Hớt hải chạy vào hàng cầm đồ với sổ đăng kiểm ô tô, bằng lái xe ô tô và chiếc điện thoại Iphone 4, với lý do bị công an giữ xe, cần tiền nộp phạt, kẻ lừa đảo đã dễ dàng qua mặt các chủ tiệm cầm đồ để lừa lấy hàng chục triệu đồng…

TIN BÀI KHÁC:

Phản ánh với phóng viên VietNamNet, chị Trần Ngọc T. – Chủ hiệu cầm đồ trên phố Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Lúc đó vào khoảng 8h30 tối, khi tôi đang thu dọn để chuẩn bị đóng cửa hàng thì một thanh niên hớt hải bước vào và đề nghị tôi cầm giúp sổ đăng kiểm xe ô tô, giấy phép lái xe và một chiếc điện thoại Iphone 4 để lấy 20 triệu đồng.

Đăng ký xe ô tô mà các đối tượng dùng để lừa đảo chủ hiệu cầm đồ
Ban đầu tôi từ chối không nhận vì chiếc điện thoại Iphone 4 cũ giờ có bán cũng không được 10 triệu đồng và sổ đăng kiểm cùng với GPLX thì chẳng có giá trị gì. Khi tôi từ chối, người thanh niên đó cứ năn nỉ “Chị giúp em, xe em đang bị Cảnh sát giao thông họ giữ, giờ phải nộp hơn chục triệu thì mới lấy được xe ra luôn không thì họ giam xe mất. Em chỉ cần tiền ngay bây giờ thôi, khoảng 1 tiếng nữa vợ em sẽ mang tiền lên lấy giấy tờ về”.

Nhìn dáng vẻ tội nghiệp của anh ta, tôi mủi lòng nên đã quyết định cho anh ta vay tiền. Khi đó anh ta cứ năn nỉ là vay đủ 20 triệu nhưng may sao tôi chỉ cho vay 15 triệu thôi. Cầm được tiền, anh ta cảm ơn rối rít và trước khi ra về còn dặn tôi là “Chị cố mở cửa đợi em khoảng 1 tiếng nữa em quay lại chuộc đồ”.

Tin lời anh ta, tôi cứ ngồi cửa chờ anh ta quay lại chuộc đồ nhưng càng chờ càng mất hút. Đến hơn 11h không thấy anh ta quay lại, tôi đóng cửa hàng đi về và nghĩ rằng chắc có trục trặc gì nên anh ta mới không quay lại được. Ai ngờ, đến cả tuần sau vẫn không thấy anh ta mang tiền đến trả. Đến lúc đó tôi mới đem chiếc Iphone 4 mà vị khách đó để lại ra kiểm tra kỹ thì phát hiện đó là “Iphone dựng lại”, giá trị thật chỉ chưa đầy 2 triệu đồng. Nhờ người kiểm tra bộ giấy tờ thì 10 người xem xong đều bảo đó là giấy tờ thật nhưng…cũ quá rồi, chắc là đồ ăn cắp hoặc nhặt được”.

Tương tự như trường hợp của chị T., anh Long – Chủ hiệu cầm đồ ở khu vực Đền Lừ cũng bị một gã thanh niên lừa lấy 20 triệu đồng bằng thủ đoạn “Xe bị Cảnh sát giao thông giữ, cần tiền nộp phạt ngay nên mang giấy tờ xe và điện thoại đi cầm cố”. Anh Long cho biết “Khi anh ta đưa ra sổ Đăng kiểm và bằng lái ô tô, tôi đã cảnh giác bảo anh ta đưa Chứng minh thư ra nhưng anh ta kêu mới bị mất, chưa kịp làm lại”.

Xem xét kỹ và đếm số trang thì sẽ phát hiện ra quyển số đăng kiểm này được cấp từ năm 2007 và thiếu một số trang thể hiện việc đăng kiểm thường xuyên
Theo tìm hiểu của phóng viên VietNamNet, trong thời gian gần đây, đã có khoảng hơn 20 hiệu cầm đồ ở khu vực quận Thanh Xuân, Hoàng Mai bị các đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn kể trên. Các đối tượng lừa đảo thường nhằm vào giờ chủ hiệu cầm đồ chuẩn bị đóng cửa để ra tay và tổng số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt được lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng hầu hết các chủ hiệu cầm đồ đều phải ngậm đắng nuốt cay vì “Tại mình mất cảnh giác”.

Theo cơ quan công an, thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức cầm cố điện thoại rởm kèm theo đăng ký ô tô, bằng lái và sổ đăng kiểm của các đối tượng trên không phải là mới nhưng vẫn có nhiều nạn nhân “dính đòn” bởi thiếu cảnh giác. Một cán bộ Công an quận Hoàng Mai (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Có khả năng các đối tượng này đã làm giả các loại giấy tờ liên quan đến ô tô để tiến hành lừa đảo vì các thứ giấy tờ này đều rất quan trọng để những chiếc ô tô đủ điều kiện lăn bánh trên đường, nếu bị mất chủ xe sẽ báo với cơ quan chức năng để xin cấp lại ngay. Bên cạnh đó, cũng khó có chuyện có nhiều người cùng làm rơi, bị mất các loại giấy tờ quan trọng chỉ trong một thời gian ngắn như vậy”.

Anh Tú – Một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực ô tô cho biết: “Tốt nhất là không nên cầm cố các loại giấy tờ đó bởi thật ra, chúng chẳng có giá trị gì đối với những người không phải chủ xe ô tô. Trong trường hợp muốn cầm cố, chủ hiệu cầm đồ nên kiểm tra kỹ con dấu trên giấy tờ, ngày tháng mà bộ giấy tờ được cấp, đếm kỹ số trang trên sổ và kiểm tra xem Chứng minh thư của người mang đi cầm cố có trùng với bằng lái ô tô, đăng ký xe ô tô hay không. Nếu người mang đi giấy tờ đi cầm cố không đưa ra được Chứng minh thư thì đến 90% đó là kẻ lừa đảo”.

M.Thành