- Bài  Ô tô tồn kho cả chục ngàn chiếc đã thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC


Ô tô tồn kho cả chục ngàn chiếc là…còn ít?

Bạn Nguyễn Đình Phúc (email ndphuuc_54@yahoo.com.vn) than thở: “Xe hơi ở VN đắt quá, gấp 3 lần các nước, mà lương CBCC thì chỉ bằng 1/40 của họ; vậy sao mà mua xe hơi? Tại sao không hạ giá xe”?

Giọng lạnh lùng của bạn Quang Minh (email langtuhn79@gmail.com): “Xe ế là phải! Xe lắp ráp trong nước thì chất lượng thấp, tiêu chuẩn an toàn không đủ, giá cao ngất ngưởng. Xe nhập thì bằng giá của 3 xe tại Mỹ, đóng đủ các loại phí. Số xe tồn kho lớn như vậy mà giao thông vẫn tắc, nếu tất cả số xe đó tiêu thụ được ra thị trường thì không hiểu lấy đường đâu cho xe đi?”

Bạn Nguyen Quoc Sieu Viet (email nqsviet@yahoo.com) "nói mát": “Tình hình kẹt xe và cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay đã… siêu quá tải rồi, thì mọi loại phương tiện giao thông "càng ế càng tốt", khỏi mất công Bộ trưởng GTVT dùng chính sách hành chính (thu phí, đánh thuế .v.v..)”.

Ý kiến của email ngtrho@yahoo.com: “Từ khi ông Đinh La Thăng tuyên bố về thu phí hạn chế phương tiện giao thông là toàn bộ ngành ô tô trở nên đìu hiu, ngân sách nhà nước thất thu hàng ngàn tỉ đồng, doanh nghiệp sản xuất ô tô tồn kho hàng chục nghìn chiếc. Còn CSGT thì ‘canh’ xe ô tô xét giấy tờ, cứ như người đi xe có tội, làm tâm lý người lái xe cũng rất mệt mỏi và căng thẳng”.

Bạn Bùi Hồng Đới (email Doibh60@gmail.com) phụ họa: “Ra đường bây giờ từ nội thành, ngoại thành cho đến các tỉnh toàn thấy CSGT chăm chăm kiểm soát xe hơi. Vẫn có người "dũng cảm" dám mua vì việc chẳng đừng, còn lại tâm lý người dân là làm chiếc xe máy đi cho lành”.

Phàn nàn của bạn Công Lý (email lygtth@yahoo.com.vn): “Cảnh sát giao thông (đáng lẽ ra làm công tác trật tự, an toàn giao thông là chính) ra đường chỉ chăm chăm… bắt lỗi để phạt, cũng làm cho người tiêu dùng hoảng không dám mua xe”.

Trong Viet (email Kruchiman@yahoo.com) chia sẻ: “Em có con ASIA 7 chỗ, bần cùng lắm em mới đi vì ngại nhất mấy anh CSGT. Gần đây phương châm ‘tiêu diệt’ ô tô con được các anh thực hiện ráo riết lắm. Ô tô với cơ quan chức năng cứ như… dì ghẻ với con chồng”.

Lời cảnh báo của bạn Công (email Dinhcongbang@Gmail.com.vn): “Kinh tế đang rất khó khăn, Bộ trưởng Thăng suốt ngày ‘đe’ thu phí nọ, phí kia, dân sợ không mua nữa thì không ế mới là chuyện lạ. Cái tồn kho này thực ra đã biết từ khi Bộ GTVT cứ khăng khăng ‘nộp phí là yêu nước’ đấy. Không hủy ngay những dự định thu phí đó thì không chỉ tồn đâu, mà là đóng cửa nhà máy ô tô luôn đấy”.

Ý kiến trên được bạn Long (email longrong_76@yahoo.com) tán đồng: “Hai thị trường tiêu thụ ô tô lớn nhất nước là Hà nội và TP. Hồ chí Minh thì thuế trước bạ và phí biển số cao ngất ngưởng. Ngoài ra còn phí đánh vào nhà giàu (hạn chế phương tiện) đang treo lơ lửng, thì còn lâu người dân mới xuống tiền mua xe. Tôi mới bán xe và có ý định lên đời xe nhưng nhìn vào thuế và phí thấy kinh hãi nên quyết định không mua nữa. Giấc mơ có ô tô lại xa rồi”.

Bạn Ngo Tran Anh (email trananh1969@gmail.com) lại cho rằng: “Như vậy là mong muốn hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đã có kết quả, góp phần giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Nếu ô tô tăng mạnh thì ngân sách có thêm tức thời về tiền, nhưng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông sẽ là thiệt hại lâu dài và lớn hơn nhiều”.

Bạn Lâm Sơn (email lamson910@yahoo.com) ‘hơi bị sốc’: “Số tiền 16.000 USD người mua xe nộp vào ngân sách tỉnh. Ngân sách tỉnh thu được quá nhiều từ việc mua xe, nhưng chi cho việc gì thì lại không rành rọt. Sao không tách ra bao nhiêu phần trăm trong số thu nói trên là dành cho quỹ mở rộng cơ sở hạ tầng phục vụ cho chính những chiếc xe đó? Thu rồi dùng vào việc khác thì làm sao mà chẳng dẫn đến ngày càng nhiều xe, nhưng đường thì tăng chẳng bao nhiêu. Sau đó ùn tắc quá thì lại… thu phí hạn chế phương tiện với lại bảo trì đường bộ”?
(ảnh minh họa)

Cứu ngành công nghiệp ô tô… không khó?

Bạn Van Dinh (email vodinhsg@yahoo.com) cho rằng: “Tác động từ khủng hoảng kinh tế là có nhưng chủ yếu là chính sách thuế, phí ... thời gian qua làm lụn bại ngành công nghiệp (lắp ráp, phân phối, phụ trợ) ô tô của VN, từ đó ảnh hưởng toàn diện đến nền kinh tế. Mới 6 tháng đầu năm mà hậu quả đã như vậy, nếu duy trì đến 2-3 năm nữa thì không biết sẽ như thế nào? Chính phủ nên có chính sách kích cầu tiêu dùng để tăng trưởng kinh tế. 2 tháng liên tục vừa rồi chỉ số CPI giảm, nếu giảm phát là điều đặc biệt có hại cho VN. Chính phủ nên kéo lệ phí trước bạ ô tô về 10% cho các thành phố thuộc TW, các tỉnh còn lại thì lệ phí trước bạ chỉ nên 5% thôi. Khi thị trường ô tô hồi phục thì các ngành khác sẽ phục hồi theo. Chính phủ nên mạnh dạn ủng hộ VINAXUKI và THACO phát triển ngành ô tô VN theo hướng: Đi từ gốc”.

Theo bạn Hứa Đinh (email dinhlc@gmail.com) thì: “Nên thống nhất biểu thuế toàn quốc để không bị ‘lách’. Tôi có ông bạn hàng xóm mua ô tô nhưng vì thuế trước bạ ở Lào Cai 15% trong khi đó ở Yên Bái lại 10% nên khi mua xe nhờ người quen ở Yên Bái đứng tên hộ, cũng ‘tiết kiệm’ được 35 triệu đồng tiền thuế với xe 700 triệu. Do vậy không nên để biểu thuế có sự chênh lệch giữa các tỉnh như hiện nay để bị ‘lách thuế’ như trường hợp trên”.

Bạn Trần Hải (email vanhaitran2002@yahoo.com) đề xuất: “Cứu ngành công nghiệp ô tô không khó. Chỉ cần ông Bộ trưởng Bộ GTVT rút lại và hủy bỏ đề xuất phí bảo trì đường bộ (hoặc để phí này thì hủy toàn bộ các trạm thu phí đường bộ) và hủy bỏ vĩnh viễn đề xuất 'phí hạn chế phương tiện cá nhân'. Ngoài ra giảm các phí khác như: Thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ, phí biển số,v.v...Làm như vậy, chắc chắn là thị trường ô tô, xe máy sẽ khởi sắc, ngành công nghiệp ô tô và xe máy sẽ được cứu khởi cơn bĩ cực hiện nay. Thật là đẹp cả 3 đường: Nhà nước vẫn có thu, doanh nghiệp bán được hàng, người dân yên lòng”.

Bạn Hoang Long (email soigia_timcuunon@gmail.com) phụ họa: “Nền kinh tế đang ở giai đoạn suy giảm nên việc các DN sản xuất, lắp rắp ô tô gặp khó khăn cũng như các DN ở các lĩnh vực khác. Các DN cũng nên xem lại chính sách của chính mình. Tại sao không bán được nhưng cũng nhất quyết không chịu hạ giá xe, tạo áp lực lên nền kinh tế? Đã đến lúc chính phủ xem lại các cơ chế chính sách đối với lĩnh vực ô tô- xe máy. Nếu cứ để mức chi phí mua ô tô cao gấp 3 lần so với các nước như hiện nay thì dân ta còn lâu lắm mới được sử hữu 1 chiếc ô tô”!

Lập luận của bạn Vinh Nguyễn (email vinhbtc2000@yahoo.com): “Không nên tư duy quá đơn giản. Dân ta mới lò dò tăng thu nhập một chút đã bị chặn đường hưởng thụ. Nên biết rằng mục tiêu của một đất nước là không ngừng làm cho cá nhân mỗi người được thỏa mãn nhu cầu trong một xã hội tốt đẹp hơn, chứ sống mà không thể được hưởng thụ thì khổ quá. Ai đó có tiền, xã hội cần tạo điều kiện để cho họ thỏa mãn, từ đó kéo cả xã hội đi lên. Đừng nên níu kéo nhau lại, tất cả nghèo khổ mới ‘vui’. Thứ hai nữa là nhu cầu sở hữu tài sản cá nhân là tất yếu, là vĩnh cửu, từ ngàn đời nay vẫn thế rồi vì đó là nhu cầu, là thú vui. Phương tiện giao thông công cộng chỉ có thể song hành cùng phương tiện giao thông cá nhân, chứ không thể bù hoặc xóa được nhu cầu sở hữu xe cá nhân”.

“Giải bài toán giao thông ở tầm vĩ mô cho kết quả chính xác, tối ưu là điều mà các cơ quan quản lý nhà nước phải tính toán thấu đáo đến từng chi tiết cụ thể. Tiếc rằng đã chọn cách làm dễ nhất và cho ra kết quả như vậy là điều đương nhiên. Bởi ngay khi mới chỉ ở dạng đề xuất thì các ý tưởng về tăng thuế, phí nhằm hạn chế phương tiện cá nhân và tăng thu ngân sách đã thấy rõ về tác dụng ngược rồi. Nhà nước trao quyền cho các các Bộ, ngành quản lý để tham mưu, đề xuất những chính sách đúng, mang lại kết quả tốt nhất cho cả nhà nước và nhân dân. Do đó, những đề xuất gây thiệt hại như hạn chế phương tiện cá nhân này phải có cá nhân, tập thể tham mưu - đề xuất chịu trách nhiệm. Có như vậy, cơ quan quản lý nhà nước mới thận trọng và thấu đáo hơn cho những lần tham mưu - đề xuất chính sách khác”. Đó là ý kiến của bạn Minh Anh (email ngo_yeu4635@yahoo.com).

Ban Bạn đọc