- “Các anh, các chị ấy thèm đá lắm, chỉ thích được ăn đá thôi nhưng bác sỹ dặn phải kiêng. Mẹ mình già rồi nên kiêng được chứ một số anh chị còn trẻ nếu thèm quá họ vẫn ăn, còn nói cứ ăn cho đã cơn thèm rồi đi hút sau vậy”.

TIN BÀI KHÁC:

Đến thăm những người luôn xem nhà trọ là ngôi nhà thứ 2 trong suốt những ngày tháng còn lại của cuộc đời dù họ muốn hay không ta mới hiểu thấu hết nỗi đau bệnh tật cũng như nỗi khổ cơm áo, gạo tiền và gánh nặng mưu sinh.

Ngách đi vào một phòng trọ chỉ rộng chừng 50cm, phải nghiêng người mới lọt qua
Họ là những bệnh nhân chạy thận thuê trọ trong ngõ 121, Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau trong cả nước, người già năm nay đã ngoài 70 tuổi, người trẻ cũng vừa tròn 18, 20 tuổi. Họ chạy thận ở nhiều bệnh viện khác nhau như: Bệnh viện Bưu Điện, bệnh viện Giao Thông Vận Tải, bệnh viện Khánh Lương, bệnh viện Bạch Mai, tuy nhiên có điều trị ở đâu đi nữa thì các bệnh nhân đều thuê trọ tại xóm chạy thận này bởi lẽ họ cùng chung cảnh ngộ giống nhau, hơn nữa họ có thể chia sẻ với nhau những kiến thức về thuốc và sức khỏe bởi những người chạy thận lâu năm ở đây họ đều rất có kinh nghiệm.

Những người độc thân đau ốm

Trong xóm chạy thận, người chạy lâu nhất cũng đến 18 năm đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Khai, 54 tuổi ở Sơn La, suốt quãng thời gian ấy đều tự chăm sóc bản thân vì cảnh neo người, nhà xa nên chỉ khi ốm yếu quá mới có người thân đến chăm sóc.

Nhiều hoàn cảnh khác họ sống độc thân, không con cái, không có người thân chăm sóc như trường hợp của chị Nguyễn Thị Ráy, 48 tuổi, quê Thái Bình đến đây gia nhập thành viên mới tại xóm chạy thận gần 10 năm nay. Bố nuôi đã mất, chị ở với người mẹ nuôi, đến nay người mẹ nuôi cũng bệnh tật, đau ốm liên miên. Chị phải sống cuộc sống mái ấm gia đình, không có chồng, hay những đứa con chăm sóc lúc ốm đau bệnh tật vì vậy chị phải tự thân bươn trải, lo toan cho cuộc sống của mình.

Bệnh nhân Đỗ Thị Hồng Duyên 28 tuổi ở Nam Định không chỉ tuần 3 lần chạy thận tại bệnh viện Bạch Mai mà còn phải điều trị thêm căn bệnh gút quái ác, cả hai đều kết hợp để tàn phá cơ thể yếu ớt của chị. Chị thuộc diện nạn nhân chất độc màu da cam, do sức khỏe quá yếu nên chị có mẹ luôn bên cạnh chăm sóc: “Mẹ chị ấy xin làm giúp việc trên này để tiện bề chăm sóc con hơn. Đến ca chạy thận bà ấy lại đến đưa con đi, ngồi chờ con rồi đưa con về” – bác Tấn, người được bà con trong xóm chạy thận tín nhiệm bầu làm “trưởng thôn” xóm chạy thận chia sẻ.
    
Cũng theo bác: Hiện nay trong xóm có hơn 150 trường hợp chạy thận nhân tạo, con số bệnh nhân chạy thận cứ ngày một nhích dần theo thời gian trong đó có khoảng 80% bệnh nhân bị chết vì huyết áp và 20% bệnh nhân chết vì các bệnh khác như đường ruột… Đa số bệnh nhân chạy thận đều phải tự thân vận động, nghĩa là tự đi làm thuê, làm mướn trang trải tiền sinh hoạt ăn uống và tiền thuốc thang, bảo hiểm.

