-  Nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet sau khi đọc bài: Ra trường thời khó sinh viên thất thểu.

TIN BÀI KHÁC


Hồ sơ gửi khắp nơi, mòn mỏi đợi hồi âm

Bạn Anh Phúc (email treolencaybuoi1988@gmail.com) than thở: “Khổ cho sinh viên thiệt! Mình cũng mới tốt nghiệp ngành kinh tế đã hơn 1 tháng trôi qua. Hồ sơ xin việc thì gửi đi khắp nơi mà chưa thấy công ty nào hồi âm, chờ mỏi mòn quá, khổ thiệt đấy. Không biết tháng sau có hy vọng gì nữa không?”.

Bạn Trịnh Thị Hương (email trinhthihuong@yahoo.com) cũng cùng một giọng: “Tôi cũng ra trường hiện đang thất nghiệp. Vậy xin hỏi đào tạo sinh viên để làm gì? Hằng năm vẫn có một lượng lớn sinh viên ra trường và lại có hàng ngàn sinh viên vào trường. Tấm bằng tốt nghiệp ĐH mang về nhà làm… kỷ niệm, rồi đi làm công nhân các bạn à!”.

Chia sẻ của bạn Ngọc Ánh (email meoconlongxu1990@yahoo.com): “Mình cũng vừa ra trường và cũng đang thất nghiệp! Thật sự đúng là SV học xong cầm tấm bằng trong tay nhưng mà kinh nghiệm thì quá ít. Mình lại học xây dựng nữa, ra trường đúng thời điểm bất động sản, nhà đất ‘đóng băng’. Mình cũng xác định luôn là xin đi làm gì cũng được và học tiếp thôi chứ bây giờ có cho làm cũng chẳng làm được. Thế mới biết trình độ đào tạo của các trường ĐH nước mình còn nặng về lý thuyết quá. Bây giờ nếu được làm không lương nhưng được học việc trong công ty nào mình cũng sẵn sàng!”

Email catvanloi@yahoo.com.vn lại nhìn sự việc ở góc độ khác: “Kỹ năng & trình độ sinh viên cần xem lại! Tôi là chủ doanh nghiệp và đang cần tuyển nhân viên kế toán & kinh doanh thế nhưng chất lượng đào tạo của sinh viên ngày nay quả có vấn đề. Các bạn xem trọng bằng cấp mà quên mất thực lực. Tấm bằng chỉ là tờ giấy chứng nhận bạn đã học đến trình độ đấy mà thôi, còn khả năng thì mới là quan trọng. Trình độ đại học với bằng C tiếng Anh mà chỉ nói vài câu tiếng Anh thì …quá tệ! Không hiểu chất lượng trường đại học là… ‘học đại’ rồi về hay sao? Nhiều bạn khoe rằng mình có bằng B Anh văn, nhưng không dịch nổi 1 đoạn văn giới thiệu công ty rất đơn giản - Môt bạn xin làm kế toán mà không rành Excel thì hỏi xem bạn ấy làm kế toán trên cái gì? Tôi thấy nhiều bạn có trình độ đại học đòi hỏi rất nhiều, trong khi trình độ thì chả đem lại lợi ích cho công ty và thường ‘đứng núi này trông núi nọ’ nữa chứ!”

Trung Thanh (email trungthanh.ah@gmail.com) phụ họa: “ Hầu hết các trường hợp thất nghiệp đều do người lao động năng lực hạn chế hoặc ‘chảnh’. Nhiều người cầm tấm bằng đại học ra là trong thâm tâm đã đòi hỏi những thứ vượt quá năng lực và kinh nghiệm hiện có của mình. Như chỉ muốn làm tại công ty lớn, nhàn hạ nhưng lương cao. Chẳng có công việc nào như thế cả. Thực tế, tại Hà Nội hay Sài Gòn đều luôn rất nhiều việc cần trình độ cử nhân, vấn đề là các bạn đừng vội đòi hỏi, hãy chấp nhận làm đã, làm tốt được thì hãy đòi hỏi hoặc kiếm 1 việc làm tình thế rồi chờ cơ hội theo đuổi ngành nghề mình đã được đào tạo, đam mê. Về quê hay thất nghiệp tự nguyện là các bạn trẻ đang làm mình tụt hậu dần. Chúc các bạn sáng suốt.”

Email hieu@gmail.com cho rằng: “Do người học không biết học cái xã hội cần, thay vì học cho có …cái bằng.”

