- Bài “Phân cấp: Tỉnh chủ động quá đà, quốc gia lãnh hậu quả” đã thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:


Sáng tạo, quyết liệt nhưng vẫn…xin tiền ‘bố mẹ’?


Email nguyenthanh@vnn.vn viết: “Tôi là người dân ở Hà Nội, nhưng tôi có một cái nhìn thiện cảm mỗi khi có dịp đến Đà Nẵng. Phải thừa nhận là Đà Nẵng đã làm rất nhiều cái mới, cái hay, và quyết liệt thì mới có như ngày hôm nay. Đến với Đà Nẵng tôi có một cảm giác yên tâm, đường thông thoát, không bị kẹt xe, lề đường vỉa hè ít bị lấn chiếm, ít có người ăn xin, lang thang, giá cả vừa phải…Theo cá nhân tôi nghĩ các cấp nên rà soát lại các cơ chế chính sách, các văn bản đã ban hành quá lâu rồi, không còn phù hợp thì phải sửa đổi theo kết quả của các địa phương làm tốt để phát huy. Có như thế xã hội mới phát triển hài hòa, môi trường sống đươc cải thiện, chứ không nên giữ mấy cái văn bản đã ban hành quá cũ kĩ và cứ cố tìm cho ra cái sai của người ta mà bắt bẻ.”

Phụ họa của email kimnguyenletran@gmail.com: “Tôi cũng tán thành với ý kiến trên, suy cho cùng thì mục đích vẫn là làm cho xã hội ngày càng phát triển chứ khộng phải đi thụt lùi lại, Hà Nội mình bây giờ hễ triển khai ra vấn đề gì thì đâu dễ mà làm được, toàn là bàn ra không, đụng cái này cái kia. Học sinh mà đi xe máy thì phạt nặng đi chứ nương tay làm gì, các bác có nghĩ là nếu xảy ra tai nạn thì hậu quả ra sao? Tôi nghĩ nếu địa phương làm tốt thì các cấp nên sửa lại văn bản, ủng hộ họ đi, để làm cho xã hội ngày càng tốt lên.”

Ảnh minh họa
Email trantungbl@gmail.com hùa theo: “Tôi hoàn toàn ủng hộ Đà Nẵng. Mỗi địa phương phải phát huy thế mạnh và tiên phong làm những gì phù hợp hoàn cảnh, không thể chờ TW đưa ra chiến lược. Về lâu dài các địa phương cũng phải tự chủ nhiều hơn nữa. Chúng ta hình như đã quen với kiểu tập trung quyền lực về TW, hậu quả là các địa phương chỉ ăn bám TW, mất đi khả năng thích nghi và tính năng động sáng tạo, hãy hoan nghênh những địa phương đi đầu phát triển KT, XH.”

Bạn đọc tên Cường (emil ghidanh87@yahoo.com) nhận xét: “Đà Nẵng quyết liệt thật, sáng tạo thật nhưng… vốn là từ TW rót xuống. Nhà có hơn 60 anh em, người nào cũng sáng tạo quyết liệt nhưng… vẫn xin tiền bố mẹ thì tính sao? Tất nhiên là ưu tiên cho đứa con sáng giá nhất là đúng, nhưng cũng vừa vừa thôi.”

Email hoanglinh@yahoo.com lo lắng: “Các địa phương thi nhau ‘vẽ dự án’. Đương nhiên nếu không có ‘lót tay’ thì làm sao được thông qua?”

Ý kiến của bạn Nguyễn Dân (email noithat7963@gmail.com): “Chưa hết đâu. Còn cấp huyện nữa. Thât xót ruột vì bao nhiêu giấy tờ, hội họp, tiền bạc cho ‘cải cách hành chính’ của chúng ta! Đường lối, chủ trương của ta bao giờ cũng đúng, cũng hay nhưng khi thực thi thì…không có người làm thật, do đội ngũ yếu kém hoặc là lợi dụng vì mục đích nào đó (chủ yếu là vụ lợi). Nói thật điều này là ‘vì quan’, còn nếu vì dân thì phải làm thật, làm tốt. Mong rằng Chính phủ nhìn rõ thực trạng này để bộ máy vì dân hơn nữa.”

Email hotuansy@yahoo.com tiếp ‘mạch’ ý kiến trên: “Còn nữa, mỗi tỉnh có 1 trường Đại học, và để trường có thể sống được, thì phải đào tạo tại chức, liên thông. Cái này là gốc của mọi vấn đề, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ thiếu năng lực, do bằng thật, học giả.”

Đề nghị của email tranvankhaipgd@gmail.com: “Bộ Giáo dục và Đàotạo cùng Bộ Tư pháp, VP Chính phủ nên kiểm tra việc nhiều tỉnh, huyện cố tình không thực hiện Nghị định 115/NĐ-CP của Chính phủ mặc dù nó có hiệu lực từ 15/2/2011.”

