- Chồng tôi ngoại tình với cô Ph. (đã có chồng) và họ có con với nhau. Đến giờ cháu bé đó được 2 tuổi và cô Ph. hiện đã bỏ chồng.

TIN BÀI KHÁC

Cách đây 1 tháng, cô Ph. và chồng tôi đi làm lại giấy khai sinh cho cháu bé mang họ của chồng tôi mà tôi không biết gì. Xin hỏi việc làm đó có đúng quy định của pháp luật không?

{keywords}
(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 27 BLDS 2005 thì việc thay đổi họ, tên có thể thực hiện theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con. Do đó nếu muốn thay đổi thông tin của người cha trên giấy khai sinh của người con thì người cha ruột phải làm thủ tục xác định cha con theo quy định của pháp luật.

Khoản 1, Điều 34 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định thủ tục đăng ký việc nhận cha, mẹ, con như sau: Người nhận cha, mẹ, con phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Kèm theo Tờ khai phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

a) Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con;

b) Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có).

Theo khoản 2, Điều 35 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định việc bổ sung, cải chính Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con, theo đó: Căn cứ vào quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, trong trường hợp phần khai về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của người con đã ghi tên người khác, không phải là cha, mẹ đẻ, thì đương sự phải làm thủ tục cải chính.

Thủ tục đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch được quy định tại khoản 1, Điều 38 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP như sau: Việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch cho người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Như vậy, nếu chồng của bạn và cô Ph. có yêu cầu thay đổi họ cho đứa bé (và thay đổi tên cha) trong giấy khai sinh thì chỉ cần đưa ra được các giấy tờ chứng minh quan hệ cha con và có sự đồng ý của người hiện đang là cha đứa bé. Trong trường hợp này, việc nhận con cũng như làm đăng ký khai sinh cho trẻ là vì quyền lợi của trẻ.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình và gia đình, bạn có thể yêu cầu chính quyền cơ sở, cơ quan, đoàn thể... can thiệp vì hành vi của người chồng đã vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo Khoản 2 Điều 4 Luật hôn nhân và gia đình quy định: “Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.

Theo điểm b, khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định như sau: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác”

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Nguyễn Viết Xuân, Hà Nội

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).