- Bài “Tiền đông cứng trong két sắt mỗi gia đình”  đã thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

Két sắt gia đình “đông cứng” tiền, lòng tin giảm?

 

Theo email toanthang001@yahoo.com.hk thì: “Hầu hết người dân Viêt Nam ta đều dự trữ vàng trong nhà mà không muốn gửi ngân hàng là vì họ ngại đi ngân hàng, ngại kê khai giấy tờ, sau này có việc dùng đến vàng lại ngại đi ngân hàng rút. Nếu giá vàng có lên hơn 5 triệu đồng/chỉ, họ cũng không bán nếu như trong gia đình không có việc gì cần chi tiêu nhiều tiền. Từ năm 2008 trở lại đây các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất tiền gửi, nhưng cũng ít người đặt niềm tin vào ngân hàng, nên để tiền trong nhà cho chắc. Nếu cần tiền thì mở két ra là lấy được.”

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Tuổi trẻ)
Bạn đọc Đỗ Mạnh Hùng (email hungdm@gmail.com) viết: “Một sự thực trong bài không nói thẳng ra, nhưng tôi nghĩ mọi nhà kinh tế học đều hiểu là: Khi dân tích trữ vàng, ngoại tệ ...trong két tại gia thì chắc chắn cần xem xét lại lòng tin của dân vào chính sách điều hành vĩ mô ra sao, đồng thời sự tin tưởng vào sức mạnh của đồng nội tệ như thế nào? Chắc chắn là cả 2 đều đã và đang mất điểm.”

 

Ý kiến trên được email thatlife@yahoo.com chia sẻ: "Lòng tin ", nhà nước làm được việc này thì dân sẽ mang tiền giao cho nhà nước, thế thôi !
Các bác cứ ngồi viết toàn các bài phân tích trên ngọn, vui lòng tư vấn nhà nước xử lý phần gốc giúp dân đi. Tôi nghĩ dân cũng không muốn giữ tiền đồng, USD nhiều trong nhà đâu, vì rất rủi ro (trộm cướp, cháy, mất giá ....), nhưng họ không tin là gửi ở ngân hàng thì không bị thiệt, là đã thật sự an toàn và khi  cần thì có thể lấy ra dễ dàng bất cứ lúc nào.”

 

Còn theo email huynhthelan@yahoo.com thì: “Người dân Việt Nam đã có những bài học thực tiễn quá lớn từ những vụ vỡ nợ của Hợp tác xã tín dụng những năm 80 của thế kỷ trước. Do đó, họ cất giữ vàng và USD trong két sắt cũng không có gì là khó hiểu. Tác giả bài viết này chắc còn ít tuổi hoặc những năm 80 không mất tiền nên chưa biết đá biết vàng. Nên nhớ :"Những người có nhiều tiền cất trữ trong nhà là những người rất giỏi, nếu không giỏi chắc chắn họ không có tiền. Bởi vậy ta chưa đủ trình độ khuyên họ đâu."

 

 “Nếu chính sách đưa ra là "không bảo đảm tiền gửi bằng ngoại tệ, vàng" thì liệu ngân hàng có huy động được nguồn vốn đó trong dân hay không? Một chính sách "bảo đảm tài sản của người dân như đưa dao đằng lưỡi cho nắm" thử hỏi ai dám đưa tài sản tích cóp được của mình cho các vị khai thác”, đó là ý kiến của email bachbln08@gmail.com.

 

Email alexbq@freemail.vn phụ họa: “Các chính sách huy động từ trước tới giờ đều có ấn tượng chung là người dân đã mất lòng tin. Thử xem kế hoạch huy động vàng trong dân lần này sẽ đạt kết quả ra sao?”

 

Đây là ý kiến của email trantheanh86@gmail.com: “Lý do sâu xa là kinh tế Việt Nam ngày càng bị thao túng bởi lợi ích nhóm, tiền đồng bị mất giá quá lớn, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. Người có tiền không dám đưa tiền ra đầu tư hay thậm chí là gửi ngân hàng, vì các chính sách của nhà nước nay đổi, mai đổi mà không quan tâm  đến lợi ích của người dân.”

 

Email thuvuhong@yahoo.com.vn nhấn vào một khía cạnh: “Chính sách của nhà nước quy định: Bảo hiểm tiền gửi chỉ dành cho VND mà chỉ gói gọn là 50triệu đồng thì với những người có khoản tiền lớn có bõ bèn gì? Vì thế nhà nước muốn huy động thành công  trước hết phải gây dựng niềm tin trong dân đã.”

