- Bài “Nản với phí: Ô tô ế ẩm” đã thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNam Net.

TIN BÀI KHÁC:

Khiếp đảm với chi phí cho ôtô

Giọng email longhuong2507@yahoo.com than thở: “Người trót có xe giờ mong bán đi không xong đành phải oằn lưng cõng phí này nọ, ai bảo ham hố giấc mơ bốn bánh làm chi, giờ rước thêm… nợ. Cứ đà này ra đường chắc chỉ toàn xe công. Nếu gặp xe khác, chắc là của các đại gia cỡ Đoàn Nguyên Đức hoặc Cường đô la mà thôi.”
Email vutambach@gmail.com tính toán cụ thể: “Khiếp đảm với chi phí cho ôtô nếu...có thêm phí lưu thông. Ở góc độ hạch toán, nếu đầu tư 1 chiếc ôtô 800 triệu thì dẫu đắp chiếu để ở gara mỗi tháng cũng mất 15 triệu.
1. Lãi suất: 10 triệu
2. Gửi xe: 1.5 triệu
3. Bảo hiểm toàn bộ: 1.0 triệu (12 triệu/năm)
4. Phí lưu thông (tôi tin là sẽ ‘bị’ thông qua): 2.5 triệu (30 triệu/năm)
Tổng: 15 triệu đồng/tháng.
Phen này chắc cá nhân, doanh nghiệp bán xe vợi.”

Ảnh minh họa
Bạn đọc Cao Minh (email caominhmoitruong@gmail.com) chia sẻ: “Đi làm 30 năm tích góp được gần 500 triệu đồng định mua chiếc xe bình dân để khi tuổi già về thăm quê. Vậy mà với mức phí cao thế thì mua xe rồi chẳng lẽ ‘ăn cơm bụi’?
Email hungmaque@gmail.com góp chuyện: “Tôi là một kỹ sư, ra trường đi làm đã 10 năm nay, nhưng đi xe máy, phải bịt kín mặt mũi cho mình và cả vợ con khi ra đường trời nắng, còn khi trời mưa thì ...Nay gom góp được khoảng 500 triệu đồng định mua ôtô, nhưng lại sợ về …phí!

Tôi có bạn là Thạc sỹ, lương tháng >2000$ (2009) ấy vậy mà không mua nổi ôtô, sau mấy năm ‘cày bừa’, cuối cùng vợ chồng ‘hắn’ chuyển đi Úc, hỏi thì ‘hắn’ bảo sang đấy chỉ để…mua được ôtô!”

 “Chiếc xe là phương tiện đi lại mà! Người có xe di chuyển nhanh hơn, an toàn hơn,  kinh tế phát triển hơn, hàng hóa lưu thông tốt hơn, công nhân viên có thể ở xa mà làm việc đúng giờ hơn. Sao lại tìm cách ngăn chặn một điều tốt như thế nhỉ?” email orchiddo@live.com đặt câu hỏi.

Câu hỏi khác của email minhhuong992000@yahoo.com: “ Chẳng lẽ Việt Nam chúng ta đi mãi xe đạp, xe máy của thế kỷ trước, trong khi trên thế giới người ta đã bỏ từ lâu rồi, thậm chí một số nước tại châu Á còn cấm các loại xe này trong thành phố?”

Với giọng ngậm ngùi, email longhuong2507@yahoo.com viết: “Tự dưng lại nhớ những năm 80 thế kỷ trước, khi đến phần dự báo thời tiết khu vực Hà Nội thì  TV chiếu  bức ảnh hồ Gươm với bạt ngàn xe đạp đi trên đường Bờ Hồ. Khi đó người lớn tuổi nói Hà Nội là thành phố xe đạp và ao ước ‘ bao giờ Thủ Đô của mình nhiều xe hơi giống như Tây nhỉ’. Giờ ‘nhà mình’ đang muốn Thủ Đô Hà Nội lại bạt ngàn… xe đạp như những năm nào?”

Email ngochababay@yahoo.com ‘nói dỗi’: “ Tình hình này, vài năm nữa đường phố Hà Nội và Sài Gòn mọi người sẽ chuyển sang đi xe đạp cho khoẻ và bớt ô nhiễm môi trường, trở về với những năm 50 của thế kỷ 20. Chúng ta quay lại, để các nước khác tiến lên.”

Giọng email nguyenxuanvinhna@yahoo.com lại ‘nói diễu’: “Tôi thấy Hà Nội có muốn ưu tiên đi xe đạp đâu, nhìn các ngã tư bị chặn thì biết, đi xe đạp vòng qua mấy chỗ đó có mà bở hơi tai.”

