Đông đảo bạn đọc bị thu hút bởi các bài báo “Người mua thiếu niềm tin: BĐS còn bi đát”, “Kích cầu BĐS: Cần liều thuốc tăng trọng”. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC

(ảnh minh họa)

Giá BĐS vẫn còn ở… trên trời?

Sau khi đọc câu ‘BĐS còn bi đát ....nhiều dự án căn hộ tại Hà Nội đã giảm giá bán bằng hoặc dưới giá thành, ở mức 16-17 triệu đồng/m2 ...’ của bài báo, bạn Bùi Thái Sơn (email sonbuithai@yahoo.de) cho rằng: “Giá này vẫn còn là giá… trên trời. Bao giờ giá xuống dưới 10 triệu đồng/m2, khi đó mới có thể nói đó là giá hợp lý.”

Bạn Pham Thanh Binh (email huychat_pmu5@yahoo.com) phụ họa: “Giá nhà như hiện nay vẫn còn rất cao so với thu nhập của người làm công ăn lương, nếu có giảm chỉ là một phần lãi của chủ dự án hoặc của những người đầu cơ găm hàng, của những người có rất nhiều tiền từ các nguồn không chính đáng mua để đấy để giữ tiền, nên giá phải hạ nhiều hơn nữa thì mới có người mua để ở thực.”

Tán đồng của email tuan@yahoo.com.vn: “Giá 16 - 17 triệu/m2 nhà chung cư là quá đắt - nếu bán được như vậy nhà đầu tư vẫn lãi 5 triệu/m2 - bán được chỉ cần 12 triệu/m2 là vẫn lãi rồi. Nếu không hạ giá bán, cứ đắp chăn nằm đó mà…chịu tiền lãi ngân hàng.”

Bạn Trần Vĩnh Xương (email tranvinhxuong@gmail.com) nêu ý kiến: “Bất tín chẳng ai tin. Chuyện bất động sản đã làm gian từ quy hoạch, giấy tờ tới quyền khách hàng, chỗ nào cũng bị xâm phạm, bây giờ chẳng ai tin nữa, nên chủ đầu tư BĐS đang ôm đống tài sản do mình tạo ra mà… than thở!”

Góc nhìn khá toàn diện của bạn Sa Tế (email tapdoandautu@gmail.com) : “Đổ cho thiếu niềm tin là không đúng, mà chính là không còn tiền để mua với giá đó và khả năng sinh lời không còn, nguy cơ thua lỗ cao. Lý do rất rõ, người mua để ở thì không đủ tiền, người đầu cơ đợt sau thì đã vào hết hàng sau khi thấy giá BĐS giảm giai đoạn vừa qua nên đang nằm chết đó, trong bối cảnh kinh tế hiện tại và viễn cảnh kinh tế thế giới còn khủng hoảng dài. Không tiền, không lãi, khả năng thua lỗ cao, .. thì chỉ còn có cách là  giảm giá để gặp nhu cầu mua thực là lời giải của bài toán.”

Theo bạn Sơn (email fun4son@hotmail.com) thì: “Đừng xây thêm nữa! Thị trường BDS thì bé vì thu nhập người dân thấp. Người cần nhà thì vẫn cần nhưng không thể chi trả cho nhu cầu ấy. Vậy nên những khu nào chưa xây thì đừng xây nữa, chuyển sang làm công viên, trường học, bệnh viện đang rất thiếu đi!”

Bạn Trần Kẽm (email quan0912101072@yahoo.co.uk) phân tích: “Kinh tế đình đốn, ở thời điểm hiện tại thì khó khăn là tình trạng chung của toàn xã hội, chả riêng gì ngành nào. Dù sao thì xây dựng và BĐS cũng có một thời gian rất rất dài vàng son. Chính nó chứ không phải ai khác đã tạo nên một số lượng khủng các đại gia khủng mà ít có ngành nào bì kịp. Một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư thứ cấp cùng giới môi giới ăn theo cũng ngồi mát một chỗ mà ăn hàng bát vàng.

Sự ca thán cho thấy là đại gia mà còn khó khăn vậy thì trách gì những... không đại gia. Họ - không đại gia - cũng và thậm chí còn khó khăn bi đát hơn các vị nhiều. Lo mưu sinh thôi đã mệt mỏi lắm rồi thì nói chi đến tiền mua nhà với đất! Nhất là trong hoàn cảnh đã rất rất khó khăn như vậy mà giá nhà và đất - dù đã hạ nhưng... - vẫn như ở trên mây thì làm sao mà các không đại gia mua cho nổi!

Nền kinh tế tăng trưởng nhờ đầu tư thì cần phải có  những cái rất thực như tiền mặt, đất đai, tài nguyên, khoáng sản... những cái này khai thác đã mệt nhọc thì chớ lại còn... hiệu quả kinh tế thấp, ô nhiễm môi trường, trong khi đó về lượng thì rất hữu hạn do vậy không thể cứ tăng trưởng mãi được.