Khổ trăm bề gánh nặng mưu sinh


Trong thời điểm giá cả thị trường đang leo thang như hiện nay cuộc sống của những bệnh nhân chạy thận vốn đã “rách” nay lại càng “nát” hơn. Hoặc nếu có khá giả thì sau một hai năm chữa trị cũng trở thành nghèo túng. Giá cả mỗi phòng trọ nơi đây thường có giá từ 1 triệu đến gần 2 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền nước, tiền điện cũng đều rất đắt đỏ so với họ - những bệnh nhân nghèo đến mức không thể nghèo hơn nữa.



Cảnh sống tồi tàn trong khu trọ
Phần lớn họ đều phải bươn trải, tự lực gánh sinh. Họ phải đổ đi làm rất nhiều những công việc khác nhau để có tiền bám trụ với số phận mong manh của mình. “1/3 số bệnh nhân làm nghề bán nước, nhặt phế liệu, chai lọ, rửa bát thuê ở chợ Đồng Tâm. Đàn ông, con trai thường làm nghề đánh giầy hay số bệnh nhân khác do sức khỏe yếu nên chọn nghề ăn xin” _ bác Tấn buồn bã chia sẻ. “Địa bàn hoạt động rộng rãi, tự do nhưng phải phù hợp với sức khỏe từng bệnh nhân. Người mới chạy thận thì có thể đi xa, người chạy lâu năm xương cốt đau yếu, sức khỏe giảm sút nên mức độ làm việc cũng vì thế mà yếu đi nhiều” – bác cho biết thêm.

Đau đớn không dừng lại ở bệnh tật, cuộc sống khắc nghiệt, mưu sinh tranh giành sự sống cũng đủ làm họ mệt mỏi. Chị Hoài (34 tuổi, Thanh Hóa) – bệnh nhân chạy thận hơn 5 năm nay chia sẻ: “Mới hôm qua chị vừa bị bảo vệ bệnh viện đập mất cái phích nước xong, thỉnh thoảng lại một lần như vậy. Họ không cho bán rong trong bệnh viện, nhưng nay nghỉ bán thì mai lấy tiền đâu mà ăn nên cứ gắng làm, hi vọng lần nào đó sẽ may mắn”. Thân hình gầy gò, ốm yếu sau 5 năm dài chạy thân, nếu không bán nước chị còn có thể làm được gì. Trường hợp chị Mừng cũng không ngoại lệ, khi không may bị phát hiện điều duy nhất chị làm được trong lúc nguy khốn ấy đó là câu nói “Mừng đây, thích bắt gì thì bắt” bởi lẽ sức khỏe chị quá yếu, muốn chạy cũng chẳng chạy nổi.

Chị Hoài với cuộc sống mưu sinh:"không bám vào cái tích nước thì chỉ có chết đói thôi"
Mỗi lần bị tịch thu đồ nghề các chị đều phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn mua lại đồ đạc nên chỉ cần nhìn thấy bóng dáng của mấy chú bảo vệ ắt hẳn tim phổi chân tay đều đều kết hợp rất rộn ràng: “Mỗi lần phải chạy như vậy là sợ đến rơi cả tim, chạy không biết hạt cơm đâu, may không mắc thêm bệnh tim nếu không chết từ lâu rồi” – nỗi sợ hãi dường như vẫn còn quẩn quanh trên khắp khuôn mặt hốc hác của chị. Với chị đau ốm là thế nhưng vẫn phải đi làm, làm khổ thế nhưng vẫn phải kiên cường bám trụ.

Tuổi tác không trẻ được như chị Hoài, bác Quế (Phú Minh, Phú Xuyên, Hà Nội) là bệnh nhân chạy thận 5 năm nay nhớ lại: “Dạo trước cũng đi nhặt chai lọ trong bệnh viện, một lần bị bảo vệ bắt gặp cấm không cho nhặt ở khu vực đó vậy mà mình còn đứng ngây ra hỏi “thế mấy chú mách giúp tôi nhặt ở đâu thì được?”, đợi mãi mà không thấy họ trả lời mới biết mình thật khờ khạo. Những lần sau nữa tôi không dám nhặt trong đó vì già rồi, họ có đuổi lại không chạy được nên chỉ nhặt ở ngoài thôi”.

