- Tôi là sinh viên đang học tập tại Bình Dương. Cạnh nhà trọ tôi có một quán cà phê của một gia đình có ba thế hệ sinh sống gồm ông, bà, con gái, con rể, 2 cháu. Quán có thuê một cô bé làm nhân viên với mức lương 2 triệu/tháng, cô bé này năm nay được 17 tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

TIN BÀI KHÁC:


Đã bốn năm làm việc và sống ở quán, công việc hàng ngày của cô là quét nhà, quét sân, chạy bàn, rửa ly chén và phụ việc nấu nướng.

Hàng tháng, cô gửi cho bà và đứa em của cô ở quê số tiền khoảng 1 triệu. Nhưng tiền lương hàng tháng của cô thì không được nhận đều vì bị người chủ quán trừ bớt bởi nhiều lý do: Làm bể ly, tổng số nước trên hóa đơn không khớp với số nước còn lại, ngủ dậy trễ ... có tháng cô bị trừ gần 1 triệu tiền lương nhưng vì cô thật thà nên chấp nhận.

Nhưng đến tháng vừa rồi tôi giật mình khi nghe tin cô bé bị người con gái của chủ quán trừ 8 triệu đồng và chuẩn bị cho thôi việc. Lần này cô bị trừ tiền với những lý do như: Chửi thề trừ 100 nghìn, mắng bà 100 nghìn ... cô bé tính mượn tiền của một người quen để trả và với lãi suất 500 nghìn một tháng, khi nghỉ việc ở quán thì thuê phòng trọ rồi tìm công việc như bán hàng để trả nợ cũng như lo cho bản thân.

Tôi xin hỏi trường hợp trên chủ quán có vi phạm pháp luật hay không, vi phạm điều gì, cô bé cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? (Bạn đọc Quyền Phan).

Luật sư tư vấn:

Ảnh minh họa

Theo quy định của Bộ luật Lao động, hợp đồng lao động được ký kết bằng văn bản và phải được làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản. Đối với lao động giúp việc gia đình thì các bên có thể giao kết bằng miệng. Trong trường hợp giao kết bằng miệng, thì các bên đương nhiên phải tuân theo các quy định của pháp luật lao động.

Dù hợp đồng lao động được ký kết bằng văn bản hay giao kết bằng miệng thì cũng có các nội dung chủ yếu sau: Công việc phải làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, địa điểm làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động ...

Cô bé năm nay 17 tuổi và đã làm việc được bốn năm, tức lúc mới vào làm việc cô bé chưa đủ 15 tuổi. Theo Thông tư số 21/1999/TT-BLĐTBXH ngày 11 tháng 9 năm 1999 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thì công việc giúp việc gia đình không thuộc danh mục nghề và công việc được nhận trẻ em dưới 15 tuổi vào làm việc. Như vậy, chủ quán nhận cô bé vào làm việc trong thời gian hai năm đầu (lúc cô bé chưa đủ 15 tuổi) là vi phạm pháp luật lao động.

Hiện nay, cô bé 17 tuổi, đủ tuổi để giao kết hợp đồng lao động, có quyền tự thỏa thuận các quyền và nghĩa vụ của mình về công việc phải làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, địa điểm làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động … như đã nói ở trên. Tuy nhiên, hầu hết lao động giúp việc gia đình thường chỉ giao kết bằng miệng, không ký kết bằng văn bản nên rất khó để xác định trách nhiệm của các bên khi xảy ra vụ việc.

Trường hợp cô bé làm bể ly (làm hư hỏng dụng cụ) thì phải bồi thường về thiệt hại đã gây ra. Nếu gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất, thì phải bồi thường nhiều nhất ba tháng lương và bị khấu trừ dần vào lương nhưng không quá 30% tiền lương hàng tháng.

Trường hợp cô bé làm mất dụng cụ, thiết bị, làm mất các tài sản khác do chủ quán giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì tùy trường hợp phải bồi thường thiệt hại một phần hay toàn bộ theo thời giá thị trường, trừ trường hợp bất khả kháng (xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép).

Trường hợp cô bé ngủ dậy trễ có vi phạm thời giờ làm việc hay không cần phải xem trước đó các bên có thỏa thuận về điều này như thế nào để có cơ sở xác định việc trừ lương.

Hành vi chửi thề, mắng bà thuộc về đạo đức lối sống, có thể được xem xét ở khía cạnh vi phạm kỷ luật lao động nếu được quy định trong nội quy lao động, không thuộc trường hợp trừ lương người lao động.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cô bé, trước hết cô bé có thể nhờ người cô (người đã giới thiệu trước đây) hoặc người thân gặp chủ quán trao đổi. Sau khi trao đổi, nếu các bên vẫn không thống nhất được thì có thể nhờ đến sự can thiệp của Hội Phụ nữ phường, xã hoặc Liên đoàn Lao động quận, huyện nơi cô bé làm việc.

Trường hợp không có sự can thiệp của Hội Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, hoặc sau khi đã có sự can thiệp của Hội Phụ nữ, Liên đoàn Lao động mà các bên vẫn không thống nhất được thì có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của chủ quán.

Từ những phân tích trên, hy vọng bạn có thể giúp cô bé bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Qua vụ việc này, mặc dù pháp luật cho phép các bên có thể giao kết bằng miệng đối với lao động giúp việc gia đình. Tuy nhiên, để hạn chế những tranh chấp có thể xảy ra, khi giao kết phải có người chứng kiến.

  • Luật sư Trương Bạch Thủy, Văn phòng Luật sư Huỳnh Minh Vũ, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.


Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ  banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).