-  Tôi lấy chồng được 10 năm nhưng không có con, nguyên nhân không có con là do tôi. Dù rất buồn nhưng tôi cũng phải chấp nhận cho chồng đi kiếm đứa con bên ngoài vì chồng và gia đình chồng vẫn rất thương yêu và tôn trọng tôi. 

TIN BÀI KHÁC

(ảnh minh họa)

Mới đây, chồng tôi nói là đã có con trai với người đàn bà khác (người đó đã ly dị chồng), anh vẫn chu cấp tiền bạc để nuôi con nhưng không sống chung cùng cô gái đó. Bố mẹ cô gái đó biết chuyện đòi kiện chồng tôi. Giờ chồng tôi có thể nhập hộ khẩu cho bé về gia đình mình được không và vợ chồng tôi muốn nhận bé làm con nuôi có được không? Nếu vì lý do nào đó mà vợ chồng tôi phải ly hôn thì tôi có được hưởng phần gia tài mà vợ chồng tôi đã sống chung cùng bố mẹ chồng không?

Luật sư tư vấn:

Câu hỏi của Chị có 3 phần :

I- Ý định nhận cháu bé kia làm con nuôi của vợ chồng chị : Trong trường hợp này, vì đứa bé là con ruột của chồng chị, thì để nhận đứa bé làm con thì 2 vợ chồng chị có thể thực hiện những thủ tục sau: 

- Đối với chồng chị thì:  thực hiện thủ tục đăng ký nhận cha - con. 

- Đối với chị thì: thực hiện thủ tục nhận con nuôi.

Thủ tục đăng ký việc nhận cha, mẹ, con: 

Căn cứ theo Điều 34 Nghị Định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con được quy định như sau: 

1. Người nhận cha, mẹ, con phải nộp tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Kèm theo tờ khai phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

a) Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con;

b) Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có).

2. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.

Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.

3. Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, các bên cha, mẹ, con phải có mặt, trừ trường hợp người được nhận là cha hoặc mẹ đã chết. Cán bộ tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên một bản chính quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Bản sao quyết định được cấp theo yêu cầu của các bên.

Hồ sơ đăng ký nộp tại : Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.

Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi: 

Căn cứ theo Điều 26 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi được quy định như sau: 

Hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi gồm có:

1. Giấy thỏa thuận về việc cho và nhận con nuôi (theo mẫu quy định).

Giấy thỏa thuận về việc cho và nhận con nuôi phải do chính cha, mẹ đẻ và người nhận con nuôi lập, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đẻ đã ly hôn. Trong trường hợp một bên cha hoặc mẹ đẻ đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì chỉ cần chữ ký của người kia; nếu cả cha và mẹ đẻ đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì người hoặc tổ chức giám hộ trẻ em thay cha, mẹ đẻ ký giấy thỏa thuận. Đối với trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng mà không xác định được địa chỉ của cha, mẹ đẻ, thì người đại diện của cơ sở nuôi dưỡng ký giấy thoả thuận.

Nếu người được nhận làm con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên, thì trong giấy thỏa thuận phải có ý kiến của người đó về việc đồng ý làm con nuôi, trừ trường hợp người đó bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Trong trường hợp người nhận con nuôi không cư trú tại xã, phường, thị trấn, nơi đăng ký việc nuôi con nuôi nói tại khoản 2 Điều 25 của Nghị định này, thì giấy thỏa thuận về việc cho và nhận con nuôi phải có xác nhận của ủy ban nhân cấp xã, nơi người nhận con nuôi cư trú về việc người đó có đủ điều kiện nuôi con nuôi theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

2. Bản sao giấy khai sinh của người được nhận làm con nuôi.

3. Biên bản xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi, nếu người được nhận làm con nuôi là trẻ bị bỏ rơi.

Hồ sơ đăng ký nộp tại : Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đăng ký việc nuôi con nuôi

II- Việc nhập hộ khẩu của cháu bé theo chồng chị : Vợ chồng chị có thể nhập hộ khẩu cho cháu theo cha (chồng chị) sau khi đã đăng ký nhận cha, mẹ, con. Căn cứ theo Điều 13 Luật Cư trú quy định về nơi cư trú của người chưa thành niên như sau: 

1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống. 

2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Thủ tục nhập hộ khẩu (đăng ký thường trú):  

Căn cứ theo Điều 21 Luật Cư trú năm 2006 thì thủ tục đăng ký thường trú được quy định như sau: 

1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:

a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại công an huyện, quận, thị xã;

b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại công an xã, thị trấn thuộc huyện, công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật Cư trú năm 2006;

c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của luật này.

Thủ tục xin giấy chuyển hộ khẩu: 

Căn cứ Điều 28 Luật Cư trú 2006 quy định về giấy chuyển hộ khẩu như sau: 

1. Công dân khi chuyển nơi thường trú thì được cấp giấy chuyển hộ khẩu.

2. Giấy chuyển hộ khẩu được cấp cho công dân trong các trường hợp sau đây:

a) Chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh;

b) Chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

3. Thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu được quy định như sau:

a) Trưởng công an xã, thị trấn cấp giấy chuyển hộ khẩu cho trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 điều này;

b) Trưởng công an huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương, trưởng công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chuyển hộ khẩu cho trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 điều này.

4. Hồ sơ cấp giấy chuyển hộ khẩu bao gồm sổ hộ khẩu và phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. 

5. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp giấy chuyển hộ khẩu cho công dân. 

Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được thông báo tiếp nhận của cơ quan quản lý cư trú nơi công dân chuyển hộ khẩu đến, công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có người chuyển đi phải chuyển hồ sơ đăng ký, quản lý hộ khẩu cho công an cùng cấp nơi người đó chuyển đến.

6. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không phải cấp giấy chuyển hộ khẩu:

a) Chuyển đi trong phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi trong cùng một huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; chuyển đi trong cùng một thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

b) Học sinh, sinh viên, học viên học tại nhà trường và cơ sở giáo dục khác;

c) Đi làm nghĩa vụ quân sự, phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân;

d) Được tuyển dụng vào quân đội nhân dân, công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại hoặc nhà ở tập thể;

đ) Chấp hành hình phạt tù; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc, quản chế.

III- Khả năng hưởng phần trong khối tài sản chung với gia đình chồng khi ly hôn : Trường hợp của chị, thì khi vợ chồng chị ly hôn thì tòa án sẽ căn cứ nguyên tắc đầu tiên áp dụng khi vợ chồng chị ly hôn là tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân của hai vợ chồng thì chia đôi. Vì tài sản của vợ chồng chị gắn với tài sản của gia đình chồng nên toà sẽ áp dụng Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn để giải quyết, quy định cụ thể như sau:  

1. Trong trường hợp vợ, chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thoả thuận với gia đình; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu toà án giải quyết.

2. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia.

Tư vấn bởi Ls.Nguyễn Thành Công - Đoàn Luật sư TP.HCM
Công ty Đông Phương Luật (120 Sương Nguyệt Anh, Q.1, TP.HCM)
ĐT: 08 62906420 - 0906633168