-  Không ai phủ nhận tiện ích của việc kinh doanh qua mạng bởi sự đơn giản, ít tốn thời gian và ngồi ở bất cứ đâu với một chiếc máy tính là có thể mua được hàng. Các mặt hàng bán qua mạng cũng vô cùng phong phú và hấp dẫn người mua thoải mái lựa chọn, mặc cả từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, gia dụng, điện thoại, máy tính…

TIN BÀI KHÁC


Dùng chiêu giá rẻ lừa đảo

Chỉ cần một cú click chuột hoặc một cú điện thoại là khách hàng được chăm sóc đến… tận răng. Tuy nhiên, trong cái tiện ích ấy, nhiều thượng đế cũng bị mất tiền oan vì những chiêu lừa đảo mua hàng qua mạng. Khách hàng giao dịch qua mạng thường không biết rõ được những trang web, cửa hàng, chỉ tới khi mất tiền, truy lại địa chỉ thì đó chỉ là những địa chỉ ma.

Chị Lê Khánh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn còn tiếc của khi bị một chiêu lừa mà chị không hề nghĩ tới. Đang có nhu cầu sắm một chiếc Iphone 4, chị vào trang web Rongbay.com để tìm kiếm, chị quyết định mua chiếc Iphone 4 đã qua sử dụng với giá 6 triệu đồng.

Ảnh minh họa
Chị Lê Khánh liên lạc với chủ nhân chiếc điện thoại tên Phạm Minh Hoàng để hỏi thông tin về món hàng, chị được cung cấp số Imei của điện thoại. Để kiểm tra xem hàng có chuẩn hay không, chị vào trang web của Apple để kiểm tra thì số Imei này trùng khớp chứng tỏ hàng đó là hàng của công ty.

Thấy yên tâm về chất lượng, chị nhanh chóng giao dịch mua bán với Phạm Minh Hoàng. Chị chỉ yêu cầu Hoàng gửi hàng chị sẽ chuyển tiền vào tài khoản cho Hoàng, hai bên tin tưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, chị lại tin tưởng lầm kẻ chuyên lừa đảo nên chị mất đứt 3 triệu đồng.

Chị đã đến ngân hàng để tìm hiểu thông tin thì được biết đối tượng Phạm Minh Hoàng có số tài khoản này đã lừa tiền của rất nhiều người. Bức xúc về hành động lừa đảo chuyên nghiệp của đối tượng, chị đã làm đơn trình báo công an.

Chị Lê Khánh chia sẻ: “Khi tôi kiểm tra số Imei người bán cung cấp, nó trùng với số Imei trên Apple, tôi đã tin tưởng là hàng thật. Tôi yêu cầu anh ta chuyển hàng cho tôi qua đường chuyển phát nhanh sau đó tôi chuyển tiền cho anh ta. Anh ta nói chỉ 5 tiếng sau là hàng tới. Quả đúng như lời anh ta nói 5 tiếng sau có một người gọi điện thoại cho tôi (xưng là ở công ty chuyển phát nhanh) xác nhận có người gửi cho tôi món hàng. Họ nói để nhận hàng tôi phải chuyển tiền cho bên bán. Tôi chạy ra cột ATM để chuyển trước 3 triệu đồng qua tài khoản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn STK 0606205495273 cho anh ta và yêu cầu đưa hàng nhưng lúc này đối tượng cứ đòi chuyển đủ 6 triệu đồng. Tôi nói cứ đưa điện thoại tới tôi sẽ chuyển nốt 3 triệu còn lại nhưng chờ hoài không thấy đưa điện thoại tới. Tôi biết mình bị lừa, tôi ra ngân hàng tìm hiểu về chủ tài khoản tôi chuyển tiền thì được nhân viên cho biết có nhiều người mua hàng và đã bị mắc bẫy đối tượng này rồi”.

