- Khi mở nắp nồi cơm… chỉ có một quả trứng - đó là quả trứng dành riêng bồi bổ cho người mẹ già đang đau yếu.

TIN BÀI KHÁC:
Chính @ đi học…
Đau lòng con điên dại vác thùng đánh bố

Bà 70 nuôi con tâm thần, cháu học đại học

Xót lòng thiếu phụ nuôi 3 con bệnh hiểm nghèo


Chúng tôi được dịp đến thăm 2 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thôn Kim Ngọc 3, xã Liên Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, đó là gia đình chị Khúc Thị Hoàn và chị Khúc Thị Phương.

Kiếp “Con què”

Chị Hoàn với đôi chân tật nguyền từ nhỏ
Chị Hoàn là con cả trong gia đình có hai chị em. Khi mới sinh đôi chân chị đã mang dị tật, không đi lại được bình thường như bao người khác. Không làm được việc nặng nhọc bởi đôi chân không cho phép chị di chuyển : “Muốn đỡ đần bố mẹ công việc nhà nhưng cũng chỉ biết ngồi đấy, nhà cấy gặt mà chẳng làm được gì. Những lúc ấy thấy mình thật vô dụng, lòng buồn lắm”- chị Hoàn chia sẻ.

Sống gần nửa cuộc đời, chị Hoàn cũng quen dần với việc cắm cơm và đun bếp. Chị thường làm những việc vặt xung quanh ngôi nhà, nơi nào mà chị có thể vịn vào lê đôi chân tật nguyền để khỏi ngã. Những bước đi đầy vất vả và khó nhọc của chị khiến ta thấy mình may mắn biết nhường nào…

Đôi chân ấy  làm chị bao phen vất vả, lúc ngã ở bậc thềm, lúc ngoài sân, khi thì ở ngay trong nhà: “Tôi ngã thường xuyên, tay yếu vịn không chắc nên ngã. Có khi vịn chắc rồi nhưng cái để mình vịn vào không chắc nên cũng ngã. Lúc ấy phải tự học cách đứng lên thôi”_ chị Hoàn ngượng ngùng kể.

“Ăn bám” – đó là suy nghĩ luôn thường trực trong đầu mà ngay bản thân chị cũng không muốn nghĩ đến: “Ngày trước, tủi thân quá  thường hay trách bố mẹ sao lại đẻ mình ra, sao lại để mình sống dặt dẹo đến bây giờ._ đôi mắt chị đỏ hoe, đôi bàn tay xiết vào nhau thật chặt.

Đôi khi mềm yếu chị Hoàn từng nghĩ đến cái chết, chị cho đó là cách giải thoát tốt nhất cho bản thân và gia đình, nhưng sự yếu đuối ấy đã dần phai nhạt khi trong chị khát khao sống còn mạnh mẽ hơn nhiều. Chị cần phải sống, phải sống để làm chỗ dựa cho cha mẹ già bởi đó không đơn thuần là tình thương mà còn là trách nhiệm: “Buồn lắm, tuyệt vọng lắm cũng phải chịu. Nếu không có tôi chăm sóc thì không biết mẹ sẽ thế nào. Dạo gần đây, bà bị ốm nặng, lúc không tỉnh táo thường mắng và gọi tôi là “con què”. Chỉ biết khóc vì tủi thân, không trách giận vì bà cũng khổ tâm nhiều”_những giọt nước mắt đã lăn dài trên má.

Hỏi về ước mơ nhỏ bé, chị buồn tâm sự: “Tôi không khao khát sẽ có được một gia đình vì cái chân tật nguyền của mình. Cũng biết là chả bao giờ được như thế nên không dám mơ”_chị cười mà như khóc.

“Con què” chăm mẹ liệt giường

Mẹ ốm liệt giường, một mình chị Hoàn chăm sóc
“Bà ấy ốm liệt giường gần 5 năm nay. Ông mới mất hồi tháng 4 vừa rồi, cũng chỉ vì nhổ cái răng đau, ảnh hưởng dây thần kinh thế là chết đấy. Khổ cảnh con què chăm sóc bố mẹ ốm yếu. Ngày ông chưa mất, bữa nào nó cũng cho hết ông ăn lại đến bà ăn”_người hàng xóm gần nhà chị Hoàn chia sẻ.

Bố chị Hoàn, ông Khúc Tiến Phàm là bộ đội tham gia chiến đấu, từng phải chịu những tháng ngày khổ cực trong lao tù dưới sự tra tấn của thực dân. Hai người em trai của ông Phàm đều là liệt sỹ. Tuy nhiên, sức khỏe ốm yếu cùng việc phải nhổ chiếc răng đau đã khiến ông Phàm mãi mãi rời xa cuộc đời, để lại người vợ ốm liệt giường và đứa con gái tật nguyền, cả 2 đều cần được chăm sóc.