Đừng nóng vội, xin việc là cả một …quá trình

Ngô Ngọc Nam (email thaonguyenviolet101@yahoo.com) nêu ý kiến: “Ra trường thời khó, sinh viên thất thểu! Nên xem lại cách đào tạo ở đại học; tuyển sinh quá nhiều dẫn tới chất lượng sinh viên thấp, ra trường thất nghiệp nhiều. Việt Nam có quá nhiều trường đại học, đào tạo của các trường vì... tiền là chủ yếu, không quan tâm chất lượng đầu vào, cũng như đầu ra?”

Theo ban Hoàng Giang (email vip_one79@yahoo.com) thì: “Do các bạn SV chưa biết lượng sức mình! Nhiều khi cũng do các bạn SV mới ra trường cứ nghĩ mình có tấm bằng ĐH thì phải này nọ, việc nhẹ nhưng lương phải cao… Mình là chủ DN nhỏ, cũng cần nhân viên thực hiện các dự án mà mình đang có. Nhưng khi phỏng vấn các bạn mới ra trường, mình cảm thấy rất ức chế. Kinh nghiệm thì chưa có gì nhưng lương thì đòi cao. Vấn đề là các bạn làm được gì, có ích gì cho DN thì khi đó các bạn sẽ được cái các bạn cần. Trong thời buổi khó khăn thế này các bạn nên biết chấp nhận thực tế, lượng sức mình thì may ra mới có công việc cho mình được.”

Lời khuyên của email thanhdien1306@gmail.com: “Hãy đi làm để có kinh nghiệm! Các bạn không nên quá nóng vội khi xin việc. Tôi cũng từng tốt nghiệp đại học ra trường trong vòng 2 năm tôi không làm đúng chuyên ngành từ buôn điện thoại, làm sale, nhưng bây giờ tôi đã làm chuyên ngành phù hợp. Tôi nghĩ các bạn nên kiên nhẫn và tìm ra cách thức giới thiệu bạn thân tới nhà tuyển dụng thông qua báo chí, internet...”

Bạn Lê Na (email vuthanhthuyhp2204@gmail.com) khích lệ: “Không phải vội vàng! Các bạn SV cũng đừng nóng vội. Xin việc là cả một quá trình. Theo đuổi cái công việc mà mình thích còn vất vả hơn. Trong thời gian chưa xin được việc, các bạn hãy tranh thủ nghỉ ngơi cho thoải mái sau 4 năm miệt mài đèn sách, đi đây đó để mở mang đầu óc và tích cực học thêm cái gì đó nữa. Mới ra trường còn thiếu rất nhiều thứ đấy, những kiến thức học ở nhà trường  chỉ là lý thuyết thôi. Hãy học cái kỹ năng chịu khó, chịu khổ, chịu vất vả mà lương thì thấp, sáng thức dậy sớm và tối về là mệt nhoài. Chuyển từ việc đi học sang đi làm là cả 1 quá trình thay đổi, hãy chuẩn bị tâm lý trước. Và khi đi xin việc, luôn nhớ nhắc mình là: Mình sẽ làm gì ở đây và đóng góp được gì cho công ty này với kiến thức của mình? Nếu bạn tự thấy thỏa mãn với câu trả lời của mình là tốt rồi đấy! Nền kinh tế đang có cuộc chuyển mình và đang ở điểm rơi nên khó khăn cũng là chuyện thường. Mình cũng đang muốn chuyển việc lắm rồi đây mà vẫn phải chờ đợi thôi. Cố gắng làm tốt công việc hiện tại và tranh thủ học thêm.

Tán đồng của bạn Nguyễn Kiên (email nguyenvanduc12343@yahoo.com): “Học cách để tồn tại! Có được bằng cấp là rất đáng quý rồi nhưng để xin được việc và có một công việc tốt, một thu nhập tốt, nhất là ở Hà Nội, cần phải năng động, sáng tạo và chịu khó, hiểu thời hiểu thế, hiểu khả năng của bản thân. Hằng năm sinh viên các ngành, các hệ ra trường nhiều như thế thì thử hỏi công ty, nhà tuyển dụng làm sao mà nhận hết được? Nếu các bạn sinh viên mới ra trường thay vì vác hồ sơ đi xin việc, mà có thể tự mình tạo ra công việc cho mình và cho xã hội thì tốt biết mấy? Hơn nữa nếu các bạn có làm công ăn lương thì đa số cũng chỉ đủ ăn là tốt lắm rồi, nghĩ sao được những thứ khác? Hiện nay tuy tình hình có khó khăn nhưng các bạn sinh viên cũng có nhiều cơ hội tốt hơn chúng tôi trước kia rất nhiều, nên rất mong các bạn có sự lựa chọn đúng đắn và chúc các bạn thành công!”

Ban Bạn đọc