-  Bài “BĐS được cứu vẫn đóng băng: Nhà đầu tư sợ hãi” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC


(ảnh minh họa)

Làm sao cứu được BĐS khi giá vẫn ở… trên trời?

Email leotopaz@yahoo.com nhận xét: “Bài viết giải được bài toán tâm lý làm mấu chốt trong kinh doanh và cả trong điều hành kinh tế. Nếu có niềm tin thì dù khó khăn vạn lần, cũng sẽ vượt qua. Nếu không thì dù đang mạnh cũng thành yếu. Ví dụ ngân hàng dù lớn đến đâu nếu người gửi tiền không tin mà xếp hàng đòi tiền thì ngân hàng đó cũng sụp đổ. Bất động sản phụ thuộc vào 3 nguồn vốn: Tự có của chủ dự án (chiếm từ 5-20%), vay ngân hàng (30-40%), còn lại là của người mua. Bất động sản giờ đang có bệnh trọng là người mua đứng ngoài cuộc,  ngân hàng sợ hãi cho vay. Thế nên nếu không nhanh chóng xử lý vấn đề này thì không cứu vãn được tình hình.”

Ý kiến của bạn Yến (email hoangyensaigonlog@yahoo.com.vn): “BĐS không đóng băng mới là lạ! Cứ thấy thị trường đang lên là lại nghe tin ra luật này, luật kia thì còn ai dám mua BĐS? Ngày xưa còn dùng vàng làm công cụ thanh toán, bây giờ cấm thì phải có một lượng cung tiền thật lớn bơm vào nền kinh tế mới giúp thanh khoản thị trường BĐS. Thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát mà giá hàng hóa thiết yếu vẫn cứ cao, trong khi các thị trường khác thì cứ đóng băng.”

Bạn Việt (email viet_thanh1968@yahoo.com) phân tích: “Làm sao có thể cứu được BĐS khi mà giá BĐS vẫn ở… trên trời? Ở các nước chỉ số giá BĐS/thu nhập chỉ từ 4 - 6 lần thì ở Việt Nam hiện nay là ...25 lần. Cao khủng khiếp như vậy thì dù Nhà nước có miễn thuế hay duy trì lãi suất bằng 0% cũng không thể cứu được. Một nền kinh tế kém phát triển, thiếu sáng tạo, chủ yếu dựa trên gia công, xuất thô, lợi nhuận chỉ vừa đủ ăn thì lấy đâu ra tiền để mua nhà giá cao khủng khiếp hơn cả ở Pháp, Mỹ, Úc v.v. như vậy? Có thể có người sẽ thắc mắc, vậy tại sao vừa qua giá BĐS lên cao thế mà vẫn có người mua? Đó một phần là do tiền ‘dễ dãi’ từ các ngân hàng bơm ra (đến giờ thì các ngân hàng cũng đang ‘chết sặc’ vì đã bơm tiền quá dễ dãi nên nợ xấu nhiều, nguy cơ mất trắng vốn là rất cao), và một phần là do tiền tham nhũng mà có. Thời gian tới sẽ không còn như thế nữa, tham nhũng sẽ từng bước bị ngăn chặn cùng với việc siết chặt đầu tư công, ngân hàng thì có cho uống thuốc an thần cũng không dám bơm tiền dễ dãi như trước. Bối cảnh như vậy, giá BĐS chắc chắn phải giảm. Thị trường BĐS Việt Nam chỉ ổn định và phát triển khi nào chỉ số giá BĐS/thu nhập tương đương với các nước.”

Suy ngẫm của bạn Trần Dao (email thietbxbt@gmai.com): “Ăn mặn thì phải khát nước thôi! Các nhóm cùng lợi ích lấy đất của nông dân với giá bèo, sau vài động thái qua quýt bán lại với giá cắt cổ. Đối tượng bị ‘cắt cổ’ nhiều nhất chính là nhóm đầu cơ, chứ dân dù có nhu cầu thật thì cũng chỉ đứng nhìn mà xót xa, vì giá cả cho dù có hạ 50% đi nữa, thì đa số người lao động phải è cổ làm lụng và cần 100 năm (nhịn ăn) dành dụm may ra mới mua được (có khi lại bị lừa trên giấy). Ông trời đôi khi cũng… công bằng thật!”

Còn ai tin mà mua nhà đất theo kiểu dự án nữa?

Theo quan sát của bạn Nguyên Nguyễn (email nguyenn@gmail.com) thì: “Làm gì có hạ tầng mà mua! Dự án không điện, không nước, không trường, không trạm thì ở làm sao mà mua? Giờ dân đầu cơ sợ rồi, chỉ còn người có nhu cầu ở thực mà không ở được thì mua làm gì. Hãy xem một loạt dự án gần trung tâm nhất, trên đường Lê Văn Lương kéo dài, đoạn hất từ ngã tư Vạn Phúc trở về đấy, biết bao dự án gần như xong (Vinaconex3, Trung Văn, Đài Tiếng nói VN....) làm gì có hạ tầng đủ cho dân sinh sống?”

