-  Bố tôi đã mất không để lại di chúc. Vậy mẹ tôi có phải làm chuyển nhượng quyền sử dụng đất không, thủ tục thế nào? Có mất lệ phí không và cách tính thế nào, nhà tôi có khoảng 3 sào đất.

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
(Ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Xác định tài sản là di sản thừa kế

Thông tin câu hỏi bạn nêu không rõ về quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bố bạn hay tài sản chung của bố và mẹ bạn. Vì vậy, luật sư tư vấn chung như sau:

Khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 quy định:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận”.

Do bạn không cung cấp cụ thể thông tin liên quan, vì vậy cần phải phân biệt hai trường hợp sau đây:

Thứ nhất, nếu quyền sử dụng đất nêu trên hình thành trước thời kỳ hôn nhân hoặc do bố của bạn được tặng cho riêng, thừa kế riêng thì toàn bộ khối tài sản đó là tài sản riêng của bố bạn và cũng được xác định là di sản thừa kế do bố của bạn để lại.

Thứ hai, nếu quyền sử dụng đất nêu trên hình thành trong thời kỳ hôn nhân hoặc bố mẹ của bạn được tặng cho chung, thừa kế chung thì chỉ một nửa khối tài sản nêu trên được xác định là di sản thừa kế do bố của bạn để lại.

Khai nhận di sản thừa kế và đăng ký quyền sử dụng đất

Để hưởng thừa kế và sang tên quyền sử dụng đất, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết (Theo Điểm a Khoản 1 Điều 676 BLDS 2005) phải làm thủ khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật đối đất đai mà bố của bạn để lại, sau đó làm thủ tục đăng ký sang tên quyền sở hữu tại cơ quan đăng ký nhà đất.

Việc phân chia di sản thừa kế thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 49 Luật Công chứng 2006:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì họ có quyền yêu cầu công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản.

Trong văn bản thoả thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản của mình cho người thừa kế khác.

2. Trong trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì người yêu cầu công chứng phải xuất trình giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trong trường hợp thừa kế theo pháp luật, người yêu cầu công chứng còn phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Trong trường hợp thừa kế theo di chúc, người yêu cầu công chứng còn phải xuất trình di chúc.”

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc nhận thừa kế giữa giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau thì được miễn thuế thu nhập cá nhân,lệ phí trước bạ… Tuy nhiên, các bên phải nộp lệ phí hành chính theo quy định.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).