Bà Nguyễn Thị Ráy (sinh năm 1932) là mẹ chị Hoàn, bệnh tật làm cơ thể bà suy nhược nặng. Hiện tại chân tay bà không thể cử động, toàn thân cứng đơ như khúc gỗ. Mọi sinh hoạt đều do chị Hoàn đảm đương. Con trai, con dâu có giúp đỡ cũng chỉ được phần nào.

Không thể đi lại, việc vệ sinh của bà Ráy đều được “tiến hành” trên giường, do đích thân đứa “con què” phục vụ. Lạch giường và chiếu được khoét lỗ để phục vụ việc bà đi vệ sinh, chị Hoàn sẽ chịu trách nhiệm khâu dọn dẹp cái chậu do đặt phía dưới: “Khổ lắm cô ạ, chân tay mình thì chậm chạp đôi lúc lúc cũng thấy cực. Nhiều khi chưa kịp vào cụ đã đi xong rồi. Lại được phen vất vả”_ Chị Hoàn chia sẻ.

Thi thoảng chị đỡ mẹ dậy cho người đỡ mỏi
“Đêm nào cũng trên dưới 10 lần gọi tôi vào, có khi là nhấc bà ngồi dậy vì đau người không ngủ được, có khi lê lết vào đến nơi rồi lại chả để làm gì, nhìn bà chút rồi quay ra. Quen rồi nên chẳng bao giờ tôi ngủ say đến độ bà gọi không biết”_ chị Hoàn cho biết thêm.

Thân già nằm co ro trong căn phòng tối tăm, ẩm thấp bà Ráy thì thào nói không nên lời: “Tôi già rồi nên chẳng mong chữa khỏi bệnh, sắp chết rồi cô ạ. Có chăng chỉ mong khỏe lại lên thăm đứa chắt nội mới sinh. Tôi cũng muốn được đi lại như cô”_ bà mếu máo tâm sự.
    
Hiện tại gia đình chị Hoàn sống nhờ vào số tiền trợ cấp người tàn tật và ít tiền thơm thảo của người thân và làng xóm giúp đỡ: “Ai cho đồng nào thì dành dụm mua thức ăn cho mẹ. Lúc mẹ còn thì bà con cho để thuốc thang, tẩm bổ cho mẹ, mẹ mà mất đi rồi thì ai cho nữa”_ chị Hoàn ngậm ngùi.

Ông Nguyễn Gia Nhoang, chủ tịch xã Liên Giang không khỏi xúc động cho biết: “Bố mẹ đau yếu, anh em cũng chẳng dư giả gì, bản thân lại tật nguyền, què quặt. Cô ấy cũng khổ lắm đấy. Bố mẹ bệnh tật, không có cô què ấy chăm sóc thì chắc còn khốn khổ hơn nhiều”.

Ước mơ nhỏ bé của chị Hoàn là được sửa lại cái mái nhà đã quá tồi tàn, cứ mưa xuống là sẽ dột đủ chỗ: “Mưa thấm dột làm tường nhà mốc meo, trông bẩn thỉu lắm, cậu em trai đã quét lại bằng vôi trắng nhìn sáng sủa hơn rồi. Còn cái mái thì chưa có tiền để sửa đành phải căng bạt tránh mưa dột nhà”.

Đã quá trưa, chị Hoàn cho biết “buổi sáng đã gửi hàng xóm mua hộ mớ rau muống và 2 quả trứng, mẹ một quả, con một quả”. Nhưng khi mở nắp nồi cơm… chỉ có một quả trứng - đó là quả trứng dành riêng bồi bổ cho người mẹ già đang đau yếu.

Nguyễn Yến

Phần II: Mời độc giả đón đọc bài viết “Đắng lòng bát cơm rắc muối”


Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Gửi trực tiếp đến gia đình
Chị Khúc Thị Hoàn, thôn Kim Ngọc 3, xã Liên Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình

2. Qua Báo VietNamnet (Ghi rõ ủng hộ chị Khúc Thị Hoàn)
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER

3. Bạn đọc giúp đỡ qua toà soạn xin liên hệ:

Phía Bắc: Ban Bạn đọc, báo VietNamNet, số 156 Xã Đàn II, Phường Nam Đồng - Quận Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại: 0923457788 - Fax: 04.39744882

Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3,TP.HCM.
Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn