- Sau khi đọc các bài ‘Nói và làm: Tạo niềm tin để dân bỏ vốn làm ăn’ , ‘Huy động vàng: Thách thức từ tính bảo thủ’, nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

Ý tưởng hay, nhưng cần củng cố niềm tin

Bạn đọc Anh Dũng (email anhdung_1050@yahoo.com) viết: “Trong tình hình kinh tế hiện nay, ông Thống đốc NHNN Nguyễn văn Bình phát biểu huy động vàng trong dân từ 300- 500 tấn ... tôi thì thấy hơi bị khó vì cần phải có niềm tin, còn chuyện thiệt hơn là vấn đề khác.”

Bạn đọc Phạm Văn Lạng (email vanlangtb@yahoo.com.vn) không đồng tình với tác giả: “Huy động vàng không phải là vấp phải tính ‘bảo thủ’ của người dân như quan niệm của tác giả, mà là do cách quản lí tài chính tiền tệ của ta để cho lạm phát kéo dài và đồng tiền thường xuyên mất giá khiến người dân chỉ thấy vàng là nơi phòng giữ cuối cùng cho tài sản. Họ tích trữ tài sản ít ỏi phòng khi ốm đau, mất mùa, đói kém . Còn tiền đồng thường xuyên mất giá làm mất lòng tin của người dân, nên nay huy động được vàng trong dân là rất khó vô cùng khó. Làm sao để người dân tin là không bị thua thiệt gì trong ‘trò chơi tiền tệ’ của ngân hàng, của những lần điều chỉnh giá trị đồng tiền một cách cách chủ quan. Chừng nào mà dân chưa thấy rõ là Nhà nước sửa đổi được tình trạng này thì họ còn chưa mặn mà với các lời kêu gọi của Nhà nước. Mong lắm Nhà nước kiên trì chính sách ‘phát triển bền vững’ để dân dám bỏ vàng ra cho Nhà nước huy động để dân giầu, nước mạnh.”

Ảnh minh họa
Email thanhthao912000@yahoo.com
phụ họa: “Có lẽ tác giả hơi nhầm lẫn khái niệm. Đây không phải là tính bảo thủ!

Hãy nhìn vào các dịch vụ mà ngân hàng cung cấp: ATM gửi tiền vào thì dễ, rút tiền ra thì khó, người gửi chịu đủ thứ phí vô lý; gửi tiền đồng lãi suất 14%/năm nhưng lạm phát là 18%/năm ... Cùng với các lý do mà tác giả nêu thì việc người dân cầm giữ vàng là lẽ dĩ nhiên chứ đâu phải là ‘bảo thủ’?”

Các tổ chức tín dụng cũng có nhiều vấn đề phải bàn. Đề xuất cấm mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do để rồi khi người cần ngoại tệ thì phải mua với giá của ... thị trường tự do; cung cấp thẻ ATM nhưng khi người dân cần rút tiền thì đòi thu phí, thậm chí không có tiền mà rút (dịp Tết); và hơn nữa là tiếp thị dịch vụ thanh toán bằng thẻ nhưng người dân đi mua bán thì vẫn chủ yếu dung… tiền mặt, vì nơi bán hàng không chấp nhận thanh toán bằng thẻ.”

Email ads@gmail.com nhắc lại câu của tác giả: ‘Giả sử con số thực tế là 500 tấn và cả nước có 15 triệu hộ gia đình thì trung bình mỗi gia đình cất giữ khoảng 8 chỉ vàng - một con số khá lớn’ và căn vặn: Cả gia đình mà chỉ có 8 chỉ vàng là dự phòng cho những nhu cầu bất ngờ như đau bệnh, tai nạn, tiền ăn, tiền học cho con cái trong dài hạn.... là quá ít ỏi còm cõi, chứ sao gọi là ‘một con số khá lớn được?”

Email mup@gmail.com chia sẻ: “ 8 chỉ vàng thì chỉ công nhân mới có ít thế thôi. Mà lãi suất huy động vàng ‘bèo’ quá, người ta đâu có muốn gởi vô.”

Bạn đọc Vũ Thanh Sơn (email thanhsonska@gmail.com) cho rằng: “Sẽ rất khó thực hiện huy động vàng trong dân. Những ai ưa thích việc sinh lời trên từng đồng vốn (những người này thì lắm vàng, nhiều của) thì họ đủ khôn để chủ động trong việc sử dụng nguồn lực của mình. Thật không dễ tin ai để giao vàng cho người khác nắm giữ. Còn những người dân nghèo tích cóp được vài ba chỉ vàng thì họ sẽ cất vào tủ phòng rủi ro.”

Email lvbanking@gmail.com: “Tư duy này theo kiểu: Dân nhiều của lắm, cố mà hút về. Lấy vàng đổi thành đô la, còn dân nhận lại gì? Có được bảo đảm không?”

“Nhà nước huy động vàng có thể gặp tình trạng này: Nếu lãi suất thấp thì không kích thích người gửi. Ngược lại thì người dân lại sợ là Ngân hàng chắc đang rủi ro nên mới đưa ra lãi cao để ‘dụ’; nếu tham mà gửi e… hối không kịp. Cuối cùng, đàng nào họ cũng không dám gửi”, đó là ý kiến của email xyz@royal.net.

Huy động vàng không khó, nếu người gửi được hưởng lãi suất như tiền?

Theo email jack.unistars@gmail.com thì: “Đây là một ý tưởng hay, vừa huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, đồng thời có thêm nguồn tài chính phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Nếu vàng chỉ để dự trữ trong dân thì có nghĩa là dân giàu mà nước chưa mạnh. Tuy nhiên, để thực hiện được ý tưởng này thì có lẽ phải mất nhiều năm nữa. Cần nhiều năm để có một chính sách thiết thực trong việc huy động vàng trong dân, như ý kiến của một số chuyên gia là cần phải tạo ra cho vàng một thị trường hấp dẫn và an toàn hơn (chứng chỉ vàng chẳng hạn). Và còn cần nhiều năm nữa để củng cố nềm tin của dân chúng, không chỉ vào độ ổn định và tính bền vững của các tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, mà còn cần thêm thời gian để củng cố niềm tin của dân chúng vào chính sách của Nhà nước. Vốn dĩ dân chúng từ trước tới nay chưa tin vào những chính sách sáng đưa ra, chiều điều chỉnh, ngày mai thay đổi.”

Ý kiến của bạn đọc Phạm Ngọc Phú (email phuibs@yahoo.com): “Để có cơ quan chăm sóc cho việc ổn định tiền đồng thì Ngân hàng nhà nước phải sớm chuyển đổi thành Ngân hàng Trung ương; Ngân hàng Trung ương phải có quyền lực và tính độc lập tương đối để có khả năng thực thi chính sách tiền tệ tốt nhất.

Để người dân đem hết tài sản đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thì phải làm sao không chỉ Nhà nước mới có quyền đầu tư mà mọi người dân cũng có quyền và được tạo điều kiện đầu tư. Những người bỏ vốn ra sản xuất, kinh doanh, chịu nhiều rủi ro hơn phải được tạo điều kiện để thu lợi lớn hơn.”

Bạn đọc Phan Bảo Lâm (email phan_lam15@yahoo.com)cho rằng: “Việc huy động vàng là không có gì khó khăn cả, thậm chí còn dễ hơn định giá tài sản thế chấp. Nên nhớ là, vàng cũng là 1 loại tài sản phải mua bằng tiền. Muốn huy động vàng thì phải quy vàng ra tiền tại thời điểm huy động rồi áp lãi suất ngang với huy động tiền. Như vậy, dù lạm phát là cao hay thấp, dù giá trị nội tệ là ổn định hay biến động, người gửi vàng vẫn được hưởng lãi suất như người gửi tiền, giá trị vàng được quy ra tiền tại từng thời điểm. Ví dụ, 1 lượng vàng là 45 triệu. Gửi 1 lượng vàng vào ngân hàng phải được hưởng lãi suất hiện hành (hiện nay là 14% 1 năm) của 45 triệu. Khi rút vàng ra giá vàng tại thời điểm rút là 47 triệu hoặc 42 triệu thì ngân hàng phải đảm bảo cho khách hàng rút ra đúng 1 lượng vàng bất kể giá thế nào. Tóm lại gửi vào hay rút ra là 1 lượng vàng, không đổi về số lượng. Về giá trị quy ra tiền tính tại thời điểm gửi. Giá vàng biến động tại khoảng thời gian giữa gửi và rút thì người gửi và ngân hàng cùng chịu rủi ro. Tương tự như vậy đối với ngoại tệ. Điều đó có nghĩa là chỉ có 1 lãi suất duy nhất đối với VND dù là tiền mặt, vàng, ngoại tệ hay bất cứ thứ giấy tờ nào có giá trị quy ra tiền. Không có lãi suất riêng với vàng, ngoại tệ hay tài sản khác. Không làm được việc này thì không ổn định giá trị tiền tệ được khi các giá trị khác nhau quy ra cùng 1 giá trị là VND lại có mức lãi suất khác nhau. Tôi không quan tâm đến việc hô hào là phải có niềm tin. Niềm tin của khách hàng là 1 thứ giá trị có thể quy đổi ngang giá với uy tín của người cung cấp dịch vụ. Đòi hỏi khách hàng phải có niềm tin mà người cung cấp dịch vụ không có uy tín là vô lý, là duy ý chí, là .....bế tắc.”

