- Nhắc đến chị Tâm, người trong làng không ai là không biết đến câu chuyện tình yêu đầy trắc trở của chị và anh Đức – người đàn ông đã cùng chị trải qua bao khó khăn để bây giờ anh chị đã là vợ chồng.

Tin bài khác:
Người xấu xí lấy chồng đẹp trai
Mối tình cay đắng của chàng kiến trúc sư áo sọc

Quyết tâm phục thiện để báo đáp ân tình người vợ trẻ

Người đàn ông “bất lực” lấy vợ bằng thơ


Éo le số phận người con gái tật nguyền

Chị Nguyễn Thị Tâm, sinh năm 1983, tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, chị là con út trong gia đình có hai chị em gái đều thuộc diện xinh đẹp cả. Năm chị 3 tuổi, một lần bị sốt co giật, gia đình chữa trị không đúng cách, kết quả là tay trái của chị bị co quắp, không còn khả năng duỗi thẳng được nữa.

“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” - cái tay dị tật ấy đã khiến chị vô cùng khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Chị phải học làm mọi việc để thích nghi với cái tay không được may mắn của mình. Khi chúng bạn đứa nào cũng đều biết đi xe đạp thì chị mới bắt đầu học những động tác đầu tiên để phục vụ việc đi lại cho dễ dàng. Nhớ về quá khứ chị bùi ngùi chia sẻ: “Thời gian đầu học làm quen với công việc khổ và nản lắm. Làm cái gì cũng hỏng thôi. Bố mẹ thì không sao, nhưng ông bà khó tính nên thấy tủi thân”. Chị cười ngượng ngùng và chia sẻ tiếp: “Tớ có thể rửa rau nhưng không thể tự thái rau, có thể rửa bát nhưng lại không bê được mâm bát…Làm việc gì cũng đều rất vất vả và chậm chạp, người ngoài nhìn vào thường thấy rất “ngứa mắt” vì điều ấy.

Trước đây, mọi công việc nhà của chị Tâm đều nhận được giúp đỡ của người chị gái, hai chị em gái mọi buồn vui đều tâm sự và chia sẻ cùng nhau. Thế nhưng căn bệnh ung thư ác tính đã cướp đi tính mạng của chị. Chị Tâm buồn bã chia sẻ: “Sự ra đi của chị ấy thật sự là nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn. Có chị cùng làm, cùng tâm sự, từ ngày chị mất đi tôi luôn thui thủi một mình. Nhiều lúc nhớ chị quá nhưng chỉ khóc thầm thôi, sợ bố mẹ lại buồn”.

Chị luôn thấy mặc cảm về bản thân mình, vì vậy với chị Tâm, niềm hy vọng có một tình yêu chỉ là niềm mơ ước xa vời và đầy những lo toan, mặc cảm: “Nhiều đứa bằng tuổi mình nó đã chồng con, nhà cửa đoàng hoàng, mình thì thui thủi một mình thế này”.

Ảnh cưới của anh Đức - chị Tâm
Nhưng số phận đã không quá bất công với chị. Chị đã quen anh trong thời gian ở nhà chờ kết quả thi lớp học nghề Tin trên thị trấn. Anh là Nguyễn Minh Đức, sinh năm 1980, tình cờ nối tiếp tình cờ và hai anh chị đã yêu nhau lúc nào không hay.

Nhắc đến anh, chị Tâm hào hứng kể lại: “Khó tin là anh ấy yêu mình thật lòng vì hoàn cảnh mình như vậy. Nhưng thời gian đã cho thấy tình yêu ấy là có thật. Ngày ấy không có điện thoại, không xe máy, thế mà ngày nào anh ấy cũng đạp xe gần chục cây số sang nhà mình chơi. Hôm mát trời thì không sao, gặp hôm mưa thì khổ lắm”. Kể đến đây, tôi nhận rõ niềm hạnh phúc hiện lên khuôn mặt chị. Sau này để tiện liên lạc với nhau hơn, không muốn anh luôn phải gọi điện về máy cố định của gia đình nên mình đã đập hai con lợn đất lấy tiền mua điện thoại để tiện liên lạc với anh - chị Tâm hồn nhiên kể lại.

Tình yêu nảy nở từ sự tự nguyện của chị Tâm và anh Đức, nhưng không được gia đình anh Đức đồng ý bởi lý do: “Chân tay như thế lấy về thì làm ăn được gì, lại hầu nó. Mà chắc gì nó ở với thằng này, nó kiếm đứa con rồi bỏ về thì sao”. Trước sự phản đối gay gắt từ gia đình anh, gia đình chị cũng rất lo lắng và rối bời, mẹ chị Tâm kể lại: “Ngày ấy không biết chúng có cưới nhau không nữa, cứ dùng dằng mãi mà không biết giải quyết thế nào, tôi đành khuyên cháu Đức nếu bố mẹ bên đó không thông cảm cho thì cũng đành chịu vậy”. Anh Đức trả lời không một chút băn khoăn: “Cháu đã xác định đến với Tâm thì dù thế nào cháu cũng lấy cô ấy”.

