- Tôi hiện là một học viên được Đảng và Nhà nước cử đi học ở nước ngoài. Như một thói quen, cứ mỗi buổi sáng thức dậy, tôi đều bật máy tính lên và truy cập vào trang VietNamNet…để nắm bắt thông tin.

TIN BÀI KHÁC:


Bắc Kinh, ngày 07 tháng 6 năm 2012

Kính gửi: Ban Biên tập VietNamNet

Trước tiên, cho phép tôi được gửi tới Ban biên tập và đội ngũ cán bộ, phóng viên VietNamNet lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt, đồng thời xin chúc mừng những thành tựu mà VietNamNet đã đạt được trong thời gian qua.

Tôi hiện là một học viên được Đảng và Nhà nước cử đi học ở nước ngoài. Tuy là đi học ở ngoài nước và rất bận rộn với công việc học tập, nghiên cứu song để nắm bắt được tình hình đất nước, như một thói quen, cứ mỗi buổi sáng thức dậy, tôi đều bật máy tính lên và truy cập vào trang VietNamNet và một số báo điện tử khác, để nắm bắt được thông tin kịp thời. Những thông tin chọn lọc mà tôi nắm được qua VietNamNet đã góp phần tích cực vào công việc nghiên cứu và học tập của tôi.

Do tôi không phải là một nhà báo nên tôi chắc chắn những nhận xét của tôi về VietNamNet, rất có thể không đầy đủ và sâu sắc. Tuy vậy, tôi cũng xin nêu lên một số suy nghĩ của mình.

Trong bối cảnh xã hội thông tin đang phát triển mạnh mẽ, trình độ dân trí được nâng lên và quá trình dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa đang được đẩy mạnh thì đối với mỗi cơ quan báo chí, đây vừa là thời cơ, song cũng là thách thức. Để tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí cần không ngừng đổi mới về mọi mặt; vừa nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu của độc giả để không ngừng nâng cao chất lượng, lại vừa chú ý tới việc thực hiện chức năng định hướng dư luận, định hướng thị hiếu cho độc giả. Thời gian qua, tôi thấy, ưu điểm và việc mà VietNamNet đã thực hiện tốt đó là: Bám sát thực tiễn đất nước và những vấn đề được xã hội quan tâm để cung cấp, giới thiệu thông tin kịp thời, nhiều chiều, đa dạng cho độc giả. Nhiều vấn đề được xã hội và dư luận quan tâm đã được VietNamNet quan tâm phản ánh, phân tích và ‘mổ xẻ’ dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Có thể nói, ngoài các chức năng như chức năng thông tin, định hướng dư luận, chức năng giáo dục..., một chức năng khác mà VietNamNet đã làm khá tốt trong thời qua chính là chức năng giám sát và phản biện xã hội.

Tôi thấy, giám sát và phản biện xã hội là nội dung thuộc về ưu điểm và cũng là điểm nổi bật mà VietNamNet đã thể hiện rõ. Điều này cần được tiếp tục phát huy và nâng lên một tầm cao mới. Với tinh thần này, trong thời gian tới, bên cạnh việc chú trọng xây dựng đội ngũ phóng viên có năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm để có nhiều tác phẩm xoay quanh chủ đề giám sát và phản biện xã hội, VietNamNet cần tranh thủ tốt hơn nữa ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học (nhất là những người có trình độ chuyên môn, có năng lực phân tích, nhìn nhận vấn đề, đánh giá và kết luận, có trách nhiệm, bản lĩnh) để nêu lên những ý kiến có tính xây dựng về những bất cập, thiếu sót và chưa hoàn thiện trong quá trình thực hiện chủ trương, quyết sách nào đó, đồng thời, tham gia phản biện xã hội đối với một số dự thảo quyết sách quan trọng được dư luận và nhân dân quan tâm.

Thực hiện giám sát và phản biện xã hội một cách có chất lượng là con đường và phương thức để VietNamNet tiếp tục khẳng định được uy tín và thương hiệu của mình. Ngoài ra, cũng cần chú ý thực hiện tốt hơn chức năng định hướng dư luận; coi việc định hướng dư luận hướng tới cái đẹp, cái đúng, cái tốt, cái tích cực và lợi ích chung của đất nước, góp phần hình thành dư luận tích cực, có lợi cho sự phát triển của nhân dân là những tiêu chí quan trọng nhất của báo và điều này cũng phải được thể hiện rõ và thấm sâu vào từng bài viết được VietNamNet đăng lên.

Hy vọng, VietNamNet tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

Trên đây là ý kiến của bạn Nguyễn Trọng Bình, học viên Học viện Quản lý công, Đại học Nhân dân Trung Quốc góp ý cho VietNamNet.

Ban Bạn đọc