Cần đầu tư cho kinh tế tri thức…Nhưng bao giờ? Có lẽ còn lâu lắm nếu người ta chưa phải trả giá đắt cho thói quen mà họ đang làm. Và vì người ta đã và vẫn còn đang ù lì lắm, ngại thay đổi. Rồi thì người ta vẫn còn tham và vẫn còn hy vọng vào một phép màu nào đó khiến cho người ta lại phất như xưa. Và những thứ làm người ta hy vọng là gì thì xin ví dụ như lãi xuất hạ hơn nữa chẳng hạn, bơm tín dụng nhiều hơn nữa chẳng hạn, nhà nước mua làm nhà công vụ chẳng hạn, v.v…

Tại sao người ta không dựa vào nhu cầu rất thật của người tiêu dùng với giá thấp hơn nữa nhỉ? Người ta không dựa vào nhu cầu rất thật này vì người ta ăn to quen mất rồi. Và nếu vậy ở thời điểm này thì đó chính là sự ảo tưởng. Nếu không phải là những người mộng mơ thì xin đừng ảo tưởng! Và các vị chả có lý do gì để ảo tưởng cả vì các vị chính là những người làm kinh tế, có phải vậy không ạ?! Không như những người nông dân chúng tôi - chiếm tới cứng 70% trong xã hội - khi dịch bệnh thiên tai xẩy ra là chúng tôi mất hết tất cả, các vị thì dù sao vẫn còn nhiều thứ có thể lấy lại chứ không mất trắng như chúng tôi. Và do vậy hãy hạ giá nữa đi ạ!”

Sao lại cứ mua nhà ở Hà Nội và TP. HCM rồi kêu giá cao?

Nhận xét của email ydan@gmail.com: “BĐS Việt Nam phát triển song hành với đầu tư công: Khi mà đầu tư công bị kiểm soát thì BĐS cũng...thoi thóp.  Người dân lao động có nhu cầu thật làm gì có tiền mà mua nhà đất?”

Ý kiến của email anhdung1050@yahoo.com: “Còn lâu thị trường BĐS mới trở về thời điểm 'vàng son' tạo tin đồn gây sốt ảo + lừa đảo để hốt bạc. Trong đó không nằm ngoài những bàn tay  của những kẻ cơ hội + nhóm lợi ích cùng  quyền lực. Chưa kể những người đóng mác công ty này, DN BĐS nọ lừa tiền tỷ của những ‘con nai vàng ngơ ngác’ hám lợi từ đất  cát, nay đành ngậm bồ hòn làm  ngọt. Chỉ có người hâm, thiếu hiểu biết thì nay mới đến NH vay tiền để mua BĐS với những thông tin thiếu minh bạch đã tồn tại từ lâu! Nhìn chung tình trạng BĐS tồn tại từ trước đến nay gây xôn xao đồn thổi, tạo sóng là do sự đánh động phao tin, tung đủ trò gây sốt giá BĐS của những ‘con cá mập’ luôn săn tìm những con mồi ...để trục lợi cá nhân chứ chả giúp ích gì cho xã hội cả. Có khi còn tạo ra cho xã hội điêu đứng trong thị trường BĐS này, vì rất nhiều người bỏ công việc chuyên môn của bản thân, lao  vào đầu cơ, đầu tư vào BĐS ăn chênh lệch phi sản xuất, bỏ những nghề tạo ra sản phẩm, công ăn việc làm cho xã hội. Hậu quả nhãn tiền đến nay đã thấy.Tiền núi từ các NH nay đang nằm trong những bãi đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, những  dãy biệt thự, khu đô thị ‘ma’ phơi mưa phới nắng cùng năm tháng! Trong lúc đó, nông dân mất đất, thất nghiệp ngày một nhiều thêm!”

Email viet_thanh1968@yahoo.com cho rằng: “Chỉ số giá BĐS/thu nhập ở các nước chỉ 4 - 6 trong khi ở ta là 25 lần. Lãi suất 0% thì người vay tiền mua nhà làm hết đời cũng không trả hết nợ chứ nói gì đến lãi 12%/năm. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là giá BĐS ở Việt Nam quá ảo, do đó, chỉ có 1 cách duy nhất là giá BĐS phải về mức gấp 4 - 6 lần thu nhập. Như vậy có nghĩa là giá phải giảm 80% nữa. Ai làm được điều này?”

Chiêm nghiệm của bạn Hoàng Song Hà (email hoangsonghavie028@gmail.com): “Thị trường bất động sản Việt Nam luôn đi theo dạng hình sin, khi thì bong bóng khi thì đóng băng do tình trạng quản lý, hoạch định chiến lược yếu kém, chưa kể đến sự thâu tóm thị trường của một số nhóm lợi ích. Hơn lúc nào hết nhà nước cần đưa ra những giải pháp kích cầu kịp thời để tình trạng này không kéo dài hơn nữa gây nên những hệ quả không tốt, phát triển thị trường BĐS một cách lành mạnh.”

“Khi mọi người nói giá nhà cao thì ai cũng hiểu nói ở TP. HCM và Hà Nội. Tại sao cứ phải mua nhà ở 2 thành phố này rồi kêu giá nhà cao nhỉ? Tại sao sinh viên mới ra trường, lương được 5 triệu/tháng là giỏi mà cứ muốn ở lại Hà Nội rồi kêu giá nhà cao? Đất Hà Nội đâu phải dành cho tất cả mọi người? Tôi đề nghị nhà nước thay đổi chính sách phát triển để tránh sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, ai cũng chen chân về Hà Nội và TP. HCM rồi lại kêu giá nhà đắt. Trong khi đó, các địa phương khác lại thiếu nhân lực trầm trọng”, đó là ý kiến của bạn Vũ Tuấn (email tuan2008vn@yahoo.com).

Ban Bạn đọc