Về phần anh Đức, cha mẹ phản đối kịch liệt, họ nói sẽ không coi anh là con nếu như anh quyết tâm lấy chị. Thế nhưng anh Đức vẫn kiên quyết giữ lập trường bảo vệ tình yêu và người con gái của mình: “Cái Tâm nó không làm được thì con làm thay nó, nó không biết chỗ nào thì con dạy nó. Cha mẹ đừng lo” - anh Đức thẳng thừng tuyên bố với cha mẹ mình.

Ngày làm lễ ăn hỏi, cha mẹ anh không đến, chỉ có các bác và các chú đến đại diện. Chị tủi thân: “Buồn lắm nhưng thôi biết thân, biết phận mình thế này nên cũng không đòi hỏi gì”.

Ngày cưới, anh chị phải tự trang trải hết, cộng thêm phần nào giúp đỡ từ cha mẹ chị nên đám cưới cũng không quá tồi tàn. “Lúc đi đăng ký, bạn của anh thương tình nên cho hai vợ chồng mượn chiếc xe máy. Hôm cưới, xe đưa dâu còn phải mượn một người anh họ bên gia đình anh ấy”.

Cơ cực cuộc sống sau hôn nhân.


Ngày về nhà chồng, chị Tâm cay đắng kể lại: “Một lần do sơ suất, cũng một phần do trời mưa nên mình đã đánh đổ hết cái mâm bát đang cầm trên tay. Sợ hãi vô cùng, mình vội vàng xin lỗi. Bố chồng thì cho qua, nhưng mẹ chồng thì không để yên, bà vùng vằng, bóng gió. Hôm ấy bà không ăn cơm, đến lúc rửa bát bà ra và nói rằng “cứ để tao rửa cho”. Những lúc ấy anh luôn động viên chị rất nhiều: “Trước mẹ chồng, tôi biết anh luôn muốn bảo vệ tôi”.

Mẹ con chị Tâm và bé Hoàng Anh
Bé Hoàng Anh ra đời là kết quả giữa tình yêu chân thành của anh chị: “Ngày mới có bầu, anh ấy đích thân đi chợ mua trứng ngỗng cho vợ ăn nữa đấy” – chị Tâm tự hào bộc bạch.

Ngày sinh bé, anh Đức bỏ công, bỏ việc về nhà tìm mẹ lên chăm sóc con dâu thì bà quả quyết “Con tao, tao còn chả thiết chứ nói gì là cháu”. Bỏ mặc đứa cháu nội rất cần sự chăm sóc, mẹ chồng chị lặn lội đi bộ gần chục cây số đến chăm con cho đứa con gái ruột của mình.

Nỗi tủi hờn đè nén lên suy nghĩ của người đàn bà tật nguyền không nhận được sự đồng cảm. Đôi mắt đỏ hoe chị tâm sự: “Nhiều đêm nghĩ mà tủi thân, cháu ốm đau chả bao giờ bà nội chăm sóc, chỉ có bà ngoại và chồng”.

Hạnh phúc mỉm cười với chị.

Bé Hoàng Anh nay đã được 3 tuổi. Gia đình chị đã chuyển hẳn ra ở riêng, thuê cửa hàng để chị ở nhà buôn bán. Anh Đức đi chạy Gas để được gần vợ, gần con và cái chính là để giúp đỡ chị những công việc cần thiết. Chị cho biết: “Hằng ngày qua sông lấy rau về nhà bán. Sáng sớm anh Đức dọn hàng cho tôi rồi đi làm, tối đến anh lại thu dọn giúp tôi”. Chị nói thêm: “Cháu Hoàng Anh chúng tôi gửi bên ngoại để tiện cho cháu đi học và có người chăm sóc, cháu cũng rất quý ông bà nội. Mỗi lần cháu muốn vào nội chơi vợ chồng tôi đều đưa cháu vào, nó còn bé nên cũng không hiểu chuyện người lớn”.

Những lúc nghĩ cực cho số phận, anh thường động viên chị “đã có anh làm, anh nuôi vợ con anh, em đừng buồn nhiều nhé”. Những lời động viên hài hước của anh Đức, chị Tâm không bao giờ quên, chị nhớ lại: “Anh hay nói rằng em mà lành lạnh như người ta thì em chắc chẳng chịu lấy anh đâu”.

Với chị yêu và lấy anh là một niềm hạnh phúc lớn mà cuộc đời đã ban tặng cho chị. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng với chị, anh Đức và con là niềm động lực lớn giúp chị vượt qua những khó khăn, cơ cực trong cuộc sống. “Hai vợ chồng tôi mãi mãi là niềm tự hào của nhau” – chị mỉm cười trong niềm hạnh phúc.

Nguyễn Yến