- Tôi là con ngoại hôn được cha tôi thừa nhận và đứng ra làm khai sinh từ khi mới ra đời, tôi cùng sống chung và có tên trong cùng hộ khẩu. Đã nhiều lần các anh chị cùng cha khác mẹ với tôi đòi rước cha tôi về Tp. HCM chung sống cùng họ nhưng cha tôi kiên quyết cự tuyệt. 

Tin bài liên quan:

Ngày 22/4/2012, lợi dụng cha tôi bị tai biến họ đã lừa dối bảo về thành phố trị hết bệnh sẽ đưa về quê, nhưng rồi họ giữ ông ở lại. Sau khi cha tôi xuất viện họ liên tục thay đổi chỗ ở của ông và cuối cùng tuyên bố cắt đứt liên lạc, vĩnh viễn không cho chúng tôi được gặp cha cho tới khi ông qua đời. Xin nhờ luật sư tư vấn:

Pháp luật bảo vệ hay ngăn cấm con ngoại hôn được thăm viếng phụng dưỡng cha? Nếu được bảo vệ thì chúng tôi phải khiếu nại ở đâu, hồ sơ, thủ tục ra sao? (tôi chỉ có địa chỉ cụ thể của người chị cả, nhưng cha tôi không ở nhà chị ta).

Hành vi ngăn cấm tôi gặp cha vĩnh viễn đến khi ông qua đời của các anh chị cùng cha khác mẹ với tôi có vi phạm pháp luật không?

Theo họ cho biết hiện cha tôi được bố trí ở một phòng riêng cách biệt có trang bị radio và tivi, khi cần vệ sinh hay ăn uống thì rung chuông sẽ có người vào phục vụ, cách ly hẳn với cuộc sống bên ngoài. Vậy hành vi đó có được xem là giam nhốt người trái phép không? (Bạn đọc Trang Nhã).

Luật sư tư vấn:

Chăm sóc hay giam nhốt ? (Ảnh minh họa, nguồn internet)


Luật Hôn nhân và gia đình có quy định: Con có nghĩa vụ yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc cha mẹ. Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ. Quy định này không phân biệt con ruột, con nuôi, con ngoài giá thú (con ngoại hôn).

Theo quy định trên, bạn là con ruột của cha bạn, bạn vừa có nghĩa vụ và vừa có quyền chăm sóc cha ruột của mình. Điều này được pháp luật bảo vệ. Người nào có hành vi ngăn cấm bạn thực hiện quyền chăm sóc cha của bạn là người đó đã vi phạm pháp luật.

Hiện cha của bạn đang bị bệnh, bạn và các anh, chị, em cùng cha khác mẹ cùng nhau chăm sóc cha là điều đáng quý. Nếu có điều gì không hài lòng, trước hết các bên cần phải trao đổi, hòa giải trong gia đình. Tuy nhiên, nếu có sự ngăn cấm quá đáng, tranh chấp không thể hòa giải được, bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người có hành vi ngăn cấm bạn thực hiện quyền chăm sóc cha của bạn (không phụ thuộc vào việc cha của bạn đang ở đâu). Đơn khởi kiện phải ghi đầy đủ và đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Mặc dù cha của bạn không ở nhà người chị cả, nhưng nếu người chị cả có hành vi ngăn cấm bạn thực hiện quyền chăm sóc cha của bạn thì bạn có quyền khởi kiện người chị cả (vì đã biết rõ địa chỉ cụ thể) tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chị cả cư trú, các anh, chị, em còn lại (các anh, chị, em cùng cha khác mẹ) là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Hồ sơ khởi kiện kèm theo đơn khởi kiện gồm có:

- Bản sao Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu của bạn.
- Bản sao Giấy khai sinh của bạn.
- Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Cha của bạn bị bệnh tai biến, điều quan trọng là cần phải có thời gian và nơi nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Việc bố trí nơi dưỡng bệnh yên tĩnh có thể là điều cần thiết và cũng là mục đích của các con muốn chăm sóc cho cha. Việc cách ly với cuộc sống bên ngoài có phải là hành vi giam giữ người trái pháp luật hay không cần phải xem xét nhiều yếu tố, trước hết có thể xem xét đến trạng thái tinh thần hiện tại của cha bạn:

- Trường hợp trạng thái tinh thần của cha bạn còn sáng suốt, minh mẫn, làm chủ được bản thân và không phản đối việc chăm sóc nêu trên thì không thể coi là hành vi giam giữ người trái pháp luật.

- Trường hợp trạng thái tinh thần của cha bạn không còn sáng suốt, không minh mẫn, không làm chủ được bản thân thì việc chăm sóc nêu trên cũng chưa thể coi là hành vi giam giữ người trái pháp luật, vì những người con đang chăm sóc có thể đưa ra lý do rằng đối với người không làm chủ được bản thân cần phải có sự chăm sóc đặt biệt để hạn chế những hành động đáng tiếc của người bệnh.

Theo nội dung bạn hỏi, cha của bạn còn nhận thức được nhu cầu cá nhân (vệ sinh, ăn uống thì rung chuông). Do đó, bạn có thể nhờ người thân tiếp xúc, trao đổi với cha bạn để biết được sức khỏe, trạng thái tinh thần cũng như ý muốn của cha bạn về nơi dưỡng bệnh, cách chăm sóc để bạn có cách xử sự phù hợp.
    
•    Luật sư Trương Bạch Thủy, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Luật sư Huỳnh Minh Vũ

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).