Anh là đích tôn, vì vậy mà bao nhiêu tình cảm ông bà, bố mẹ, người thân dành cho anh trước đây bây giờ cũng được truyền sang tôi...

TIN BÀI KHÁC

(ảnh minh họa)

Đã gần 11 năm - cái ngày tôi chính thức về ra mắt gia đình nhà chồng. Lúc bấy giờ tôi đã 26 tuổi, tình yêu của chúng tôi cũng được gần 2 năm. Ấn tượng đầu tiên mà cho đến giờ tôi vẫn không thể quên được là một người phụ nữ chân chất từ thềm nhà bước ra giọng vồn vã, vui vẻ hỏi “về rồi hả con”. Thấy anh chào mẹ, tôi cũng vui vẻ toan chào bác.

Rồi bà vội ra cầm tay tôi, giúp tôi xách bớt đồ lỉnh kỉnh trên tay vào nhà. Tôi có thiện cảm với mẹ anh ngay từ cái sự chân chất, thân thiện ấy. Bước lên thềm tôi hơi giật mình khi nhìn thấy trong nhà khá đông đủ, có lẽ cả gia đình anh, ông bà, họ hàng chú, bác, anh, chị đã ngồi đợi sẵn cả ở đây đúng kiểu để “xem mặt”, nhưng tôi cũng không vì thế mà lúng túng, tôi cúi chào ông bà, chào các cô bác, anh chị trong nhà vì lúc đó tôi cũng chưa biết cụ thể ai là ai nên chào chung chung theo độ tuổi vậy. Rồi anh lần lượt giới thiệu tôi với mọi người trong gia đình anh. Nói thật là tôi nhìn bề ngoài cũng khá ưa nhìn, tôi cũng không phải đứa không biết phép tắc lịch sự chào hỏi. Có lẽ vì thế mà ai cũng niềm nở, thiện cảm với tôi mặc dù trước đó anh có nói nhà anh kén dâu khó lắm, tôi cũng chẳng biết lúc đó anh đùa hay thật nhưng có lẽ ra mắt như thế là đã ổn rồi.

Và đúng vậy, đám cưới của chúng tôi diễn ra như dự định trong sự chúc phúc của hai bên gia đình họ hàng. Ngày cưới, cả ông bà, bố mẹ anh đều lên trao quà cưới cho chúng tôi, dặn dò và ôm hai vợ chồng tôi chúc phúc, làm tôi xúc động vô cùng, bạn bè tôi cũng thấy ngưỡng mộ. Anh là đích tôn, vì vậy mà bao nhiêu tình cảm ông bà, bố mẹ, người thân dành cho anh trước đây bây giờ cũng được truyền sang tôi, làm tôi thầm nghĩ thật may mắn được làm dâu nhà anh, nhưng kèm theo đó là những hy vọng, mong mỏi sớm có một đứa cháu nỗi dõi vì ông bà anh cũng già rồi, bố mẹ cũng sang tuổi lục tuần.

Chồng tôi là sĩ quan quân đội, đóng quân cách nhà 100km nên cứ khoảng một tháng anh mới về  nhà một lần ngày cuối tuần rồi đi.  Sau cưới, anh ở nhà thêm được 2 tuần rồi cũng lên đơn vị. Dâu mới về nhà chồng, chồng lại không ở nhà, biết bao bỡ ngỡ nhưng thật may mắn, mẹ chồng tôi thương tôi chồng ở xa, nên hay gần gũi nói chuyện, chỉ bảo và sang ngủ cùng tôi cho đỡ buồn. Thật vui là chỉ hai tháng sau tôi đã có tin vui cho cả nhà, tôi nghĩ còn gì hạnh phúc hơn.

Những ngày thai nghén là những ngày thật khổ sở với tôi, không ai nghén như tôi, cảm giác buồn nôn, mệt mỏi, khó ăn,  khó ở vô cùng. Chồng tôi không ở bên cạnh tôi nhiều được, vậy là bao nhiêu ngày thai nghén vật vã, chỉ có mẹ chồng tôi chăm, cơm bưng, nước rót, xoa dịu cho tôi, ngày cũng như đêm, tôi khó ở bao nhiêu cũng là bấy nhiêu ngày mẹ vất vả, xanh xao cả lên. Thấy thương mẹ, tôi bảo mẹ tôi tự lo được, nhưng mẹ không yên tâm, cứ bên tôi, chăm sóc tôi không rời, cầu kỳ nấu những món ăn bổ dưỡng rồi động viên tôi ăn bằng được. Mẹ làm tôi thật sự rất cảm động!

