- Đông đảo bạn đọc đã theo dõi bài “Quá sớm để hạ lãi suất huy động”. Dưới đây là một số phản hồi mà bạn đọc gửi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC:

Hạ lãi suất huy động: Người gửi thiệt, ngân hàng “rỗng ruột’?

Email halamson14@yahoo.com.vn viết: “Tôi ủng hộ quan điểm của TS Phan Minh Ngọc-Việc hạ lãi suất huy động tiền gửi lúc này chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm là các tập đoàn nhà nước độc quyền và các ngân hàng lớn thêm quyền lực, không phục vụ cho mục đích dân sinh, ổn định xã hội.”

Đồng tình với ý kiến trên, email hannah.pei@gmail.com viết: “Hoàn toàn đồng tình với tác giả, lạm phát cao và còn có nguy cơ tiếp tục mà lại đặt ra vấn đề hạ lãi suất huy động thì quá vô lý, thực chất là bóp méo các nguyên tắc kinh tế vĩ mô cơ bản để phục vụ lợi ích nhóm.”

Ảnh minh họa
Đây là ý kiến của email binhphamdlk@hcm.fpt.vn: “Hàng hóa thiết yếu như rau xanh các loại đều tăng giá, chỉ sợ mục tiêu giảm lạm phát xuống 1 con số vào năm tới khó mà thực hiện được. Nếu giảm lãi suất thì chỉ có người gửi tiền bị thiệt. Ngân hàng nhà nước nên cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định.”

Ý kiến của email vinhthanh_vinhlac@ymail.com cũng tương tự: “Việc hạ lãi suất huy động thực chất lợi thì ít mà hại thì nhiều. Về phía ngân hàng, hiện nay tình trạng thanh khoản của hầu hết các ngân hàng đều gặp khó khăn, việc huy động vốn ngày càng sụt giảm, ngân hàng phải dùng nhiều cách để khuyến khích người dân gửi tiền (chương trình khuyến mại, tiếp thị tận nhà ...) và bằng chứng là huy động tiền gửi từ dân cư đã sụt giảm mạnh trong những tháng gần đây dẫn đến việc nhiều ngân hàng nhỏ phải vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất trên 20 %/năm (thậm chí là 30 %/năm). Như vậy, nếu tiếp tục giảm lãi suất huy động xuống 12 %/năm, lại tạo khó khăn rất lớn cho các ngân hàng trong việc thu hút vốn từ dân cư. Người dân  không quan tâm kinh tế vĩ mô của nhà nước là gì, điều hành công cụ lãi suất của Ngân hàng nhà nước như thế nào, họ chỉ quan tâm là nếu  lãi suất huy động cao thì họ gửi tiền, nếu lãi suất  thấp thì không gửi mà tìm kênh đầu tư khác.”

Nhưng email t_dhbk@yahoo.com lại nhìn ở góc độ khác: “Nếu nói hạ lãi suất sẽ dẫn tới dân rút tiền đầu tư vàng, chứng khoán hay bất động sản thì không có cơ sở, bởi bây giờ giá vàng đã chạm đỉnh nên những người có tiền cũng không mặn mà mua vào như cách đây vài tháng, còn chứng khoán và bất động sản thì đang trong xu hướng giảm, không ai dại gì đầu tư lúc này.”

Còn đây là ý kiến của email bddan49@gmail.com: “Lạm phát là tổng thể do nhiều yếu tố gây ra, điều quan trọng đã được toàn Đảng, toàn dân và cả các tổ chức quốc tế ghi nhận Nghị quyết 11 là đúng. Quốc hội và Chính phủ đã xác định trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Mục tiêu chống lạm phát ưu tiên hơn tăng trưởng, quan trọng số 1 là chính sách tiền tệ. Gần đây có vẻ nhiều nhóm lợi ích đã bắt đầu vận động hành lang nhằm tác động vào chính sách nhà nước để được lợi. Vậy nên việc quyết định lãi suất bao nhiêu, bao giờ thực hiện, Chính phủ giao cho Ngân hàng nhà nước nghiên cứu kỹ, phù hợp với tình hình và điều quan trọng là mục tiêu chống lạm phát phải được ưu tiên hàng đầu. Vì lẽ này tôi thấy bài viết là một luồng  ý kiến Ngân hàng nhà nước nên cân nhắc. Không phải người gửi tiền chỉ có một phương án, có điều người gửi cân nhắc tính ưu việt của từng phương án mà thôi. Có người họ chỉ cần bảo toàn vốn, có tiền dư ra đến đâu họ mua vàng đến đó không cần quan tâm nhiều đến giá vàng hôm đó cao hay thấp. Có người gửi tiết kiệm vì họ tin tưởng nhà nước luôn cho họ lãi xuất thực dương, nhưng một khi lòng tin này mất đi có thể một số người sẽ không làm như vậy nữa.”

