- Tôi đang sống ở Hà Lan. Tôi xin luật sư của VietNamNet tư vấn: Bố tôi năm nay 78 tuổi, ông đang sống cùng em trai tôi.

Tin bài cùng chuyên mục:


Khi gọi điện ông thường xuyên kêu với tôi là bị em trai đối xử không ra gì như: Không cho ăn đủ bữa, chửi bới, cho ngủ dưới bếp… Nhà tôi vốn không thuận hòa nên tôi không biết khuyên em như thế nào. Có người mách tôi hỏi luật sư: Em tôi có phạm tội gì không? Làm thế nào để có biện pháp răn đe hợp lý với em tôi? (Bạn đọc Ly Nguyễ).

Luật sư tư vấn:

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Hiện nay, rất nhiều những hành vi bạo lực gia đình đối với người cao tuổi đang tồn tại ở nhiều gia đình nhưng không được phát hiện. Chỉ khi họ bị đẩy ra đường, bị đánh đập nguy hiểm đến tính mạng... thì xã hội mới hay biết. Bản chất những hành vi này là đặc biệt nghiêm trọng. Nếu qua quá trình giáo dục và hòa giải vẫn không làm thay đổi được hành vi của họ thì pháp luật cần phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác.

Việc em trai bạn đối xử với cha già (78 tuổi) không ra gì như không cho ăn đủ bữa, chửi bới, cho ngủ dưới bếp… là hành vi ngược đãi người già, vi phạm Điều 8 Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Điều 151 Bộ luật Hình sự về tội ngược đãi, hành hạ người già, trẻ em...; vi phạm điều 152 Bộ luật Hình sự về tội trốn tránh nhiệm vụ cấp dưỡng (nuôi bố mẹ, nuôi con...), vi phạm Pháp lệnh xử lý hành chính, vi phạm điều 9 Luật Người cao tuổi.

Hành vi này của em bạn sẽ bị khởi tố nếu em bạn đã từng bị xử lý hành chính một lần, trong điều kiện em bạn tái phạm từ lần 2 trở lên. Trường hợp bị khởi tố sẽ bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm; hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Theo Điều 18 Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định:

“Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.

Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình”.

Vì vậy, bạn và người thân cần  báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư để xử lý theo quy định pháp luật.

• Tư vấn bởi Luật sư Đào Thanh Huyền, điện thoại: 0944479360, địa chỉ email luatsudaothanhhuyen@gmail.com.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ  banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).