- Tôi có hùn vốn với bạn để mở cửa hàng bán điện thoại, số tiền là 200 triệu đồng. Thế nhưng cách đây hai tháng, bạn tôi bị công an biên giới bắt giữ vì lí do buôn bán ma túy nhét trong điện thoại (khoảng 10gr). Xin hỏi luật sư tôi chỉ hùn vốn như thế thì có trách nhiệm gì trong chuyện này không? Quyền lợi của tôi sẽ bị ảnh hưởng thế nào? Nếu bạn tôi bị ngồi tù thì tôi phải làm thế nào để đòi được tiền của mình? Cảm ơn luật sư.

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
Tôi chỉ hùn vốn với người buôn ma túy thì có được coi là đồng phạm không? (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, Điều 20 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về đồng phạm như sau:

“1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.”

Như vậy, theo quy định này, nếu như trong trường hợp cơ quan điều tra xác minh bạn không có các dấu hiệu của đồng phạm như trên mà chỉ góp vốn kinh doanh thì bạn không phải chịu trách nhiệm với việc bạn của bạn buôn ma túy.

Thứ hai, Điều 66 Nghị định 78/2014/NĐ- CP về đăng kí kinh doanh quy định về hộ kinh doanh cá thể như sau: “1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.”  Theo quy định trên thì việc hùn vốn mở cửa hàng phải đăng ký thành lập dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể, khi đó, các tranh chấp về tài sản của bạn trong trường hợp này sẽ được giải quyết theo quy định về hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 điều 69 Nghị định 78/2014/NĐ- CP về đăng kí kinh doanh Thì việc tranh chấp giữa các cá nhân trong hộ kinh doanh với nhau không được giải quyết bởi cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện: “Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện không giải quyết tranh chấp giữa các cá nhân trong hộ kinh doanh với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác.”

Như vậy, ở trường hợp này, nếu bạn có văn bản, hợp đồng chứng minh về việc góp vốn trên thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc