Chuyện lấy vợ "bé" ở làng Quyết, xã Giao Tiến (Giao Thủy, Nam Định) không phải là hiếm. Nhưng chuyện cùng một gia đình có tới 3 người đàn ông đi lấy vợ hai thì người dân nơi đây vẫn còn thấy lạ.

Tin liên quan



Đằng đẵng chờ chồng

Ngôi nhà của chị Vũ Thị Tuyết (51 tuổi) nằm sát mép bờ sông thuộc đội 7, thôn Quyết Thắng. Chị Tuyết là 1 trong 3 người con dâu trong một gia đình "phải làm đàn ông" vì các ông chồng đi với người phụ nữ khác.

Vừa rót nước mời khách, chị Tuyết vừa kể về cuộc đời mình. Chị bảo, anh chị lấy nhau từ năm 1981. Cưới xong, anh lên Sơn La làm ăn. Những ngày đầu, mỗi năm anh về thăm chị một lần. Bởi vậy nên tận năm 1990 chị mới sinh cháu Cao Thị Tươi.
Chị Tuyết (bên trái) và chị Là - 2 trong số 3 chị em dâu bị chồng bỏ rơi.

Chồng chị đi biệt tăm. Số tiền gửi về chăm sóc bố mẹ già cũng thưa dần. Hỏi chồng, chị chỉ nhận được câu trả lời "do bận làm ăn nên không về được". Chỉ đến khi người làng cùng làm ăn trên đấy về bảo chị mới biết chồng chị đã lập "phòng nhì" trên đó theo bước các anh trai. Hết lần này đến lần khác chị gọi điện bảo chồng về, anh về thật nhưng về lại tuyên bố đã lấy vợ trên đấy.

Nghĩ về những năm tháng nuôi con một mình, chị bảo: Ngày mang thai cháu thứ hai là những tháng ngày rất khổ sở, chồng đi biền biệt, mình thì mang bụng vượt mặt vẫn phải lo cho đứa con lớn. Sinh con được vài ngày đã phải gửi con để đi chợ mưu sinh. "Nghĩ uất lắm, vừa thương con nhỏ vừa tủi cho phận mình", chị Tuyết nói.

Với đôi bàn tay thô cứng như đàn ông, chị vừa làm cha, vừa làm mẹ chăm sóc các con. Ngoài 6 sào ruộng, chị còn đi chợ, tranh thủ kiếm thêm bằng những luống rau ở vườn sau nhà. Không thiếu việc gì chị không làm. Lúc mùa vụ nông nhàn thì đi chợ đồng nát, đến mùa hoa hòe thì đi chợ mua hòe, đến mùa sắn thì đi làm bột sắn. Nhờ đó, không chỉ nuôi được con ăn học, chị còn tằn tiện sửa chữa nhà cửa ngày một khang trang.

"Chồng đi biền biệt hơn 20 năm nay, có về thì cũng chỉ qua nhà dăm ba ngày lại đi như nhà trọ. Về không giúp được gì lại rượu chè làm khổ mấy mẹ con. Hết tiền lên vợ bé, ông ấy lại quấy nhiễu đánh đập vợ con đòi đưa tiền đi", chị Tuyết than thở.
"Lần đầu tiên em biết đến mặt bố là khi học lớp 1, bố về quê có qua thăm nhà. Khi ấy, em không biết đó là bố mà chỉ ngạc nghiên khi có một người đàn ông đến ở trong nhà mình. Em nhất định không chịu gọi là bố. Bố em tức lắm và mắng em sao tao là bố mày mà mày không gọi bố?",  Hoa buồn bã kể.

Người cùng cảnh ngộ


Chúng tôi đang nói chuyện với chị Tuyết thì một người phụ nữ bước vào. Chưa kịp hỏi, chị Tuyết liền giới thiệu: Đây là chị Vũ Thị Là (60 tuổi) - chị dâu thứ hai. Chị ấy cũng hoàn cảnh như tôi. Nhà chồng có 4 anh em trai, chỉ có anh cả lấy vợ ở quê là không tìm vợ bé. Còn 3 anh em trai đi làm mộc trên Sơn La đều có vợ bé cả. Nhiều lúc ngồi nói chuyện với nhau mà chị em ứa nước mắt vì tủi phận".

Cô con gái lớn của chị Là năm nay 36 tuổi cũng là 36 năm chồng chị tay ấp má kề với người đàn bà khác. Sau khi sinh đứa đầu lòng, chồng đi biệt tăm, nhưng mỗi lần chồng hiếm hoi về thăm nhà, chị lại mang bầu. Cao Thị Yến (sinh năm 1979), rồi Cao Thị Nhung (1988), Cao Thị Dinh (1992) lần lượt ra đời.

