Em trai tôi gửi tiền nhờ mua giúp căn nhà cho mẹ và các anh chị ở. Nhưng đến khi bố mẹ tôi qua đời, em trai tôi lại đòi lại, liệu tôi có thể nhờ pháp luật can thiệp để giữ lại căn nhà?

TIN BÀI KHÁC


Em trai tôi định cư ở Anh và có gửi tiền về nhờ mua 1 căn nhà, xây dựng lại cho cha mẹ và anh chị em tôi ở. Căn nhà đó do tôi - anh cả và là trưởng họ đứng tên. Khi đó, em trai tôi có hứa cho các anh chị em ở vĩnh viễn.

Nhưng khi bố mẹ tôi qua đời, em trai tôi lại đòi lại căn nhà. Hiện nay, chúng tôi đã già yếu, kinh tế khó khăn nên không thể tự túc được chỗ ở. Hiện giờ tôi vẫn đứng tên căn nhà. Tôi có quyền đứng ra bán nhà và trả lại số tiền mà em tôi đã gửi về mua và xây dựng, phần còn lại chúng tôi mua căn khác nhỏ hơn để ở hay không?

Nếu em tôi vẫn kiên quyết đòi lại toàn bộ căn nhà, tôi có thể nhờ pháp luật can thiệp và liệu chúng tôi có thể giữ lại căn nhà đang ở không?

Công Ty Luật Hà Nội VDT xin trả lời bạn như sau:


Xét về mặt pháp luật: khi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đứng tên anh thì anh có quyền sở hữu đối với căn nhà, pháp luật bảo hộ cho anh các quyền năng mà chủ sở hữu có không ai có quyền can thiệp vào việc thực hiện các quyền năng của anh trừ khi có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên đây là vấn đề tế nhị trong gia đình anh, nếu anh và em trai anh thỏa thuận được thì rất dễ dàng, khi đó anh có thể bán căn nhà như anh đang dự định.
(ảnh minh họa)
Nếu em trai anh vẫn kiên quyết đòi nhà thì em trai anh có quyền khởi kiện ra tòa án để chứng minh số tiền mua nhà là của em trai anh và em trai anh nhờ anh đứng tên mua hộ căn nhà. Chứng cứ em trai anh đưa ra được đến đâu thì tòa án giải quyết đến đấy.

Nếu em trai anh chứng minh được tiền mua nhà là của em trai anh, em trai anh đã nhờ anh đứng tên mua hộ căn nhà thì tòa án sẽ tuyên giao dịch giữa anh và em trai anh là vô hiệu. Trong trường hợp này nêu anh ấy thuộc diện Việt Kiều đủ điều kiện sở hữu nhà ở Việt Nam thì có thể tòa án sẽ tuyên cho em trai anh được sở hữu căn nhà ấy. Hoặc nếu em trai anh không đủ điều kiện để được sở hữu nhà theo pháp luật Việt Nam thì tòa án sẽ tiến hành định giá giá trị căn nhà, lúc đó nếu anh có nhu cầu sử hữu căn nhà đó, anh được công nhận quyền sở hữu, đồng thời anh tiến hành trả lại cho em trai anh số tiền mà em trai anh đã gửi cho anh mua căn nhà đó.

Phần giá trị chênh lệch hai bên chia nhau. Nếu em trai anh không đủ bằng chứng để chứng minh thì căn nhà ấy thuộc sở hữu của anh. Khả năng anh giữ được nhà hay không phụ thuộc vào việc em trai anh khởi kiện ra tòa án và phụ thuộc vào các bằng chứng chứng minh số tiền mua căn nhà đấy mà em trai anh đưa ra.

Tôi xin lưu ý lại là nếu em trai anh khởi kiện thì chứng cứ đến đâu tòa án giải quyết đến đấy và tùy tình huống cụ thể, tòa án sẽ áp dụng căn cứ pháp luật cụ thể để giải quyết. Còn em trai anh không khởi kiện thì đương nhiên quyền sở hữu căn nhà vẫn là của anh.

Chúc anh giải quyết được các rắc rối trong gia đình mình.

Chuyên viên tư vấn Nguyễn Thảo - Công ty Luật Hà Nội VDT - Tầng 4 tòa nhà HABUBANK 242H Minh Khai - Hai Bà Trưng - Hà Nội / Điện thoại: 04.39934068 - 0974223408.

Bạn đọc muốn gửi câu hỏi thắc mắc, tranh luận về các vấn đề pháp luật, xin gửi bài về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi liên hệ)