Thời tiết cũng là vấn đề hết sức quan trọng bởi trời mưa đồng nghĩa với việc không thể đi làm và ngày mai thôi chúng ta sẽ ăn gì. “Ngày nắng trừ ngày mưa, chắt bóp chi tiêu ăn uống cũng tạm sống qua ngày. Có những hôm cũng chỉ ăn cơm với chút nước canh”- chị Hoài tâm sự.

Rót cốc nước bỏ mấy cục đá cho lạnh, bác Quế niềm nở mời chúng tôi uống nước, đột nhiên con gái bác lên tiếng: “Mẹ lại bỏ đá ra cho chị Hoài trông thấy chị ấy lại thèm bây giờ”. Thế mới biết họ còn rất thèm nước, thèm đá vì họ kiêng uống nhiều nước: “Các anh, các chị ấy thèm đá lắm, chỉ thích được ăn đá thôi nhưng bác sỹ dặn phải kiêng. Mẹ mình già rồi nên kiêng được chứ một số anh chị còn trẻ nếu thèm quá họ vẫn ăn, còn nói cứ ăn cho đã cơn thèm rồi đi hút sau vậy” – con gái bác Quế giải thích.

Vượt lên số phận

Căn bệnh ấy dường như chưa chào thua một ai dù nhìn họ có vạm vỡ cỡ nào, tuy nhiên sức mạnh tinh thần luôn là niềm động lực giúp vượt qua mọi nỗi đau bệnh tật: “Trường hợp anh Bùi Anh Quang (49 tuổi, Cao Bằng) chạy thận đã hơn 10 năm nay cộng thêm căn bệnh về xương đã yếu nay càng đau hơn, cơ thể anh teo ngắn từ 1m64 xuống còn tầm 1m3. Anh phải nằm liệt giường và đi lại bằng xe lăn” _ bác Tấn, người nắm rõ tình trạng bệnh nhân ở đây chia sẻ. Đau ốm là thế nhưng anh vẫn luôn kiên cường đấu tranh đến cùng với bệnh tật.

Hay như trường hợp chị Phương Nhung (29 tuổi, quê Nam Định), mắc bệnh từ năm 18 tuổi, đang độ xuân thì vậy mà căn bệnh đã làm mất đi bao nhiêu mơ ước rất đỗi bình dị trong cuộc đời của chị. Chạy thận hơn 10 năm qua nhưng nhìn chị vẫn rất trẻ như ngày đầu chưa mắc bệnh, quả thật bản thân chị là tấm gương đáng ngưỡng mộ vô cùng: “Đời người sống được bao lâu nữa mà không sống cho vui vẻ và thấy có ích. Phải luôn tìm cho mình niềm vui gì đó để chiến thắng cảm giác bệnh tật và đấu tranh với nó”. Niềm vui của chị là những dòng nhật ký, những mẩu truyện chị viết tuy đơn giản nhưng đầy ắp ý nghĩa chị muốn gửi vào trong đó, chia sẻ trên những diễn đàn, kết bạn hay chụp ảnh. Chị là con người mơ mộng và lãng mạn vô cùng và dường như chị đang thổi hồn vào cho chính cuộc sống hiện tại của mình.

Một số những người khác họ đều sống vì gia đình, vì con cái. Với họ thì gia đình là niềm động lực vô cùng quan trọng: “Bác may mắn vì con cái đều đã trưởng thành. Con trái lớn đã đi làm và có thể lo cho gia đình được rồi. Bác có người chồng luôn quan tâm và cô con gái luôn ở bên chăm sóc mỗi khi đến ca chạy thận” – bác Quế, một bệnh nhân chạy thân tại đây chia sẻ.

Những mảnh đời bất hạnh, họ đau đớn vì bệnh tật hành hạ, họ thèm khát những thứ tưởng chừng như bình dị nhất, họ cùng nhau chia sẻ buồn vui trong khu xóm chạy thận. Họ cùng nhau đi chùa, tụng kinh niệm phật cầu mong sự an lạc, bình yên. Họ nương tựa, giúp đỡ nhau dù chỉ là những lời động viên thăm hỏi. Và họ luôn cần lắm những sự quan tâm, giúp đỡ, tấm lòng hảo tâm để phần nào giúp họ bớt đi gánh nặng mưu sinh và thêm hi vọng tiếp tục đấu tranh với bệnh tật.

Nguyễn Yến