Thắc mắc của email thachminhtrung@hotmail.com: “Cùng trang web này đã có bài ‘Việt Nam loay hoay tìm công nghiệp mũi nhọn’, trong đó công nghiệp ôtô được coi là một ưu tiên. Nhưng nhiều quy định lại ‘bóp chết’ cầu nội địa thì làm sao có ngành công nghiệp sản xuất ôtô và sản xuất máy nông ngư nghiệp?” 

Muốn đi ôtô thì…ra ngoại thành


Email zakumibet@yahoo.com
viết: “Đằng nào tôi cũng chẳng đủ tiền mà mua. Cấm càng tốt. Cấm cho môi trường trong sạch. Mấy vị tiền nhiều nhưng ý thức bảo vệ môi trường quá kém nên chỉ muốn đi ô tô riêng. Các nước văn minh họ toàn đi xe đạp, xe điện, đi bộ, dùng điện thoại công cộng thôi.”

Bạn đọc Ngọc Lan (email claire_portman@yahoo.com) phụ họa:” Các nước phát triển còn khuyến khích dân đi xe đạp (trong nội thành) để giảm bớt mật độ xe cộ, bớt ô nhiễm môi trường và nâng cao sức khỏe.  Chính sách của Chính phủ về hạn chế xe hơi cá nhân đang đi đúng hướng. Tôi đã đi xe đạp hơn 2 năm nay rồi. Đi chợ, đi làm, đi công việc trong quãng đường 5km (một chiều) thật là tiện.  Mỗi khi thấy bà con kẹt xe (rất thường xuyên), tôi càng thấy quyết định đi xe đạp của mình là chính xác. Đã hơn một lần, xe siêu sang (Rolls Royce và Aston Martin) không thể so được với xe đạp của tôi về tốc độ khi đi trong quận 1 và quận 3 ở TP. HCM.”
Email trantuan@yahoo.com dứt khoát: “Đúng, phải làm cho đường thông thoáng. Muốn đi ô tô thì ra ngoại thành.”

Ý kiến của email tinychicken@hotmail.com: “Tôi cũng ủng hộ việc Chính phủ thu phí cao để hạn chế xe cá nhân. Bản thân tôi rất thích đi xe đạp vì 3 cái lợi: Môi trường, sức khỏe và tiết kiệm năng lượng. Bây giờ ở thành phố Hà Nội thường xuyên tắc nghẽn thì có thêm cái lợi nữa là thoát khỏi đám tắc nhanh hơn ô tô, xe máy. Đất nước mình tiến lên đâu có phụ thuộc vào việc dân có nhiều hay ít ô tô?”

Email truong_dn@yahoo.com đồng tình: “Nhiều còm- men chê cách điều hành của ngành giao thông, chê chính sách giảm mật độ ô tô thì thật… thiếu hiểu biết. Mỗi mét vuông đất Hà Nội cả trăm triệu đồng, cắt vài mét bán là có con xe siêu sang rồi. Quê tôi, Hà Nội ‘phẩy’ mà nông dân vừa lên quận lại thêm mấy cái khu đô thị nữa, ai cũng bán đất mua ô tô để…chồng lên nhau à mà không hạn chế? Nhà  không có chỗ để thì để ngoài đường, mà để ngoài đường thì đương nhiên phải cấm.”

Nhất trí với các ý kiến trên, email sieuclub@gmail.com viết: “Hạn chế xe là một biện pháp với VN bây giờ. VN đâu giống như các nước phát triển khác, cơ sở hạ tầng thấp kém nên cần phải đầu tư. Thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông cũng không dễ. Mấy ngày nay nghe vụ cao tốc Trung Lương – TP. HCM mà thấy nản. Chắc nhà nước phải thu thêm thuế giao thông để xây dựng cơ sở hạ tầng thôi.”

Email chithuy@yahoo.com hùa theo: “Kiểu giao thông ở VN, xe 4 bánh lấn cả sang đường xe 2 bánh. Hạn chế là phải thôi.”
Cách tính toán của email truongsonh7@yahoo.com: “Tôi cũng có tiền, nhưng học mấy chú em ở Sài Gòn đi xe máy chư khồn mua ôtô, để tiền mua đàn Piano mời nhạc công về dạy cho con, cho nó đi học tiếng Anh người nước ngoài dạy, chăm sóc cho lũ trẻ khôn lớn và học tốt, rồi cho con du học nước ngoài.”

 “Tôi nghĩ thu phí lưu hành ô tô, xe máy là hợp lý, vừa giảm tắc đường vừa đảm bảo công bằng xã hội lại có thêm tiền đầu tư cơ sở hạ tầng (nếu như quản lý tốt). Tôi ủng hộ Bộ trưởng Thăng trong việc này, hi vọng Bộ trưởng sẽ thành công và đất nước sẽ có cơ sở hạ tầng và giao thông tốt hơn. Lúc đó lợi ích thuộc về tất cả người dân Việt Nam”, đó là ý kiến của email hvac_kk@yahoo.com.

Ban Bạn đọc