-  Bài “Khôi phục bất động sản (BĐS) để cứu ngân hàng” đã thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC

 

Không việc gì phải cứu

 

Email toan1507@gmail.com viết: “Thiết nghĩ không việc gì phải giải cứu BĐS hay ngân hàng làm gì, cứ để mọi thứ vận động theo cơ chế thị trường. Cứu BĐS hay ngân hàng là cứu người giầu, còn người nghèo khó tiếp cận mua nhà hơn vì lại đẩy giá BĐS lên cao.”

 

Giọng của email dotiencuong50@gmail.com thể hiện sự bức xúc: “Tại sao lại phải cứu ngân hàng? Chính phủ luôn nói nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì cứ để thị trường quyết định. Ngân hàng đầu tư cho vay bất động sản bất chấp quy luật tiền tệ, nay họ bí thậm chí không có khả năng thu hồi thì họ phải chịu.”

 

Ý kiến của email mothayem2001@yahoo.com cho rằng: “Thật là nguy hiểm nếu tăng cung tiền cho bất động sản bằng các khoản vay, dễ gây hậu quả là tầm này sang năm, núi nợ sẽ tăng lên gấp bội và không còn cách nào cứu chữa. Thị trường bất động sản nóng rực kéo dài và lạnh băng đều có phần của ý chí sai trong quản lý, nên cần nhận thức đúng quy luật thị trường để điều hành. Không ai lại gia tăng nợ khi nợ đang rủi ro, đó là cách làm phi kinh tế. Các nhà kinh tế hãy bỏ cách suy nghĩ cứu cái nọ, cứu cái kia đi, có ai sắp “chết” đâu mà cứu? Nói “cứu ngân hàng”, hóa ra ngân hàng sắp “chết” sao?”

(ảnh minh họa)

Đâu phải là ngân hàng sắp “chết”? Chỉ có các chủ  đầu cơ BĐS  và người môi giới sắp vỡ nợ thôi! Nhưng dù có vỡ nợ họ vẫn sống khỏe lắm. Đâu phải như đám công nhân vẫn đang sống mòn với đồng lương còm cõi. Thêm một lần nữa lại có lời kêu gọi dùng tiền thuế của dân để cứu giúp cho những kẻ giàu, những kẻ vẫn hàng ngày cưỡi xe hơi, ăn nhà hàng, ngủ khách sạn”, đó là ý kiến của email vinhphamq@gmail.com.

 

Email thanhoang68@vnn.vn  nhận định: “Những người có nhu cầu thật thì không có đủ tiền, các "nhà đầu tư" vốn đã cạn do bỏ tiền vào BĐS từ trước đó và quan trọng là trào lưu "mua là thắng" đã chấm dứt. Không ai cứu được. Nên chấp nhận phá sản để "tái cấu trúc"luôn một thể.”

 

Bạn Phạm Văn Lạng (email vanlangtb@yahoo.com.vn) cảnh báo: “Trong năm 2012, CPI mỗi tháng bình quân không được vượt quá 9 % : 12 tháng = 0,8 % thì mới tạm yên tâm. Còn nếu CPI cứ tăng như năm 2011, thì đừng có tung thêm tiền ra cứu bất động sản nữa,  khiến lạm phát lại tăng vèo vèo như thác đổ.”

 

Ý kiến của email huanhx@vnu.edu.vn như một lời khẳng định: “Nếu cứu được BĐS thì Thái Lan và Mỹ đã làm được rồi. Đây lại là một “chiêu” cứu các đại gia mà thôi. Khi mà mỗi người dân làm việc cả đời không đủ mua nhà ở thì không ai có thể cứu nổi BĐS với giá vẫn… trên trời như hiện nay.”

 

Cần giải pháp giúp người lao động có  nhà ở

 

Theo email dinhthuan9@yahoo.com thì: “Không nên bơm tiền vào thị trường BĐS. Thị trường BĐS hiện nay đang đi vào xu hướng ổn định, nếu tiếp tục duy trì chính sách như hiện nay thì vài năm nữa sẽ có nhiều người lao động mua được nhà ở. Vì vậy việc nên làm của các ngân hàng là: Liên hệ với các doanh nghiệp, đơn vị, công ty để có thể cho người lao động vay tiền mua đất, xây nhà.”

 

Đây là phân tích của email duongvandan1942@gmail.com: “Ngân hàng lấy tiền ngắn hạn huy động của dân để cho vay BĐS khiến giá BĐS lên quá cao. Hiện tính thanh khoản BĐS  là thấp do nhu cầu thật không có khả năng chi trả, còn nhu cầu ảo của các nhà đầu tư (đầu cơ) thì không có tiền và không có lãi nên  họ không đầu tư nữa. Bây giờ giá BĐS có xu hướng giảm một chút mà  lại cứu thì thật là trái với lòng mong mỏi của người dân và nợ Ngân hàng chắc chắn sẽ cao nữa vì nhiều người đảo  nợ để giữ giá BĐS cao.Thế là người có nhu cầu thật mua  nhà đất  để ở lại không với tới.”