Bạn đọc Phạm Ngọc Phú (email phuibs@yahoo.com) thể hiện sự băn khoăn: “Tác giả đưa ra “con ngáo ộp” là  làn sóng rút tiền gửi ngân hàng khi lãi suất tiền gửi hạ. Vậy người dân rút tiền để làm gì? Liệu có mấy người cất tiền ở két? Mua vàng, bất động sản sẽ không nhiều vì chắc gì có lãi; đầu tư vào thị trường chứng khoán thì quá tốt cho nền kinh tế, nhưng thị trường này đang ảm đạm. Một bài toán khó giải là những người đầu tư vào doanh nghiệp đang hưởng lãi suất thực âm thì những người gửi tiền vào ngân hàng lại mong hưởng lãi suất thực dương. Vậy ai là người sản xuất ra hàng hóa để nuôi sống xã hội?”

“Sự cân nhắc trong điều tiết nền kinh tế lúc này là rất quan trọng, Chính phủ nên lấy an sinh xã hội làm thước đo”, đó là ý kiến của email trinhcongduc2011@gmail.com.

Ngân hàng cần hạ lãi suất cho vay

Như một lời giục giã, email truongnguyenhp85@gmail.com viết: “Hạ đi thôi! Nóng lắm rồi! Lãi suất quá cao không kích thích được các nguồn lực đầu tư cho phát triển đất nước. Không những thế nếu lãi suất của  nước ta tiếp tục cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác thì các doanh nghiệp trong nước sẽ mất rất nhiều lợi thế cạnh tranh với các đối thủ. Nhìn chung với lãi suất cao như hiện nay là quá nguy hiểm.”

Giọng của email baclehuy@yahoo.com vừa than thở vừa giục: “Doanh nghiệp chúng tôi tại Thanh Hóa cần tiền, vay ngân hàng hạn mức 4 tháng để mua hàng hóa sản xuất kinh doanh (có tài sản thế chấp) mà lãi vay lên tới 25% năm. Thế này thì chết. Ngân hàng phải hạ hạ lãi suất cho vay xuống.”

Email davidhuynh@gmail.com cũng đồng tình: “Tôi nghe nói nhiều về giảm lãi suất huy động mà chưa nghe nói giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng huy động 14% cho vay 22-23% nên cuối năm thấy ngân hàng nào cũng lợi nhuận cao, trong khi các doanh nghiệp chưa thấy nói thưởng tết cho công nhân.”

Chia sẻ sự đồng thuận với các ý kiến trên, email anhdung_1050@yahoo.com viết: “Tăng giá hàng hóa, giá dịch vụ, lương nhân công…  chứng tỏ VNĐ mất giá, lại hạ lãi suất huy động làm cho tiền nhàn rỗi của nhân dân sẽ chảy vào các kênh khác, vì người gửi tiền tính ra bị âm, (trừ những người hết đường làm ăn như hưu trí, lương còm  của công nhân tích lũy được từ trước). Nên chăng các ngân hàng nên tìm cách hạ lãi suất cho vay, hưởng lợi ít đi, cùng chia sẻ khó khăn với những khách hàng, đối tác vay tiền ngân hàng.”

Đây là phân tích của email nmoclan@yahoo.com, bắt đầu bằng những câu hỏi: “Tại sao giảm lãi suất gửi tiền về 14% rồi mà lãi suất cho vay vẫn trên 20%? Ngân hàng nhà nước làm vậy đã đúng chưa? Lẽ ra phải đặt trần cho vay không quá 15% chẳng hạn, còn ngân hàng thương mại huy động bao nhiêu đấy là việc của họ, lúc đó mới đạt được mục tiêu giảm lãi suất cho nền kinh tế.

Thực tế lãi suất tiền gửi thời gian qua cao không phải do nhà nước muốn thế để chống lạm phát mà do các ngân hàng thực sự thiếu tiền. Mọi người đều biết trần huy động 14% quy định từ đầu 2011, nhưng các ngân hàng đều tìm cách huy động vượt lên đến 19-20% để hút tiền từ dân để đảm bảo thanh khoản. Đến tháng 9 vừa rồi Ngân hàng nhà nước quyết liệt chỉ đạo thực hiện trần 14% . Tuy nhiên khi thực hiện đúng trần huy động 14%, người dân rút một lượng  tiền lớn ra nên ngân hàng lại lâm vào cảnh rỗng ruột nên mới có lãi suất liên ngân hàng lên đến trên 30%, và Ngân hàng nhà nước bơm tiền qua hệ thống OMO hàng nghìn tỷ, và có ngân hàng đã mất thanh khoản tạm thời như 3 ngân hàng vừa phải sáp nhập.

Cần nhìn thẳng vào sự thật lạm phát vừa qua là do cung tiền ở khu vực công và bất động sản quá nhiều trong khi khu vực sản xuất bị bỏ rơi, tức là vừa thừa tiền, vừa thiếu hàng. Vì vậy để giảm lạm phát thì vừa phải chặn bớt tiền ở 2 lĩnh vực trên và tăng cường sản xuất. Tôi nghĩ Ngân hàng nhà nước phải không biết, chỉ có điều lợi ích từ đầu tư công và bất động sản lớn quá trong khi sản xuất vừa khó vừa khổ vừa chẳng có lợi nhuận bao nhiêu, nên cứ loanh quanh chuyện cứu ngân hàng và bất động sản, còn các ngành nghề khác gắng mà… tự cứu lấy mình.”

Ban Bạn đọc