Cần ‘ông Kim Ngọc’ đột phá trong quản lý và phát triển


Bạn Lê Xuân Chất ở Bình Phước (email gapgobanbe1983@gmail.com) viết: “Theo tôi công việc thực hiện tốt hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực của cán bộ lãnh đạo các cấp, trình độ của đội ngũ tham mưu, giúp việc cho các vị lãnh đạo ấy và cả cấp ủy, chính quyền địa phương. Chính vì vậy, khi bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp cần xem xét ai có tài thực sự để đại diện cho mình.”

Email thanhtungtpqn@gmail.com nhận định: “Không có một cơ quan thực hiện chức năng kiểm tra đủ mạnh như Viện Kiểm sát trước đây thì việc xảy ra tình trạng tùy tiện, trên dưới bất nhất là điều khó tránh khỏi. Thiết nghĩ đã đến lúc rất cần thiết phải thành lập một cơ quan chuyên trách độc lập, trực thuộc Quốc hội để làm tốt việc này.”

Ý kiến của email quangthanhcic@yahoo.com: “Cần có một ‘ông Kim Ngọc thứ hai’ đột phá trong việc quản lý và phát triển đất nước kiểu nhàng nhàng hiện nay. Đột phá thì mới phát triển được. Làm tốt cho dân, cho đất nước thì đôi khi ‘phá rào’ cũng cần được chấp nhận. Đi xe máy mà không đủ tuổi thì theo tôi nên tịch thu xe chứ chẳng cần giữ đến 15 ngày. Nước ta đông dân nên cần có pháp luật mạnh để nghiêm trị.”

Bạn Phạm Ngọc Phú (email phuibs@yahoo.com): “Chúng tôi mong Chính phủ mạnh để xóa bỏ nạn cát cứ, lộng hành.”

Góc nhìn của email phuongnam7273@gmai.com: “Nhà nước ta đông ‘con’ quá, khó quản lý, nên sáp nhập một số ‘con’ lại với nhau, như sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, làm sao nước ta chỉ còn khoảng 20 tỉnh thành thôi.”

Email van@yahoo.com tiếp ý kiến trên bằng câu hỏi: “Khi mới giải phóng cũng đã sát nhập đấy thôi, sau rồi vì sao lại tách ra?”

Bạn Nguyễn Hoàng Hải (email nguyen_hoanghai@yahoo.de) đề xuất: “Theo tôi cần bảo đảm nguyên tắc: Một mặt không được cứng nhắc giáo điều, cần những con người, tư tưởng mạnh dạn thay đổi những cái lạc hậu, dám ‘vượt rào’ khi ‘rào’ lạc hậu! Tuy vậy cũng không được địa phương cục bộ, khôn lỏi, hình thức, vi phạm luật pháp một cách tùy tiện.”

“Các địa phương cần chủ động trong việc huy động nguồn vốn để phát triển. Không thể dựa hết vào vốn từ NSNN được. Chỉ nên rót vốn từ NS cho những dự án phát triển hạ tầng, công cộng, phục vụ giáo dục, an sinh XH. Còn những dự án phát triển kinh tế thì địa phương đó phải chủ động tìm kiếm nguồn vốn từ bên ngoài chứ không được sử dụng tiền thuế của dân. Tránh tình trạng lạm dụng và đầu tư theo kiểu ‘cha chung không ai khóc”, đó là ý kiến của email trantheanh86@gmail.com.

Email anchoi357@yahoo.com.vn kiến nghị: “Cần có chế tài, xử phạt các hành vi ‘vượt rào pháp luật’ của người ra quyết định. Dân làm trái pháp luật thì bị xử phạt, quan ra quyết định trái pháp luật, nói sai mà vẫn cứ cãi, vẫn cứ làm, bị khẳng định là sai, vẫn cứ phải áp dụng đến kỳ họp tới mới sửa? Hình như quan làm sai thì không bị sao cả? Chỉ khổ cho dân!”

Tiếp mạch ý kiến trên là email minhphuhuynh2001@yahoo.com: “Trước hết phải thành lập Hội đồng bảo vệ Hiến pháp.”

Bạn Sơn Hà (email nguoitinhcam@gmail.com) lại có kiến nghị khác: “Tỉnh, huyện thì không thể bằng các Bộ. Nhưng các Bộ thì cũng quan liêu, luôn đẩy quả bóng về phía địa phương. Không tham gia gì với địa phương. Hãy nên bố trí cán bộ Bộ ngành điều động (phải là các cán bộ lãnh đạo) về địa phương đi và ngược lại.”

Quan điểm của email gapgobanbe1983@gmail.com: “Tuy rằng tình trạng chấp pháp trên lý thuyết thì cần xem xét, song cần nhìn nhận hiệu quả của nó mang lại như thế nào? Tôi không ủng hộ việc ban hành các văn bản đi ngược lại với nội dung của các ‘văn bản mẹ’, nhưng cũng không quá khắt khe với những kiểu ‘xé rào’ mà hiệu quả mang lại có chiều hướng tích cực cho xã hội.”

“Tôi mong QH nhìn nhận rõ thực tế: Nhập cư là một trong các yếu tố gây mất cân bằng về giao thông, về giá cả lương thực, thực phẩm tại các TP lớn và xem lại việc này”, đó là ý kiến của bạn Võ Tấn Điền (eail tandien_qn@yahoo.com).

Ban Bạn đọc