Mẹ nghèo nên các con đều nghỉ học sớm. Đứa học cao nhất cũng chỉ lớp 9. Chị Là nói: "Làng xóm dị nghị vì gia đình có tới 3 người đàn ông đi lấy vợ bé, bỏ vợ cả một mình nuôi con ở quê, chúng tôi cũng buồn lắm. Nhiều người trong làng đi còn nhớ vợ con, nhưng 3 anh em chồng nhà này đi là quên hết vợ con, phó mặc chuyện gia đình cho mấy người phụ nữ. Cũng may gần đây ông nhà tôi thay đổi, lo toan cho gia đình những công việc lớn. Thỉnh thoảng còn gửi tiền biếu bà và gửi cho vợ con. Còn chồng cô Tuyết với chú Qua (anh thứ 3) thì mặc vợ con ở nhà làm gì thì làm, coi như không có họ trên đời".
 
Dị bản "Chiếc lược ngà"

Thiếu vắng bóng chồng, khi con hỏi bố, các chị chỉ biết gượng cười cho đỡ rơi nước mắt. Chị Tuyết kể: Nhiều khi các cháu hỏi bố đâu, tôi chỉ biết nói là đi làm ăn xa, vài bữa sẽ về. Ba tháng tuổi, cháu Hoa (con thứ 2) đã phải gửi trẻ, đến khi đi học cũng chưa một lần được bàn tay bố bế ẵm, không một lần được bố chở đi học hay mua cho cái kẹo".

Nói rồi chị Tuyết khóc. Chị thương đứa con dại không được bàn tay chăm sóc của người bố, thậm chí khuôn mặt bố thế nào giờ cũng đã phai nhạt. Chị bảo chuyện của chị như "dị bản" của truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhưng lại ở một khía cạnh thiếu nhân văn: Ông ấy đi biền biệt, năm 1991 về thăm nhà thì tôi có mang bé Hoa. Khi mang thai cháu, ông ấy cũng không về, một mình bụng mang dạ chửa vừa lo cho đứa lớn đi học vừa tất bật mưu sinh. Đến khi cháu vào lớp 1 mới về thì con nhất định không chịu theo bố vì lạ. Cả nhà bảo cháu chào bố, cháu nó cứ lắc đầu nguầy nguậy.

 Đêm đến, thấy bố nằm cạnh, cháu nó khóc thét lên rồi đuổi bố xuống đất. Mấy ngày sau, nhờ các bác hàng xóm và ông bà "phân tích" đấy chính là bố thì cháu mới chịu gọi. Nhưng Hoa chưa kịp quen hơi bố thì bố tiếp tục đi từ đấy đến giờ.

Tiếng là có bố nhưng hơn ai hết chị em Hoa hiểu được rằng, bố không hề có trách nhiệm gì với các con. Hoa bảo: Bố làm thợ mộc ở Sơn La, lâu lắm rồi không về. Ít khi gia đình em có giây phút quây quần bên nhau. Bố đi biền biệt, mẹ lo kiếm tiền nên cũng vắng nhà liên miên.

Thương mẹ, hai chị em Hoa rất ngoan. Chẳng bao giờ hai chị em vòi vĩnh mẹ mua cho thứ này thứ khác. Mỗi khi thấy bạn khoe những món đồ chơi đẹp hay những bộ quần áo mới được bố mua là cô bé lại phải quay đi che giấu những giọt nước mắt chực trào nơi khóe mắt.

"Thiệt thòi nhất là Tết đến chị ạ. Nhà em không có con trai nên sáng mồng một Tết không được đi chúc Tết. Ở quê, mọi người quan niệm ngày đầu năm con gái đến xông nhà sớm thì năm đó làm ăn đen đủi. Vì thế, dù đã được diện những bộ đồ mới nhưng mấy chị em cũng không được ra ngoài. Mẹ con chỉ biết quanh quẩn ở nhà nhìn người ta đi lại cười nói vui vẻ mà tủi thân. Những lúc như thế, em chỉ nghĩ giá nhà mà có bố thì tốt biết bao", Hoa sụt sùi nói.

Giờ các con chị Tuyết đã lớn và rất thương mẹ. Con gái lớn hiện học trường Cao đẳng Công Nghiệp ở Nam Định, em thứ hai đang học lớp 12.

  • Theo Gia đình & Xã hội