 

Một khía cạnh khác được đề cập trong ý kiến của email tran.van.tuan@gmail.com: “Nền kinh tế khó khăn hiện nay là do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư tràn lan, lãng phí và tham nhũng. Giờ đồng tiền mất giá mà cứ bảo dân gởi tiền vào, lãi suất tiền gởi thì lại bị khống chế, vậy chẳng khác nào bảo dân góp tiền mồ hôi nước mắt của mình để các vị thoải mái "đầu tư" sao? Dân “chết” thì có vị nào "đau lòng" không?”

 

Email ntnghia3n3@yahoo.com thốt lên: “Trời ơi, sao các vấn đề vĩ mô như thế mà lại đẩy trách nhiệm sang người dân? Có khác gì lại kêu gọi họ làm "người tiêu dùng thông thái" khi họ không có cách gì để phân biệt đâu là thực phẩm tốt, đâu là thực phẩm kém chất lượng ngoài lòng tin vào người bán hàng và vài kinh nghiệm truyền khẩu?”

 

Mua vàng tích trữ, “bức tử” nền kinh tế?

 

Email buihuytuan@ccf.vn viết: “Người dân mua vàng tích trữ, đồng nghĩa với việc "bức tử" nền kinh tế.
1. Làm giảm nguồn vốn của các ngân hàng thương mại: Người dân sẽ rút tiền gửi tại các ngân hàng thương mại ra để mua vàng, trong bối cảnh nguồn vốn khan hiếm hiện nay sẽ càng khó khăn hơn, các ngân hàng sẽ hạn chế cho vay hoặc có thể thu hồi bớt vốn đã cho vay về để đảm bảo thanh khoản, cũng đồng nghĩa với việc kinh doanh vay vốn khó khăn hơn (nếu có vay được sẽ phải trả lãi cao hơn), đẩy doanh nghiệp đứng trước các nguy cơ
phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, thậm chí có thể phải dừng kinh doanh hoặc có thể bị phá sản. Điều này làm cho thất nghiệp gia tăng, hàng hóa cung ứng ra thị trường bị ảnh hưởng bởi các cơn sốt nóng, sốt lạnh.

2. Làm giảm dự trữ ngoại tệ quốc gia: Khi nhu cầu mua vàng trong nước tăng thì tất yếu phải nhập khẩu vàng từ nước ngoài về. Tức là nền kinh tế phải mất đi một nguồn ngoại tệ tương ứng với số vàng nhập khẩu. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối phó với tình trạng nhập siêu thì việc nhập khẩu vàng càng làm cho tình trạng nhập siêu gia tăng, tác ộng xấu tới dự trữ ngoại tệ quốc gia.

3. Làm tăng áp lực mất giá đồng tiền (đẩy chỉ số CPI tăng lên): Khi nhu cầu ngoại tệ tăng sẽ làm tăng áp lực tăng tỷ giá. Khi tỷ giá  tăng sẽ làm vật tư hàng hóa nhập khẩu tăng giá
theo, mặt bằng giá cả hàng hóa toàn xã hội bị đẩy lên một mức mới.

4. Làm bất ổn thêm kinh tế vĩ mô: Gia tăng thêm tình trạng “vàng hóa nền kinh tế”, khi tình trạng này ngày càng tăng sẽ làm cho việc điều hành chính sách tiền tệ của nhà nước
thông bị giảm tác dụng, dẫn đến điều hành kinh tế vĩ mô càng khó khăn hơn (như điều khiển một chiếc xe ô tô bị mất lái thì khả năng xảy ra tai nạn là rất lớn), dẫn đến hậu quả khôn lường cho nền kinh tế.

Vì thế, mọi người dân hãy nên cân nhắc khi mua vàng tích trữ, chúng ta đừng làm khó thêm cho nền kinh tế hiện nay.”

 

Ý kiến trên lập tức bị phản biện bởi email abc@abc.com: “Mọi người dân hãy nên cân nhắc khi mua vàng dự trữ, chúng ta đừng  làm khó thêm cho nền kinh tế hiện nay.” Vậy lời khuyên của bạn cho mọi người đang cầm VND là gì? Phải chăng cứ bỏ vào ngân hàng gửi tiết kiệm? 10 triệu VND bây giờ, 100 năm sau cả vốn lẫn lời không biết có mua nổi tô phở mà ăn không.  Nên nhớ, mục đích chính của vàng là dùng để bảo toàn vốn chứ không phải sinh lời. 1g vàng cách đây 1000 năm tại Iraq so với 1g vàng thời nay tại Việt Nam hoàn toàn giống nhau (không phân biệt vị trí địa lý/thời gian). 1 xấp tiền giấy cách đây 100 năm tại Hy Lạp với 1 xấp tiền giấy ngày nay tại Ai Cập? Bạn tự biết câu trả lời. Bản chất dân tộc Viêt Nam qua lịch sử là một dân tộc cần cù, siêng năng và thông minh. Tôi tin lựa chọn của họ hoàn toàn đúng.”