Anh Hải (quận Bình Thạnh, TP.HCM) thì còn tỏ ra bức xúc hơn vì mình bị lừa một cách trắng trợn đến như thế. Theo anh Hải thì anh vẫn thường xuyên mua hàng qua mạng nhưng chưa bao giờ bị lừa bởi những lần anh giao dịch là “tiền trao cháo múc”. Lần này vì “quá hớp” với lời rao bán điện thoại Samsung Galaxy S3 mới sử dụng 1 tháng, giá bán 9,5 triệu đồng khiến anh bị mắc bẫy.

Giao dịch xong, đối tượng cung cấp địa chỉ nhà, công ty và số tài khoản yêu cầu anh chuyển 4 triệu đồng để đặt cọc, sau khi nhận được tiền đặt cọc họ sẽ chuyển hàng.

Sau khi anh chuyển tiền xong, đối tượng kiểm tra tiền đã vào tài khoản, anh yêu cầu chuyển hàng thì nhận được lời hứa hão sẽ chuyển ngay nhưng chờ mãi cũng không thấy. Liên lạc lại thì điện thoại đã bị tắt, tìm tới địa chỉ cung cấp thì là địa chỉ ma, tìm tới công ty thì không có nhân sự nào có tên như vậy. Tới đó thì anh Hải chỉ còn biết coi đây như bài học đắt giá.

Anh Kiên (Q10, TP.HCM), từng bị lừa đảo khi mua hàng qua mạng kể lại: “Bọn chúng đánh đúng điểm yếu của mình. Số điện thoại tôi định mua rất đẹp tôi rất ưng ý nhưng lại có giá hời khiến tôi hoa mắt mua gấp không sợ mất số. Tôi cẩn thận kiểm tra xem số này thì thấy chưa sử dụng nên đồng ý mua và đặt cọc. Tiền chuyển đi rồi mà sim thì chờ mãi không thấy”.

Thậm chí ngay cả người bán hàng online cũng có thể bị lừa. Chị Thanh chủ shop quần áo trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q10 cho biết: Một khách hàng nữ tên Nguyệt mua một chiếc đầm giá 750 ngàn đồng, khách hàng này nói đang cần để mặc vào cuối tuần nên giục chị ship hàng sớm. Khách hàng nói đã chuyển tiền qua tài khoản của chị rồi, nhưng vì khác ngân hàng nên chưa nhận được. Tin khách hàng chị ship hàng đi nhưng đến ngày hôm sau cũng không thấy tiền vào tài khoản, gọi lại khách hàng thì điện thoại không liên lạc được.  

Vẫn còn đất sống

Theo một số chuyên gia, khách hàng khi tham gia chợ điện tử nên giao dịch trước và khi đã ưng ý rồi thì nên xem hàng kỹ nếu đúng chất lượng thì mới thanh toán để tránh bị lừa gạt. Bởi vì hầu như khách hàng không có thông tin chính thức về người bán, nếu có cũng chỉ là thông tin ảo nên khi tiền mất cơ quan chức năng cũng khó xử lý.

Trong khi luật chưa rõ ràng thì người mua hàng nên tự bảo vệ mình. Phần lớn khách hàng khi bị mắc bẫy mua hàng qua mạng, mất tiền rồi thì cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Bởi vì muốn tố cáo hay kiện tụng đối tượng cũng không biết căn cứ vào đâu, vì khách hàng không biết công ty, địa chỉ mà chỉ biết một số điện thoại thì lại ở tình trạng không liên lạc được. Hoặc vì số tiền cũng không lớn lắm nên người mua dễ dàng bỏ qua coi như đó là vận xui.

Các trang web đăng tin rao vặt, mua bán cũng chỉ có thể kiểm tra những mặt hàng cấm quảng cáo và hàng nhạy cảm... còn những giao dịch của khách hàng thì nằm ngoài tầm kiểm soát.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, những trường hợp lừa đảo mua bán hàng qua mạng có thể truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản. Điều khó ở đây là việc mua bán qua mạng này chỉ dùng Internet là công cụ chứ không phải thanh toán trực tuyến nên người mua hầu như không có thông tin của đối tượng lừa đảo.

Đức Toàn