- Giấy khai sinh được coi là chứng thư hộ tịch gốc, nên sau khi thay đổi, cải chính họ, tên, tên lót thì đương nhiên có quyền cải chính tất cả các giấy tờ liên quan đã có trong suốt thời gian trước đây của bạn.

Tin bài khác:





Tôi hiện là sinh viên năm thứ 5 Đại học Kiến trúc, vì một số lý do tôi muốn thay đổi tên lót của mình. Luật sư cho tôi hỏi nếu tôi đổi tên lót của mình thì các bằng cấp 3 và bằng đại học (sắp ra trường) và một số giấy tờ khác của tôi có thay đổi theo tên mới của tôi được không?

Tôi cần làm những giấy tờ gì? (Câu hỏi của Bạn đọc Lê Văn Nam).

Luật sư tư vấn:

Việc thay đổi họ, tên được pháp luật cho phép (được coi là thủ tục cải chính Hộ tịch). Trình tự, thủ tục được quy định cụ thể tại nghị định số: 158/2005/NĐ – CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ. Thẩm quyền và thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch được quy định tại Điều 37; 38 đó là:

“Người yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch...phải nộp tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch... và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch...”

“ Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu việc thay đổi, cải chính hộ tịch... có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì cán bộ tư pháp hộ tịch hoặc cán bộ tư pháp của phòng tư pháp ghi vào sổ đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch và quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch...Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày”

“ Ủy ban nhân dân cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây, có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên...”

Giấy khai sinh được coi là chứng thư hộ tịch gốc, nên sau khi thay đổi, cải chính họ, tên, tên lót thì đương nhiên có quyền cải chính tất cả các giấy tờ liên quan đã có trong suốt thời gian trước đây của bạn.

Như vậy bạn hoàn toàn có quyền thay đổi tên, họ nếu muốn. Đối với các văn bằng và các chứng thư pháp lý khác thì sau khi có quyết định thay đổi tên, họ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND cấp huyện tại địa hạt mà bạn đã đăng ký khai sinh), bạn phải mang theo văn bản này cùng CMND, Hộ khẩu… đến các cơ quan đang trực tiếp quản lý hồ sơ của bạn để đề nghị cải chính hố sơ theo họ, tên mới.

Tuy việc thay đổi này là quyền hợp pháp của bạn, nhưng do bạn đã là người trưởng thành nên sẽ có rất nhiều các giấy tờ, chứng thư pháp lý liên quan đến nhân thân của bạn. Do vậy để cải chính  tất cả các giấy tờ này sẽ mất rất nhiều thời gian và khó tránh khỏi những phiền phức phát sinh. Đối với văn bằng chưa cấp thì bạn phải bổ xung văn bản thay đổi này ngay vào hồ sơ gốc để được cấp bằng với tên mới. Tốt nhất thì bạn nên đến trực tiếp các cơ quan đang quản lý hồ sơ của bạn để được hướng dẫn cụ thể.

Tư vấn bởi luật sư Nguyễn Văn Sơn, ĐT: 0912171776– VPLS Bùi Đình Ứng – Đoàn LS Tp Hà Nội

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc, tranh luận về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).