu gom và xử lý tại Trạm xử lý nước thải KCN Cái Lân giai đoạn 1, không đầu tư trạm xử lý nước thải chung theo quy hoạch chi tiết sử dụng đất năm 2001”.

Chính vì vậy, tại Văn bản số 4356/BTNMT-TTr ngày 31/10/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Giao UBND tỉnh Quảng Ninh giao cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra sự cần thiết của dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải thứ 2 trong Khu công nghiệp Cái Lân; xem xét nội dung phản ánh, đề nghị của bà Bùi Thị Tám để việc quản lý và sử dụng đất đạt hiệu quả”.

Văn bản này cũng kiến nghị tỉnh Quảng Ninh “kiểm tra năng lực của Công ty TNHH Hoài Nam”.

Về những nội dung này, UBND tỉnh Quảng Ninh có Công văn số 822/UBND-TD ngày 26/2/2014 gửi Văn phòng Chính phủ cho biết: “Sự cần thiết của dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải thứ 2 trong Khu công nghiệp Cái Lân được thuyết minh trong hồ sơ dự án, được các Sở, Ban, ngành có chức năng của tỉnh kiểm tra, thẩm định và đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp nhận phê duyệt tại Quyết định số 652/QĐUB-UBND ngày 8/3/2011 theo đúng quy định của pháp luật và giao cho Công ty TNHH Hoài Nam làm chủ đầu tư. Việc kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kiểm tra năng lực của Công ty TNHH Hoài Nam dựa trên kết quả kiểm tra hiện trường dự án, tuy nhiên nguyên nhân Công ty TNHH Hoài Nam chưa triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải là do chưa giải phóng xong mặt bằng phần diện tích đất bà Bùi Thị Tám đang sử dụng”.

Hiện nay, trên phạm vi cả nước, vấn đề nước thải của các nhà máy là do từng nhà máy chủ động xây đựng và xử lí, không thể gom tập trung rồi mới xử lý. Nước thải của từng nhà máy độ ô nhiễm khác nhau, những chất độc hại cũng khác nhau thì qui trình xử lý cũng phải phù hợp chứ không thể chung chung, do vậy có cần thiết phải gom chung lại như ở Cái Lân, Quảng Ninh?

Công ty Hoài Nam được chỉ định thầu có theo quy định hiện hành?

{keywords}
Nhà máy xử lý nước thải số 1 chưa sử dụng hết công suất (ảnh Bạn đọc cung cấp)

Ngày 24/6/2014 UBND TP Hạ Long ban hành Quyết định cưỡng chế “thu hồi  35.789,5m2 đất của bà Bùi Thị Tám tại phường Bãi Cháy để thực hiện công tác bồi thường GPMB dự án xây dựng Khu xử lý nước thải công nghiệp của Khu công nghiệp Cái Lân”. QĐ này cũng giao CT TNHH Hoài Nam phối hợp với các phòng, ban, đơn vị trong việc thực hiện cưỡng chế.

Việc thu hồi đất của XNTM Hạ Long giao cho Công ty Hoài Nam thực hiện dự án, trong khi Công ty này đã có nhiều dự án, có dự án còn chuyển nhượng cho đơn vị khác khiến XNTM Hạ Long cảm thấy bị đối xử không công bằng. Trong đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền, bạn đọc Bùi Thị Tám- GĐ XNTM Hạ Long đề nghị: “Nếu cần có thêm một  nhà máy xử lý nước thải trong khu công nghiệp Cái Lân, thì UBND TP Hạ Long và Ban quản lý khu công nghiệp Cái Lân cần tổ chức đấu thầu, và các doanh nghiệp đều được tham gia đấu thầu. Doanh nghiệp chúng tôi có đất và có đủ khả năng tài chính đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải”.

Bạn đọc Tám cũng viện dẫn quy định tại Điều 1, Luật đấu thầu, các Dự án có nguồn vốn của nhà nước từ 30% trở lên  thì phải đấu thầu công khai và cho rằng việc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ định Công ty TNHH Hoài Nam thực hiện thầu là trái quy định của Nhà nước. Bởi lẽ Dự án xây dựng nhà máy nước thải thứ 2 trong khu công nghiệp Cái Lân thuộc nguồn vốn Nhà nước cấp trên cơ sở vốn vay ODA có giá trị  150 tỷ đồng, trong đó vốn của Nhà nước là 105 tỷ đồng.

Thiết nghĩ, mặc dù đã có quy hoạch từ sớm trong việc xây đựng nhà máy xử lí nước thải cho cả khu công nghiệp Cái Lân, song cần xuất phát từ tình hình thực tiễn hiện nay, như ý kiến của Bộ Tài Nguyên- Môi trường. Vậy có cần nhà máy thứ hai không khi nhà máy thứ nhất hiện vẫn không sử dụng hết công suất, đất đai cho thuê, hay làm việc khác, trong khi lại thu hồi đất của hộ khác để làm tiếp. Mô hình xử lý nước thải tập trung có phù hợp và có hiệu quả không trong tình hình thực tế hiện nay? Chuyện đấu thầu xây đựng công trình đã tuân thủ luật đấu thầu chưa...Tất cả những câu hỏi trên đều cần có câu trả lời thỏa đáng.

Ban Bạn đọc