Đói nghèo, chồng đi làm ăn xa rồi "quên" luôn đứa con 2 tuổi và vợ đang mang bầu. Khi vừa sinh được đứa bé, người mẹ người dân tộc Khơ Mú ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) định thả cho trôi sông. 

TIN BÀI KHÁC

Nhờ có người mẹ nuôi cưu mang, nếu không đứa trẻ tội nghiệp này đã bị thả trôi sông

Có người thương xót, ngăn cản, nhận nuôi cả hai mẹ con. Nhưng khi đứa trẻ mới được 12 ngày tuổi thì người mẹ bỗng dưng mất tích.

Qua câu chuyện xót xa mà nhiều người kể lại, chúng tôi tìm đến nhà của đôi vợ chồng nghèo vừa nhận nuôi đứa trẻ tội nghiệp ở bản khe Tỳ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Trong ngôi nhà nhỏ chẳng có vật dụng gì đáng giá, nằm tựa lưng bên ngọn đồi cao, chị Moong Thị Hà (32 tuổi) ôm đứa bé kể, do chồng đi làm ăn xa, không quan tâm, nhà bố mẹ đẻ lại đói nghèo, không đủ khả năng để nuôi đứa trẻ, nên ngay khi sinh ra, mẹ nó là chị Xèo Thị Phời (SN 1983) đã định đưa đứa bé đi vứt cho trôi theo suối.

Là hàng xóm, biết chuyện, vợ chồng chị đã chạy đến khuyên nhủ, động viên nên giữ đứa trẻ lại nuôi, "nó không có tội tình gì mà phải chết". Thế nhưng, mẹ đứa bé trả lời: "Không có chi cho hai mẹ con ăn thì cả hai mẹ con rồi cũng chết".

Nghe vậy, vợ chồng chị quyết định xin đứa bé về nuôi, và trong thời gian đầu, nuôi thêm cả mẹ để lấy sữa cho cháu bé bú.

"Khi thằng bé mới được 12 ngày thì tự nhiên mẹ nó bỏ đi đâu không biết, chồng em đi tìm khắp nơi, hỏi bà con anh em cũng không ai biết tin tức gì cả. Giờ cháu bé đã được gần 5 tháng mà vẫn chưa có tin tức gì về mẹ nó." Chị Hà vừa kể, vừa nhìn đứa bé mà không khỏi xót xa.

Cũng theo chị Hà, từ sau ngày mẹ đứa bé bỏ đi, vợ chồng chị chưa đêm nào được ngủ yên. Thời gian đầu, chị phải bế đứa trẻ đi xin sữa của những bà mẹ vừa sinh con. Nhưng rồi như thế bất tiện, xin lắm cũng phiền nên chị đã nấu cháo loãng, chắt nước cơm cho cháu nó ăn.
Nỗi lo lắng của đôi vợ chồng nghèo khi không có tiền chữa trị, đứa trẻ lớn lên sẽ không nhìn thấy ánh sáng.

Ngồi bên cạnh vợ, anh Xèo Văn Tình lắc đầu: "Tội nghiệp nó quá, mẹ bỏ đi sớm quá. Đã thế, mới đây thấy đôi mắt của nó thường xuyên bị ghèn, chảy nước nên ngày hôm kia, vợ chồng tôi chạy đi vay được ít tiền đưa cháu về bệnh viện ở thành phố Vinh khám thì bác sĩ kết luận cháu bị hỏng mắt. Rồi họ giới thiệu cho đi Hà Nội chữa trị nhưng không có tiền, vợ chồng tôi đành phải ngậm ngùi đưa cháu nó về."

Vợ chồng anh Tình cũng đã có đứa con trai 9 tuổi, học lớp 4. Gia đình anh cũng rất khó khăn, thu nhập nhờ vào một năm một mùa rẫy nhưng cũng chỉ đủ lúa, ngô ăn chưa được 3 tháng, còn lại phải đi đong, và chờ gạo hỗ trợ cứu đói của nhà nước.

Biết nhận thêm đứa trẻ nuôi sẽ là gánh nặng, nhưng không nỡ nhìn nó chết oan nên họ chấp nhận cưu mang, làm phúc.

Theo anh Tình, nếu không đón nhận đứa bé về nuôi, thì chắc nó sẽ phải chết vì ông bà nội nghèo đói, lại rượu chè say khướt cả ngày. Ông bà ngoại cũng quá nghèo, ông ngoại còn bị thần kinh co giật nên nuôi đứa con đầu 3 tuổi cho chị Phời cũng đã gắng gượng lắm rồi.

Trước khi rời ngôi nhà nhỏ bên lưng đồi, chúng tôi vẫn nghe tiếng của đứa trẻ khóc, và trăn trở với tâm sự của đôi vợ chồng nghèo: "Vợ chồng tôi chấp nhận dù khó khăn đến mấy cũng gắng nuôi đứa bé khôn lớn. Chỉ có điều, không có tiền chữa trị, lớn lên cháu bé không được nhìn thấy ánh sáng. Như thế, vợ chồng tôi sẽ day dứt nhiều lắm."

Trần Văn - Duy Tuấn
Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

1. Gửi trực tiếp chị Moong Thị Hà (bản khe Tỳ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An)

2. Hoặc qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ cháu bé - con nuôi chị Moong Thị Hà)
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
- Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
- The currency of bank account: 0011002643148
-Bank:
- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

3.Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn