Bài: Ô tô, hàng quán, siêu thị băm nát công viên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC


(ảnh minh họa)

Công viên chỗ nào cũng…bị ‘băm nát’

Ý kiến sốt sắng của bạn Trần Kiều Trinh (email kieutrinh@gmail.com): “Ủng hộ tác giả bài viết. Nhưng làm thế nào để giải quyết triệt để mong tác giả cùng tòa soạn đi đến cùng vấn đề. Công viên hồ Thành Công đang bị chia lô, phân ranh giới rất trầm trọng, không còn chỗ cho trẻ vui chơi... Xin hãy đến đây mà xem”.

Bạn Hoàng Trung ở Thành Công, Hà Nội (email hta52007@gmail.com) cũng ‘tố’: “Những người có trách nhiệm của TP Hà Nội đã cho xây dựng nhà cao tầng (tổ hợp văn phòng, nhà ở...) chỉ cách mép hồ Thành Công có 3m. Đây là quyết định không hợp lòng dân, vì chỉ phục vụ quyền lợi nhóm. Rất nhiều kiến nghị của nhân dân phường Thành Công về công trình này đều bị bỏ qua, không được trả lời. Tôi mong được đối chất với lãnh đạo thành phố Hà Nội!"

Phụ họa của bạn Ngoc Thanh (email dt0754@yahoo.com): “Đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội cho kiểm tra lại việc tiếp tục xây dựng nhà cao tầng (tổ hợp văn phòng, nhà ở...) tại công viên hồ Thành Công. Gần đây, công trình này còn lấn sang đất công viên (họ nói rằng đã được TP ‘cho mượn’ để tiến hành xây tầng hầm). Vì môi trường, cảnh quan chung của khu vực, đề nghị TP cho rà soát xử lý sớm”.

Email giaotn1963@gmail.com hùa theo: “Khu Liên hiệp thể thao Mỹ Đình cũng gần bị băm nát ra rồi”.

Giọng xót xa của bạn Trương Ngọc Hoàn (email ngochoan@yahoo.com): “Công viên Tuổi Trẻ được bắt đầu xây dựng từ những năm cuối của thập kỷ bẩy mươi, thế kỷ 20, tức là cách đây gần bốn mươi năm. Khi đó, thanh niên sinh viên Thủ đô chúng tôi đã tích cực tham gia lao động công ích. Vậy mà gần bốn thập kỷ đã trôi qua, đến giờ công viên này vẫn còn ngổn ngang, nham nhở, lổn nhổn. Quả thực tôi cũng không muốn bước chân vào đó để tập thể dục buổi sáng bởi cảnh quan của nó, công viên chẳng ra hồn công viên, mặc dù nhà tôi ở gần ngay đó. Vợ chồng tôi thường dậy sớm ra công viên Thống Nhất để tập, dù có phải đi xa hơn, nhưng không khí ở đó trong lành hơn, cảnh quan công viên đúng là công viên. Mỗi lần đi qua công viên Tuổi Trẻ, tôi và những người dân khu vực quanh đây không khỏi thở dài ngao ngán”.

Bạn Lê Kiên (email kelvin2976@gmail.com) cũng than thở: “Tuyến đường mới mở như Lê Văn Lương được quy hoạch rộng rãi 2 bên, sâu vào hàng chục mét để dự trữ nhưng giờ đã được cho xây cao ốc, nhà hàng, khu đô thị.... sát ra mép đường. Con đường này đang thẳng bỗng bị bẻ cong đi để dành ra diện tích đất rộng lớn với “mục đích” làm bãi đỗ xe tĩnh cho công cộng, nhưng rồi đã thành cây xăng, salon bán xe ô tô vào vị trí ngã tư với đường Khuất Duy Tiến, gây ra cảnh ùn tắc hàng ngày. Đường mới mà bây giờ phải cấm xe taxi hoạt động vào giờ người dân cần nhất. Cũng trên con đường này, dự án garage ô tô cao tầng theo quy hoạch của khu Trung Hoà – Nhân Chính đã được ông Phí Thái Bình, phó chủ tịch thành phố, trước khi về hưu, ký cho chuyển đổi thành toà nhà thương mại, dịch vụ và nhà ở bất chấp hiện trạng quá tải xe trong khu đô thị. Và còn biết bao diện tích đất hai bên đường, thậm chí đất ngay trước Toà án và Viện kiểm sát quận Thanh Xuân cũng bị quây tôn, sử dụng sai mục đích gần chục năm nay mà không bị thu hồi”.

“Khi tất cả chúng ta kêu gọi xanh, sạch thì không hiểu tại sao mà công viên Lê Thị Riêng ở quận 10, TP. Hồ Chí Minh đồng loạt… đổ bê tông gần hết. Trách nhiệm của ai và đến đâu không thấy”, đó là câu hỏi của bạn Đào Hải Băng (email nguahoang66@yahoo.com).

(ảnh minh họa)

Ước gì Hà Nội có vị tư lệnh cỡ bác Thanh của Đà Nẵng?

Ý kiến của bạn Hien (mail hienngo80@yahoo.com): “Ước gì nhà nước mình có nhiều vị lãnh đạo có tâm và có tầm như bác bí thư Thanh ở Đà Nẵng. Ai lãnh đạo cũng như bác Thanh thì dân mình sẽ đỡ khổ nhiều hơn”.

Bạn Vũ Hồ Phi (email: hophi0271@yahoo.com) có ủng hộ: “Tôi cũng có mong ước như bạn Hien, nếu Hà Nội có một tư lệnh cỡ bác Thanh của Đà Nẵng, nhất định Hà Nội sẽ thay đổi về mọi phương diện. Một người có tâm, có tầm như bác Thanh, công dân Thủ đô như chúng tôi rất ngưỡng mộ”.

Quan điểm của bạn Phùng Ánh Dương (email Duongsany@gmail.com) lại khác: “Có nhiều ý kiến nói rằng mong có vị lãnh đạo như bác Thanh ở Đà Nẵng thì tốt biết mấy. Theo mình có… 10 bác Thanh về Hà Nội cũng không giải quyết được gì. Vì sao ư, cứ nghĩ kỹ sẽ rõ”.

Giọng tiếc nuối của email son_8895@yahoo.com.cn: “Ngày ông Nguyễn Thế Thảo được bầu làm chủ tịch UBND TP Hà Nội, tôi rất mừng và hy vọng TP sẽ được đẹp hơn vì ông là kiến trúc sư. Phải chăng do cơ chế mà ông chủ tịch không phát huy được? Hãy hâm nóng lại ý tưởng thành lập chức danh ‘thị trưởng’, may ra thủ đô mới phát triển được”!

Suy ngẫm của bạn Lê Trung Hiếu (email trunghieu40@gmail.com): “Phải nói thẳng: Hà Nội nhếch nhác, chật chội, tắc nghẽn, ô nhiễm, thiếu không gian sống văn minh.v.v... là do tham nhũng song hành với lợi ích nhóm, lợi ích nhiệm kỳ. Mọi công trình, cao ốc, khu đô thị, trung tâm thương mại... muốn cắm vào đất công cộng, đất công viên, ngã tư, các vị trí đắc địa hay trong khu trung tâm chật chội đều phải chi ngầm, chi bộn tiền thì mới được giới thiệu địa điểm, đồng ý và phê duyệt! Thành phố có khắc phục được không? Chắc chắn là được nếu thật sự trong sạch và quyết tâm. Còn bây giờ, muốn sớm khắc phục cũng bất khả thi vì những ràng buộc, nể nang nhau và tránh va chạm đến lợi ích nhóm. Có tham nhũng hay không? Hãy nhìn vào những khối tài sản kếch xù và hãy công khai số tiền thuế họ đã nộp thì biết”!

Bạn Trần Bình Minh (email nguyenhtl@gmail.com) cũng đồng tình: “Phải nói rằng tham nhũng là nguyên nhân chính của mọi vấn đề từ nhỏ đến lớn. Từ sự nhếch nhác của các con phố, xuống cấp của những con đường, tan vỡ quy hoạch của các thành phố, phá sản của nhiều doanh nghiệp, và kể cả việc lạm phát nhiều năm qua…”

Email nguyenmanhhung.osaka@gmail.com đề xuất: “Muốn giải quyết tình trạng này không khó. Công khai lên mạng danh sách cổ đông của các công trình lấn chiếm đó là xong”.

Góc nhìn khác, của email tahung244@gmail.com: “Tôi cũng nghĩ giải quyết những việc này không khó. Chỉ khó ở chỗ cái tâm của người lãnh đạo thôi. Chúng ta nên cùng xây dựng một thủ đô thật đẹp về cả hình thức lẫn văn hóa”.

“Đã đến lúc Chính phủ phải có ý kiến, để xây dựng Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam XHCN, không thể là một đô thị nửa quê nửa tỉnh như thế này được! Yếu kém do đâu: trình độ quản lí, chỉ một phần. Phần chính là tham nhũng! Nếu có tinh thần học hỏi, hãy vào Đà Nẵng mà học cách quản lí. Đó là thành phố vì dân, lãnh đạo sẵn sàng cứng rắn. Dân chủ không phải là tất cả! Luật pháp vì dân mới là cần thiết! Vì dân mà ‘làm rắn’, dân ủng hộ, trật tự vãn hồi, thành phố phát triển lành mạnh, bền vững”, đó là ý kiến của bạn Quang Minh (email quangminh49@gmail.com).

Ban Bạn đọc