Rồi những ngày ấy cũng qua. Chồng tôi về và đưa tôi đi siêu âm, là một bé gái phát triển bình thường khỏe mạnh, thế là tôi vui lắm rồi. Nhưng vừa về đến nhà, bà nội từ phòng chạy ra hỏi han “cháu trai hả, bà đã linh tính thế rồi mà”. Tự nhiên tôi hơi bối rối, rồi trả lời “bé gái bà ạ”. Bà nội tôi hỏi “có nhầm không?”  - chợt một cảm giác xót xa sao ấy trong tôi, bấy giờ tôi mới ngộ ra cái gánh nặng dâu trưởng là thế nào, hóa ra ai cũng chỉ mong mỏi có một cháu trai, một người nối dõi. Tôi ngây người, chợt mẹ chồng tôi niềm nở “thai nhi khỏe không con, con nào cũng là con, cũng là ruột thịt, cũng quý tất”. Tôi như được an ủi phần nào.

Bữa cơm trưa dọn ra, có cái gì đó không được như mọi khi, ông nội, bố chồng thì không nói gì, bà nội thì hối thúc tôi siêu âm lại xem sao, bà tin bà không nhầm. Nhưng đó là đứa con gái. Những ngày tháng sau đó cho đến lúc tôi sinh, tôi thấy hụt hẫng vô cùng, bấy nhiêu yêu thương tình cảm của ông, bà nội, bố chồng dành cho tôi cứ như vơi dần đi, chỉ có mẹ tôi luôn là người đứng ra che chở tôi, là người thuyết phục cả nhà với lý lẽ rằng “gái trước, trai sau mới là điểm 10”, mẹ là cầu nối yêu thương cho cả nhà trong bữa cơm, câu chuyện. Tôi thầm cảm ơn mẹ, vì có mẹ mà xa chồng tôi đỡ cảm thấy chạnh lòng và được an ủi rất lớn. Mẹ đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho tôi.

Có những đêm nằm tỉ tê, tôi mới biết được hóa ra mẹ cũng đã từng trải qua cái áp lực như tôi, cũng bị bà nội tôi lạnh nhạt, hắt hủi khi sinh hai người chị chồng tôi, cũng bao lần vì cái áp lực và sự cay nghiệt của bà nội, mẹ đã muốn bỏ về nhà bà ngoại, nhưng vì thương con mẹ cắn răng chịu đựng và may mắn mẹ cũng sinh được con trai – là chồng tôi bây giờ, từ đó mẹ mới trút khỏi được gánh nặng trách nhiệm với gia đình chồng, và được gia đình đối xử tốt hơn. Hóa ra mẹ còn đáng thương hơn tôi, bởi dù sao tôi cũng còn có mẹ ở bên. Ngày tôi sinh, chồng tôi chưa kịp về, mẹ chồng tôi là người luôn túc trực bên tôi. Tôi phải sinh mổ, thế là một lúc mình mẹ phải chăm cả hai mẹ con vì mẹ đẻ tôi ở xa chưa kịp lên. Trời thì rét căm căm dưới 15 độ, con tôi khóc vì tôi chưa có sữa, vết mổ của tôi thì đau điếng, thế là mình mẹ hết bế cháu, cho cháu ăn, lại lo cơm nước cho tôi, rồi lại lo giặt giũ, luôn chân luôn tay suốt 1 tuần tôi ở viện, mặc dù có chồng tôi đã về phụ giúp và mẹ đẻ tôi đã lên. Nhưng mẹ nhanh nhẹn, lại thạo việc nên cái gì cũng đến tay. Rồi nằm cữ hơn 3 tháng mà vẫn mẹ phục vụ như vậy, lúc đó tôi chỉ mong sao nhanh hết cữ để tôi có thể đỡ đần mẹ, để mẹ rảnh tay có thời gian ngủ nghỉ. Lại những đêm con tôi nóng sốt, ốm đau cũng là bấy nhiêu đêm mẹ thấp thỏm âu lo. Tôi nghĩ lấy chồng bộ đội thiệt thòi nhất lúc mang thai, con mọn ốm đau nhưng tôi nghĩ mẹ tôi có lẽ cũng thiệt thòi và vất vả không kém, thậm chí là hơn tôi nhiều.

Rồi con gái tôi cũng tròn 3 tuổi trong sự chăm bẵm đón đưa chủ yếu của bố mẹ chồng tôi, vì tôi cũng  phải đi làm ngay sau 4 tháng sinh con. Trong 3 năm đó cái nghĩa vụ sinh con trai của tôi vẫn thường xuyên được thúc giục từ ông bà nội và họ hàng, là bao lần lòng tôi nặng trĩu. Vì sinh mổ nên tôi cũng phải chờ ít nhất 3 năm mới có thể mang thai tiếp. Nhưng đến khi con gái tôi gần 4 tuổi rồi mà tôi vẫn chưa có gì. Chính tôi là người lo lắng hơn ai hết, chính tôi buồn tủi hơn ai hết, đây là quãng thời gian ê chề nhất với tôi khi không ít lần bà nội tôi nói bóng gió về chuyện tôi không biết đẻ, không đẻ được nữa, còn xui chồng tôi bỏ tôi đi.

