- Đối với hành vi dâm ô thì việc thu thập chứng cứ có thể khó khăn hơn. Anh/chị nên yêu cầu cháu bé mô tả cụ thể về hành vi dâm ô của cha dượng để củng cố thêm thông tin và chứng cứ cho việc tố giác tội phạm với cơ quan công an.

TIN BÀI KHÁC

(ảnh minh họa)
Gần nhà tôi có hai vợ chồng hàng xóm (ở trọ) có 2 đứa con gái. Hai đứa con này là con riêng của vợ. Đứa con lớn năm nay đã 15 tuổi sang nhà tôi kể đã nhiều lần bị người cha dượng quấy rối tình dục.

Vợ chồng họ sống rất khép kín với hàng xóm và hai đứa con luôn bị họ đánh đập. Theo cô bé kể với tôi là cô bé đã kể chuyện bị dượng đánh đập và quấy rối tình dục với mẹ của mình, nhưng mẹ của cô bé không tin chuyện đó xảy ra và còn đánh đập cô bé.

Hiện cô bé rất muốn bỏ nhà đi nhưng cũng không biết đi đâu về đâu. Tôi cũng không biết cách nào tháo gỡ cho cô bé. Liệu cô bé có đến công an để tố cáo người cha dượng được không? Tôi có quyền đưa đứa bé đến công an để tố cáo được không hay chỉ mẹ cháu mới đưa đi được.

Luật sư tư vấn:


Về hành vi đánh đập hai cháu bé:


Hành vi đánh đập của cặp vợ chồng đối với hai bé gái có thể bị khép vào “Tội hành hạ người khác” theo Điều 110 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm; phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật, b) đối với nhiều người.

Về hành vi quấy rối tình dục:


Hiện tại, Bộ luật Hình sự Việt Nam chưa quy định tội quấy rối tình dục. Tuy nhiên, hành vi quấy rối tình dục của người cha dượng đối với cháu bé 15 tuổi có thể bị khép vào tội “Dâm ô với trẻ em” theo Điều 116 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thành niên mà có hành vi dâm ô với trẻ em thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: a) phạm tội nhiều lần, b) đối với nhiều trẻ em, c) đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh, d) gây hậu quả nghiêm trọng, đ) tái phạm nguy hiểm.

Cần hiểu thêm rằng hành vi dâm ô là hành vi của người đã thành niên dùng mọi thủ đoạn có tính chất dâm dục đối với người dưới 16 tuổi nhằm thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không có ý định giao cấu. Hành vi này được thể hiện rất đa dạng như: sờ mò, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình.

Tuy nhiên để việc tố giác tội phạm đạt kết quả thì việc thu thập chứng cứ là rất quan trọng:

Đối với hành vi hành hạ người khác thì các vết thương trên thân thể nạn nhân, các đoạn băng hình ghi cảnh đánh đập, lời làm chứng của những người hàng xóm… chính là các chứng cứ khó có thể chối cãi.

Đối với hành vi dâm ô thì việc thu thập chứng cứ có thể khó khăn hơn. Anh/chị nên yêu cầu cháu bé mô tả cụ thể về hành vi dâm ô của cha dượng để củng cố thêm thông tin và chứng cứ cho việc tố giác tội phạm với cơ quan công an.

Về việc tố giác tội phạm:

Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự, các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội. Người nào che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm tùy vào mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, mọi công dân có quyền tố giác tội phạm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngay cả khi tội phạm đó đã xảy ra từ lâu.

Bộ luật Hình sự Việt Nam không có quy định giới hạn về độ tuổi công dân được thực hiện việc tố giác tội phạm. Nhà nước khuyến khích mọi người thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Do vậy, chính cháu bé hoặc bản thân anh/chị cũng có quyền tố giác các hành vi phạm tội của cặp vợ chồng trên cho cơ quan công an địa phương. Nếu cháu bé hoặc bản thân anh/chị vì lý do nào đó mà không muốn trực tiếp tố giác tội phạm thì có thể nhờ các tổ chức, đoàn thể xã hội như Hội liên hiệp phụ nữ, Ủy ban Bảo vệ quyền trẻ em, Đoàn thanh niên… tố giác tội phạm.

Đức Toàn (ghi)

Tư vấn bởi LS Nguyễn Thành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật (120 Sương Nguyệt Anh, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM) (ĐT: 0906633168 - 08.62906422).

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).