Bạn Nguyễn Tuân (email nguentuan@yahoo.com) phụ họa: “Bạn Nguyên Nguyễn nói quá chuẩn! Làm gì có cơ sở hạ tầng để ở đâu mà mua? Trước đây các nhà đầu cơ lướt sóng cứ mua đại đi để bán, không tính đến điện-đường-trường-trạm. Bây giờ dự án nào muốn bán được thì phải xây đủ cơ sở hạ tầng trước, rao bán sau! Không ‘ăn xổi ở thì’ như trước được nữa: Vẽ ra đủ thứ để bán căn hộ, biệt thự, khi bán xong, bỏ mặc điện-đường-trường-trạm!”

Giọng lưỡng lự của bạn Vân Trường (email chuong167vc@yahoo.com): “Mua hay là hãy đợi đấy? Đất nền thì không đủ hạ tầng KT và XH; nhà chung cư thì giá quá đắt, nhanh xuống cấp, dịch vụ vừa kém vừa đắt (do các loại chi phí trên trời đưa vào); ngân hàng cho vay thì người vay chỉ biết lãi suất từ 1-6 tháng, còn sau đó thế nào tùy ý ngân hàng. Người mua BĐS muốn doanh nghiệp BĐS, các chủ đầu tư và Ngân hàng xử lý các vấn đề trên. Các vấn đề đó được giải quyết tốt thì họ (người sử dụng nhà ở) sẽ mua vì họ cũng cần và muốn có nhà ở; nếu không thì...hãy đợi đấy!”

Bạn Bùi Tùng (email buitung80@yahoo.com.vn) phân tích: “Các doanh nghiệp kinh doanh BĐS không có năng lực tài chính chủ yếu dựa vào vốn vay từ ngân hàng và tạm ứng của người mua. Vì không có năng lực tài chính nên chậm trễ trong hoàn thiện các dự án người mua đã tạm ứng nên bị mất lòng tin; ngân hàng siết tín dụng trong khi không bán được sản phẩm nên khó khăn chồng khó khăn; ngân hàng hạ lãi suất cho vay mua nhà nhưng chính sách không ổn định nên người dân nghi ngờ có thể chỉ được hưởng lãi suất thấp một vài tháng sau này nhà đã mua, tiền đã vay mà ngân hàng tăng lãi suất thì khốn khổ. Trước đây giá nhà đất quá cao, nay hàng ngày các phương tiện thông tin có vô số bài phân tích về thời bĩ cực của BĐS, nên người có nhu cầu có tâm lý chờ đợi. Chính vì vậy mà còn lâu thị trường BĐS mới ấm được.”

Nhận xét chẳng mấy thiện cảm của bạn Nam Nam (email nnam@yahoo.com): “Doanh nghiệp bất động sản thì chặt chém. Dự án đền bù một vài trăm ngàn đồng/mét vuông nhưng bán vài chục triệu đồng/mét vuông. Nhóm lợi ích chia nhau ăn cả cái lẫn nước, cả cặn lẫn bã: Xây thô, hoàn thiện, làm đường, dịch vụ hạ tầng, dịch vụ... Cái gì cũng ăn. Lại luôn luôn thất hứa. Mua được lô đất mà thủ tục 10 năm chưa xong. Lấy tiền xong rồi làm việc khác, còn đất thì ‘ngâm tôm’. Người mua khốn khổ. Không còn ai tin và sẽ không ai mua nhà đất theo kiểu dự án nữa đâu. Chỉ trót dại một lần thôi đã đủ cạch đến già. Người có tiền họ cất vào túi cho chắc chắn. Không thả gà ra để đuổi nữa!”

Bạn Bùi Thái Sơn (email sonbuithai@yahoo) chiêm nghiệm: “BĐS Việt Nam đa phần chỉ do dân đầu cơ, một số quan chức tham nhũng mua đi bán lại cho nhau, chứ thực sự chủ các BĐS ngày nay mua BĐS không phải để ở mà chỉ để chờ giá lên bán lấy lãi. Hãy mở thử một cuộc điều tra, tôi dám chắc: Từ cán bộ cấp phường trở lên ai cũng có 'dự trữ' một mảnh đất. Nhà nước là của dân! Dân còn rất nghèo! Nhà nước cần có chính sách cứu giúp người nghèo chứ không phải đi cứu những kẻ đã quá giàu. Làm giàu ở Việt nam, nhưng thử hỏi họ đã đóng thuế cho nhà nước bao nhiêu phần trăm trên giá trị tài sản của họ? Hãy trả BĐS trở về với giá trị thật của nó!

'BĐS được cứu vẫn đóng băng: Nhà đầu tư sợ hãi', đầu đề bài báo đã nói lên phần nào về thị trường BĐS Viêt Nam.”

Với giọng văn hình tượng nhưng dứt khoát, email linhnguyen@gmail.com cho rằng: “Con gà đẻ trứng vàng BĐS đã chết từ năm 2007 rồi!”

Ban Bạn đọc