Đúng là có đi qua nỗi đau mới biết, mẹ chồng tôi vì thế mà cứ an ủi tôi kiên trì, động viên tôi cố gắng, thương tôi nhiều hơn. Tôi và chồng tôi đi khám thì bác sĩ nói không vấn đề gì nhưng sao lâu quá. Ngày qua ngày trở nên dài lê thê đối với tôi. Có lúc nghe những lời cay nghiệt của bà nội mà tôi cũng đã nghĩ đến chuyện bỏ về nhà mẹ đẻ, từ bỏ cái trách nhiệm quá nặng nề kia nhưng nghĩ đến mẹ chồng tôi đã đứng ra che chở cho tôi suốt quãng thời gian làm dâu, nghĩ đến mẹ đã từng như tôi và đã vượt qua được, tôi lại không dám,và tôi lại như có thêm nghị lực để không phụ lòng mẹ. Một lần nữa mẹ lại thuyết phục, lí lẽ với gia đình chồng tôi rằng do chồng tôi đi xa, ít gần gũi nhau được, sự chậm trễ là đương nhiên. Vì vậy mà không ít lần mẹ tạo cơ hội cho tôi lên thăm chồng  sâu xa cũng là để vợ chồng tôi gần gũi nhau nhiều hơn, khi mà chồng tôi không có điều kiện về nhà nhiều được. Tôi hiểu ý sâu xa, tế nhị của mẹ và chỉ biết cảm ơn, kính trọng mẹ hơn. Tôi phải chờ đợi đến bao giờ đây? Trong lúc tuyệt vọng nhất vì đã gần 2 năm trời cố gắng mà chưa thấy kết quả, thì tôi lại thấy người khác khác. Tôi hồi hộp mua que thử. Tôi có thai! Mẹ có lẽ là người vui nhất, còn tôi vẫn lo lắng không biết có phải là con trai không đây? Rồi sau hai tháng, tới ngày siêu âm, mẹ con tôi vỡ òa trong niềm hạnh phúc vì đó là một bé trai, hơn nữa đó là tôi có thể làm tròn trách nhiệm với gia đình, với ông bà chồng tôi, tôi trút được gánh nặng “sinh con nối dõi”.

Tôi sẽ không phải chịu đựng những lời nói cay nghiệt, xúc phạm, hắt hủi của bà nội chồng tôi nữa.

Con trai tôi năm nay đã ba tuổi rồi, trộm vía cháu rất ngoan và thông minh, được gia đình chồng tôi rất cưng chiều, tôi cũng được mọi người đối xử như xưa. Nhưng trong sâu thẳm, có lúc tôi chợt lo lắng, liệu trên đường đời nhiều trắc trở, không may xảy ra chuyện gì đó, tôi lại phải đứng trước áp lực sinh con trai nối dõi, nếu không có một người mẹ như mẹ chồng tôi liệu tôi có đủ nghị lực mà sống mà vượt qua? Không có mẹ, tôi không có hạnh phúc như ngày hôm nay! Mẹ là người đã dang tay đón con ngay từ  ngày đầu về ra mắt và mở rộng vòng tay che chở cho con suốt 10 năm qua với biết bao tình thương.

Con cảm ơn mẹ -  mẹ của con - người đã dắt con qua nỗi đau và đến bến bờ hạnh phúc như ngày hôm nay! Mẹ hãy sống thật mạnh khỏe mẹ nhé!

Nguyễn Lan
Thể lệ tham dự cuộc thi viết về “Mẹ chồng nàng dâu thời hiện đại”

Viết lại những ấm ức, giận hờn và yêu thương giữa mẹ chồng, nàng dâu và chia sẻ với câu chuyện đó với bạn đọc báo VietNamNet, nhận cơ hội trúng 1000.000 đ.

Câu chuyện nên viết dưới 1000 từ, gửi về địa chỉ email: banbandoc@vietnamnet.vn hoặc báo VietNamNet, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội.

Tiêu đề thư xin ghi rõ: Bài viết tham gia chủ đề: “Mẹ chồng nàng dâu thời hiện đại”.

Bài viết của độc giả, ban biên tập có quyền cắt gọt cho phù hợp với hình thức của báo.

Những bài viết cần giữ kín danh tính, xin ghi rõ cuối mỗi bài viết gửi tham dự chuyên mục.

Bài viết có lượng truy cập nhiều nhất theo cách đo, kiểm của hệ thống google giành được phần thưởng trị giá 1.000.000 đồng.

Thời gian nhận bài từ ngày 1/6/2012 đến hết ngày 30/7/2012. Mời bạn đọc tham gia gửi bài dự thi.

Mời bạn đọc tham gia gửi bài viết dự thi.