 

Email hh.link@yahoo.com nêu một thực tế: “Cung BĐS luôn rất nhiều, nhưng sức mua thì không có; do vậy có cho vay BĐS cũng là để các nhà đầu tư vay để xây dựng mà thôi, còn bán được hay không mới quan trọng. Sức mua lại nằm trong số ít người có tiền, chứ dân thì lấy đâu ra tiền mà mua? Vấn đề quan tâm ở đây là sức mua của thị trường, không nên cứ loay hoay cho vay BĐS, giải cứu ngân hàng. Đăng ký nhà và đánh thuế nhà với những ai có từ căn thứ 2 trở lên, có thể là một giải pháp thay đổi phần nào tình hình BĐS.”

 

Nhìn từ một góc độ khác, email ahr.sales@gmail.com viết: “Tại sao lại có rất nhiều người suy nghĩ và coi BĐS như kẻ thù, coi người giàu như kẻ thù? Họ cũng là những doanh nhân phải bỏ bao nhiêu tiền ra đầu tư, gánh trên lưng không biết bao nhiêu lãi vay, tiền lương người lao động. Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ và hành động để cân bằng lại nền kinh tế, lãi suất giảm cho doanh nghiệp sản xuất hoạt động có hiệu quả, tuân thủ nền kinh tế thị trường trong điều hành chính sách, tức là chúng ta “cứu nhau” vượt qua khó khăn.”

 

Email talaweb.com@gmail.com  đề xuất: “Nhà nước nên có biện pháp loại bỏ những nhà đầu cơ thứ cấp, thành lập các trung tâm giao dịch BĐS cho các chủ dự án niêm yết giá bán giúp những người có nhu cầu mua nhà ở thực sự (hoặc có mục đích sử dụng khác) được mua trực tiếp, hạn chế mua đi bán lại nhiều lần bằng cách áp thuế cao khi chuyển nhượng lại BĐS. Những cá nhân muốn đầu tư vào BĐS có thể đầu tư trực tiếp vào dự án của chủ đầu tư khi đang hình thành và cũng nên có sàn giao dịch đầu tư dự án để những cá nhân có tiền nhàn rỗi muốn đầu tư vào BĐS được tham gia. Khi dự án hoàn tất, họ như một đại lý hoặc đại diện bán hàng của chủ đầu tư cho số sản phẩm mà họ đang nắm giữ. Làm như thế này sẽ giúp BĐS chỉ lưu thông 1 cấp, không bị mua đi bán lại nhiều lần ăn chênh lệch lớn và đẩy giá lên cao mãi.”

 

Còn email toikhongco@email.com viết: “Cho vay bất động sản  hay cho vay sản xuất kinh doanh, gần như các ngân hàng không kiểm soát được. Có thể nói khách hàng sử dụng tiền vay của Ngân hàng sai mục đích gần như phổ biến, đặc biệt là cho vay cá nhân. Ngân hàng chỉ quan tâm có tài sản đảm bảo, còn khách hàng dùng tiền vay của ngân hàng vào việc gì thì họ chẳng cần kiểm tra. Như vậy lượng cầm cố thế chấp bằng tài sản nhà đất với mục đích kinh doanh bất động sản tại các ngân hàng là rất lớn. Hãy hình dung tình trạng cho vay này như là làn sóng và việc tạo ra làn sóng đó là chính sách quản lý yếu kém của ngân hàng. Kinh doanh như thế cũng có lúc đạt được hiệu quả song chỉ là mang tính chất chụp giựt và có thể bị phá sản bất cứ lúc nào. Bây giờ có luồng ý kiến cho rằng cần phải cứu thị trường bất động sản vì những người đi buôn  lo lắng khoản đầu tư của họ bị xì hơi, ngân hàng nhận thế chấp tài sản bằng đất đai cũng lo lắng vì khả năng trả nợ của khách hàng và tài sản thế chấp là nhà đất mất giá, khó thanh khoản. Như vậy nếu tiếp tục nới cho vay bất động sản thì kết quả sẽ như thế nào?  Sẽ có người phải gánh chịu hậu quả nặng nề và có người sẽ thoát được nguy hiểm. Cần thực hiện chính sách thắt chặt, sử dụng đúng mục đích các khoản cho vay đối  với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, các ngân hàng phải kiểm tra và làm rõ các khoản đã đầu tư và sử dụng vốn vay mới có cơ hội lành mạnh hoạt động ngân hàng và kinh tế xã hội được tốt hơn.”

 

Đây là ý kiến của email vuhoemoha@gmail.com: “Nếu không vì lợi ích nhóm thì hãy đừng vội cứu cái gì cả! Lâu nay thị trường bất động sản đã bị nạn đầu cơ hoành hành, làm cho thị trường méo mó, người dân có nguyện vọng mua nhà ở không tài nào tiếp cận được với giá trị thực. Qua các sàn giao dịch, giá 1m2 nhà ở được nâng gần gấp đôi, khoản chênh đó hoàn toàn trốn thuế, nhưng không ai quản nó, thiệt thòi rơi vào người mua nhà để ở, siêu lợi nhuận thì các chủ đầu tư và sàn giao dịch hưởng một cách ngon lành! Các nhà kinh tế nên có thực tiễn một chút để dân còn được nhờ, chỉ cần quan liêu một chút thì dân lương thiện lãnh đủ. Hãy đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn là cách đầu tư đúng đắn nhất.”

Ban Bạn đọc