Đây là ý kiến của email huan_2208@yahoo.com.vn: “Liệu huy động vàng bằng kênh gửi vàng có làm lạm phát giảm xuống, khi mà niềm tin trong dân đi xuống nghiêm trọng. Nếu huy động bằng kênh gửi vàng lúc này, người dân sẽ tham gia gửi nhưng cũng mua vàolớn hơn rất nhiều, khi biết vàng không chỉ là thứ lưu trữ giá trị mà còn sinh lợi nhuận. Lúc đó lạm phát có còn được kiềm chế như mong muốn?

Vàng được huy động trong dân sẽ được giao cho các ngân hàng hay tổ chức quản lí, phải thực hiện nghiệp vụ mua hoặc bán để vừa có thể thành vốn đưa vào sử dụng, vừa phải đảm bảo an toàn cho lượng vàng nhân dân gửi. Trong điều kiện nhiều biến động hiện nay, điều gì đảm bảo sẽ làm được như vây .

Đã đến lúc đối xử với vàng như với ngoại tệ, không nên xem xét lợi ích của chỉ những người đang nắm giữ hay kinh doanh vàng mà hãy coi trọng lợi ích của cả xã hội. Hãy so sánh lợi ích thu được từ vàng và lợi ích khi dùng nguồn vốn đó đầu tư cho xã hội.
Hãy loại trừ vàng khỏi lưu thông, kiểm soát chặt chẽ thị trường nhà đất, chấp nhận phá sản các ngân hàng yếu kém cũng như những cú sock ngắn hạn trong xã hội; cải cách triệt để hệ thống tài chính, khôi phục niềm tin ở nhân dân, tăng cường quản lí đầu tư công và minh bạch hóa. Làm được như vậy, tức khắc nguồn vốn của nhân dân sẽ được đưa vào sản xuất.”

Mong mỏi của email khoabanking1990@gmail.com: “Muốn huy động được vàng trong dân thì trước tiên phải ổn định lạm phát ở mức thấp để lãi suất huy động tiền đồng thực sự hấp dẫn tương đương với việc mua vàng tích trữ. Chính sách cũng cần nhất quán và ổn định, không thể cứ điều chỉnh hay thay đổi liên tục được.”

Email tamduyenoee@gmail.com nêu các tình huống mà các nhà quản lý cần quan tâm:

“1.Chứng chỉ vàng có thể bị làm giả vì giá trị quá lớn.

2.Nếu đã là chứng chỉ vàng thì giá trị tương đương vàng vậy việc gì phải lấy chứng chỉ vàng để đổi lấy vàng thật trong dân và tại sao không lấy chứng chỉ vàng để thay vàng mua bán luôn đi.

3. Hình như ở nước ngoài chứng chỉ vàng là để quản lý. Có nghĩa khi mua vàng sẽ được cấp một giấy chứng nhận cũng như mua xe máy ở Việt Nam vậy. Vàng không có chứng nhận mua bán là vàng lậu.”

“Chúng ta hãy giống như người dân Hàn Quốc trước kia. Đừng trữ vàng nhàn rỗi, lo tập trung vào ổn định kinh tế. Hãy thể hiện lòng yêu nước đi nào”, đó là ý kiến của email luutrunghieu82@yahoo.com.vn.

Ban Bạn đọc