 

Đồng cảm với ý kiến trên, email anh.ktq@gmail.com viết: “Em biết là tích trữ vàng sẽ gây khó cho nền kinh tế nước nhà! Nhưng mà em cũng phải tích trữ để lo cho cái thân em trước đã. Tiền mồ hôi em đổ ra rất nhiều mới có được nên em phải bảo toàn.”

 

 Đây là ý kiến của email dwbdung@gmail.com: “Chính sách làm yếu đồng tiền là nguyên nhân buộc dân phải tìm cách đưa tiền nhàn rỗi của mình vào nơi trú ẩn an toàn, trong đó vàng luôn là một lựa chọn hợp lý. Bây giờ, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước cần đưa ra cam kết và chứng minh tiền nội tệ sẽ không mất giá nữa, thì người dân mới đưa vàng chuyển hóa thành tiền vào lưu thông, và cũng cần có thời gian.”

 

Theo email cuongquoc_vn@yahoo.com thì: “Tốt nhất cứ để dân dự trữ, và dạy họ cách đầu tư sản xuất kinh doanh.”

 

Email dangchung286@gmail.com đề xuất: “Quốc” với “gia” phải hài hoà, đây là bài toán lợi ích. Các nhà hoạch định chính sách cần xem xét trên cả 2 khía cạnh, nếu hài hoà và đảm bảo lợi ích thì chắc chắn sẽ thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân. Nếu chỉ có lợi ích một phía thì đương nhiên khó thu hút được.”

 

Còn email nhatdinh60@vnn.vn thể hiện sự lo ngại: “Giả sử nhà nước có mua được vàng trong dân rồi thế chấp lấy ngoại tệ cũng chỉ bù được thâm hụt thương mại trong vài năm. Sau đấy lấy gì mà bù tiếp và lấy gì mà trả cho ngân hàng nước ngoài để lấy số vàng thế chấp về? Từ 2007 đến giờ chỉ có thâm hụt thôi, làm sao mà trong vài năm mượn tiền dân có thể quay ngược cán cân thương mại? Kiều hối có tăng cũng chỉ tăng dần dần, không thể có đột phá.”

 

Email nmoclan@yahoo.com nhấn mạnh trách nhiệm của hệ thống ngân hàng: “Đi trên đường phố Hà Nội, Sài Gòn giờ nhan nhản các chi nhánh ngân hàng. Mỗi con phố có đến cả chục ngân hàng khác nhau, người dân thành phố đúng là ra ngõ gặp ngân hàng.

Nhưng tôi không khỏi ngậm ngùi mỗi lần về quê, chỉ cách Hà Nội chừng 80 km, giờ đã có đường nhựa, đèn cao áp chạy đến giữa làng nhưng hỏi thì trong vòng bán kính 10 km chỉ có mỗi một chi nhánh ngân hàng Agribank. Vậy nên mới có chuyện như cô em họ tôi nuôi nửa năm được lứa lợn bán được mấy triệu, đã cất ở nơi kỹ nhất trong nhà thế mà vẫn không cánh mà bay. Gặp tôi tiếc của cứ sụt sịt bảo em muốn tích cóp chờ thêm lứa lợn nữa để xây cái nhà tắm, giờ lại phải chờ thêm năm nữa. Nhà hàng xóm còn đau hơn vì tiền để trong tủ mà bị con trai rút dần đi chơi game, lúc sờ đến chỉ còn lại mấy tờ, lại còn được nhà trường thông báo con bị đình chỉ học. Đau con, tiếc của, ốm lên ốm xuống cả tháng trời. Rồi tệ nạn tín dụng đen, hụi họ cứ âm thầm để vài năm lại có một vụ đổ bể, xóa đi công sức mô hôi nước mắt của hàng trăm gia đình, nghèo khó lại hoàn nghèo khó. 

Ngân hàng phát triển mạnh, cạnh tranh ở các thành phố lớn nay đã đến mức bão hòa, hy vọng sẽ có sự chuyển hướng, chú ý thích đáng đến địa bàn nông thôn. Sẽ là cuộc chơi các bên đều có lợi, và ngân hàng nào nhanh chân hơn chắc chắn sẽ gặt hái thành công.”

 

Ban Bạn đọc