- Không con cái, người thân, hai vợ chồng già yếu nương tựa vào nhau với cuộc sống nhọc nhằn. Không chỉ vậy, gần 4 tháng nay cụ bà bỗng nhiên phát bệnh tai biến phải nằm liệt giường.
TIN BÀI KHÁC:
Đó là hoàn cảnh đáng thương của vợ chồng ông Phan Cho (SN 1932) và bà Bùi Thị Kéo (SN 1940), trú thôn 2, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Số phận hẩm hiu
Chúng tôi tìm đến phòng 8, khoa Lão, bệnh viện Y học dân tộc Quảng Nam để thăm vợ chồng bà Kéo.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là khuôn mặt khắc khổ và cái lỗ sâu hoắm ở cổ đủ nói lên những vất vả, khó khăn trong cuộc đời ông Cho. Còn bà Kéo, do di chứng tai biến mạch máu não, nên gần bốn tháng nay phải nằm liệt giường, mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào sự chăm sóc của người chồng già yếu.
Ông Cho đang chăm sóc bà Kéo tại bệnh viện |
Năm 25 tuổi, ông may mắn lấy được bà Kéo ở cùng xã làm vợ. Tưởng chừng như hạnh phúc mỉm cười với gia đình khi bà Kéo mang thai đứa con đầu lòng, nhưng trớ trêu thay, khi gần đến ngày sinh nở thì bà Kéo bị sảy thai, cũng từ đó bà không còn khả năng làm mẹ nữa.
Do sức khỏe của ông Cho ốm yếu, lại bị bệnh tật đeo bám nên gần như mọi công việc đồng áng nặng nhọc đều do bà Kéo gánh vác hết. Quy luật tuổi tác chẳng chừa một ai, tuổi càng cao, bệnh tật càng nhiều nên ông bà phải co cụm trong căn nhà cấp 4 dột nát. Mấy chục năm cật lực với vài sào ruộng khoán, ông Cho, bà Kéo cũng chỉ đủ nuôi cơm thuốc khiến cuộc sống vô cùng khó khăn.
Côi cút chăm vợ bệnh tật
Tai họa giáng xuống gia đình ông bà khi bà Kéo bỗng nhiên phát bệnh tai biến. Sau hơn 1 tháng điều trị ở bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, mặc dù bệnh tình của bà Kéo chưa hết nhưng trong nhà chẳng còn lấy một cắc bạc nên ông Cho đành ngậm ngùi đưa vợ về nhà tự chăm sóc.
Thế nhưng, về nhà được vài ngày, do không có tiền để thuốc thang thường xuyên lại cũng chẳng có tiền để mua nổi chút thịt cá để "tẩm bổ" nên sức khỏe của bà Kéo ngày càng suy kiệt. Đến cuối tháng 10, ông Cho lại phải chạy vạy vay mượn bà con lối xóm được năm trăm ngàn để đưa vợ đi chữa trị.
“Giá như vợ chồng tui sinh được đứa con thì giờ đâu có ra nông nỗi này. Nhiều lúc nhìn hàng xóm con đàn cháu đống, quây quần hạnh phúc mà hai vợ chồng lại ôm nhau khóc…”, ông Cho ngậm ngùi.
Được biết, hiện nay cuộc sống của hai con người khốn khổ này chỉ phụ thuộc vào số tiền trợ cấp 180 ngàn đồng/tháng và sự chia sẻ, giúp đỡ của hàng xóm láng giềng là chính. Nhưng sự giúp đỡ đó cũng chẳng thể đủ cho đôi vợ chồng già bệnh tật sống nốt những ngày cuối đời…
Khi chúng tôi ra về, bà Kéo cố gắng gượng người, lấy hết chút sức lực yếu ớt của mình để cố nói điều gì đó. Nhưng bà cứ ú ớ mãi cũng không thành lời, mà sau đó phải nhờ đến sự "phiên dịch" của ông Cho thì chúng tôi mới hiểu được: “Tôi bị liệt thế này, thấy mình làm khổ ông ấy quá, nhiều lúc cũng nghĩ quẩn lắm. Nhưng để ông ấy lại một mình lại không đành, vì vậy mà phải gắng sống tiếp thôi”.
Hà Nam
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: 1, Gửi trực tiếp: ông Phan Cho (SN 1932), trú thôn 2, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. 2. Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ gia đình ông Phan Cho ở Quảng Nam) - Qua TK ngân hàng Vietcombank: Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội - Chuyển khoản từ nước ngoài: - Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER - The currency of bank account: 0011002643148 -Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM -Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam -SWIFT code: BFTVVNVX - Qua TK ngân hàng Viettinbank: Chuyển khoản: Báo VietNamnet Số tài khoản: 1020.1000.158.2330 Ngân hàng Vietinbank Hoàn Kiếm, Hà Nội - Chuyển tiền từ nước ngoài: Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Hoan Kiem Brand - Address:37 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội - Swift code:ICBVVNVX122 3.Hoặc trực tiếp báo VietNamNet: - Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội - Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881 Email: banbandoc@vietnamnet.vn |